Doanh nghiệp

Đổ vỡ niềm tin trái phiếu doanh nghiệp, chuyên gia "hiến kế" vượt qua khủng hoảng

'Đã xảy ra cuộc khủng hoảng về niềm tin trên thị trường tài chính’, đó là nhận định của một chuyên gia kinh tế đưa ra cách đây không lâu. Bằng chứng là thị trường trái phiếu và chứng khoán khoán đang sụt giảm rất mạnh trong thời gian vừa qua. 

Chia sẻ tại buổi họp Giao ban báo chí hàng tuần sáng 15/11, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Đức Chi cũng thẳng thắn cho rằng, sự sụt giảm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) quan trọng nhất là do niềm tin của thị trường.

“Khi mất niềm tin thì nhà đầu tư không bao giờ xuống tiền mua trái phiếu, mất niềm tin đối với ngân hàng thì không gửi tiền mà tạm thời cất đi", Thứ trưởng nói.

 Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi (Ảnh: VGP).

Về giải pháp để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường TPDN, Thứ trưởng Chi nêu ví dụ việc doanh nghiệp phát hành mà không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, không đàm phán được với trái chủ thì sẽ bị xử lý bằng pháp luật.

Mức nhẹ là tòa án xử trả lại tài sản cho nhà đầu tư, nặng hơn là vấn hình sự… để đảm bảo quyền lợi cho trái chủ. Đó là một cách lấy lại niềm tin, bên cạnh rất nhiều giải pháp khác nhau mà chúng tôi đang kiến nghị với Thủ tướng, Thứ trưởng Chi thông tin.

Trước cuộc khủng hoảng về niềm tin của nhà đầu tư, nhiều giải pháp đã được đưa ra, nhiều chuyên gia đã tham gia "hiến kế" giải cứu thị trường, để nhà đầu tư vượt qua khủng hoảng. Tuy nhiên, để làm được điều này, không phải chuyện một sớm một chiều.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, nếu không có giải pháp cụ thể bao gồm cả về truyền thông đến nhận thức của nhà đầu tư thì cũng không lấy lại được niềm tin. Và kể cả khi Bộ Tài chính, Chính phủ có đưa giải pháp nào đi chăng nữa để cứu thị trường mà niềm tin không có thì không thể phục hồi được.

Giải cứu trái phiếu, chuyên gia hiến kế

Rất rõ ràng, niềm tin của thị trường cần được khôi phục lại, bằng cách hành động cụ thể, nếu không sẽ rất khó để thị trường trái phiếu phát triển ổn định, bền vững và trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp như mục tiêu của các cơ quan quản lý.

Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV cũng đề xuất tính tới giải pháp cho phép các ngân hàng thương mại trong nước tham gia mua lại các trái phiếu sắp tới hạn và xử lý như một dạng tín dụng đặc biệt ngoài tín dụng thông thường.

Vì lượng trái phiếu sắp tới hạn có giá trị vượt rất nhiều lần khả năng mua lại của một số tổng công ty nhà nước như Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC), Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), Ban IV cho biết.

 TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia (Ảnh: DNVN).

Chia sẻ tại Toạ đàm các kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp Việt Nam do VNDirect tổ chức, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia chỉ ra 4 giải pháp trong đó nổi bật là việc thành lập khẩn trương quỹ bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp như Chính phủ Trung Quốc và Hàn Quốc đang làm. Quỹ sẽ mua lại trái phiếu, bảo lãnh, tái bảo lãnh trái phiếu rồi từ từ xử lý tài sản trong tương lai. 

Nguồn tiền để thành lập quỹ này, TS. Nghĩa kiến nghị NHNN dùng 300.000 tỷ đồng gửi vào 4 ngân hàng quốc doanh lớn và cho phép cho vay ngắn hạn, đây là cách ngân hàng không lo mất thanh khoản, trong đó, trích một phần để thực hiện quỹ trên.

Ngoài ra, theo TS. Nghĩa Chính phủ cũng có thể xem xét kéo dài điều kiện nhà đầu tư chuyên nghiệp của nghị định trước đó thêm một năm, sau đó, từ từ thu hẹp lại. Cũng như, không hình sự hóa các vụ án, vì nếu như thế thì tài sản sẽ bị phong tỏa không xử lý được nữa.

Cuối cùng, cho phép các doanh nghiệp tái cấu trúc nợ như một ngân hàng thương mại (NHTM), làm đề án tái cấu trúc nợ và công khai ra thị trường. Với các giải pháp này, ông Nghĩa cho biết có thể dần dần giải quyết các vấn đề của nền kinh tế trong vòng một đến hai năm để dứt điểm các vấn đề về trái phiếu.

Tại Nghị quyết 143 về phiên họp thường kỳ tháng 10/2022, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tập trung triển khai thực hiện Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế; rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp, báo cáo Chính phủ để sửa đổi (nếu cần thiết). Giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo xử lý.

Cùng đó, có giải pháp xử lý kịp thời các khó khăn trong ngắn hạn liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả, bền vững trong trung hạn, dài hạn; sớm báo cáo đánh giá từng loại trái phiếu, việc đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trong Quý IV/2022 và năm 2023, đề xuất giải pháp xử lý chủ động, phù hợp, hiệu quả với diễn biến tình hình.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm