Đông và Tây hội ngộ
Với mong muốn sống đời an nhiên, tự do tự tại, nhiều người tìm đến các tôn giáo, triết lý phương Đông với những lời khuyên tập trung vào cải biến tâm tính, khuyến khích buông bỏ tham sân si. Kiểu như hãy bỏ nóng giận, diệt kiêu căng, không luyến ái vật chất, không ham muốn dục vọng để giải thoát mọi ràng buộc, không bao giờ chuốc lấy phiền não. Hoặc giàu có không phải là có nhiều mà là cho nhiều, một ngọn nến có thể thắp sáng hàng ngàn ngọn nến khác và cuộc đời ngọn nến ấy không bao giờ tàn lụi…
Với mong muốn sống đời sôi động, màu sắc, đạt được tự do tài chính, dễ dàng hiện thực hóa các mơ ước từ gần gũi tới xa xôi như mua nhà cho bố mẹ già, cho con du học, tự mình du lịch vòng quanh thế giới…, nhiều người lại tìm đến các khóa học mang tính chất "làm giàu không khó", làm theo lời khuyên của các nhà tâm lý học phương Tây. Kiểu như nếu phải chọn lựa, hãy chọn là người làm mọi việc, đừng chọn là người đứng ngoài cuộc; lập kế hoạch và làm việc một cách chăm chỉ để duy trì tốt các mối quan hệ; hãy cẩn trọng khi ban phát lòng tốt…
Nhưng để cân bằng giữa tinh thần xuất thế và nhập thế, giữa lý thuyết và thực tiễn, giữa vô hình và hữu hình, người ta cần nhiều hơn thế trong hành trình hướng tới tương lai hạnh phúc, viên mãn. Người ta cần phải thay đổi tích cực thông qua việc tự trao quyền và có can đảm để suy nghĩ, hành động, đồng thời chủ động tận dụng các cơ hội của mình. Và "Tư duy thiết kế ứng dụng trong cuộc sống" là một trong những bạn đồng hành đắc lực trong hành trình gian nan ấy.
Đón nhận sự thay đổi
Ba tiến sĩ gồm: Tiến sĩ Larry Leifer (Mỹ) , Tiến sĩ Michael Lewrick (Thụy Sĩ), Tiến sĩ Jean-Paul Thommen (Thụy Sĩ) đã chung sức viết nên cuốn sách "The Design Thinking Life" ( bản tiếng Việt với tựa đề "Tư duy thiết kế ứng dụng trong cuộc sống"). Đây là phần tiếp theo của cuốn "The Design Thinking Playbook" (Thực hành tư duy thiết kế).
Theo các tiến sĩ, "Trao quyền cho bản thân, đón nhận sự thay đổi và tạo nên một cuộc sống đầy niềm vui", khám phá bản thân để tìm thấy phiên bản tốt hơn của chính mình, và cũng chính là cách giảm thiểu điểm yếu, cường hóa điểm mạnh, sống vui, sống khỏe, sống có ích...
"Tư duy thiết kế ứng dụng trong cuộc sống" thể hiện rõ ràng thông qua hàng loạt các câu hỏi: "Tôi thích gì?", "Điều gì cướp đi năng lượng của tôi và làm cách nào để tôi nạp lại năng lượng?", "Tôi có thể tự bắt đầu và thử nghiệm những thay đổi nhỏ nào?", "Làm cách nào để tôi thực hiện những thay đổi này?", "Kỹ năng và tài năng của tôi là gì?", "Tôi có thể áp dụng chúng ở đâu để mang lại lợi ích?", "Làm cách nào để tìm ra những gì tôi thích nhằm đưa ra lựa chọn phù hợp với quá trình học tập, nghề nghiệp, sự nghiệp?", "Làm cách nào để tôi chọn lữa giữa các phương án khác nhau?", "Làm thế nào để tôi chuẩn bị rời khỏi vùng an toàn của mình và bắt đầu thay đổi?"… Khi tìm được chính xác câu trả lời, cũng có nghĩa bạn sẽ tìm ra cách tháo nút rắc rối.
Các quy tắc tư duy
Theo các nhà nghiên cứu, quy tắc tư duy rất hữu ích trong việc thúc đẩy người đọc thiết kế sự thay đổi tích cực, trụ vững trên con đường dẫn tới sự tự tin vào năng lực bản thân và gia tăng hạnh phúc viên mãn. Đó là:
1 - Tư duy sáng tạo (tư duy về những điều không tưởng). Như danh họa Pablo Picasso từng nói: "Tất cả những gì bạn có thể tượng tượng ra đều có thật".
2 - Phân biệt giữa sự thật và các vấn đề có thể giải quyết. Một định nghĩa rõ ràng về vấn đề là điểm khởi đầu tốt nhất để thiết kế sự thay đổi.
3 - Suy ngẫm về nhận định của người khác về mình. Chúng là dấu hiệu cho thấy có thể phải bác bỏ các giải thuyết của mình và định hướng lại bản thân.
4 - Thay đổi luôn bắt đầu từ bản thân. Đẩy trách nhiệm cho người khác sẽ tốt cho việc gột rửa tinh thần bản thân trong ngắn hạn nhưng nó sẽ không thúc đẩy mình hành động.
5 - Thử nghiệm những quan niệm sống mới và dám đẩy bản thân đến các giới hạn. Chỉ khi đó mình mới có thể vượt qua những giới hạn này tại một số thời điểm.
6 - Thay đổi luôn kéo theo sự phản kháng. Biết được ai ủng hộ và ai ngăn cản có thể giúp mình xác định được bước đi tiếp theo...