Doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi
Ông Đặng Bá Long, Giám đốc Công ty Ong mật TP.HCM (Behonex) - doanh nghiệp xuất khẩu mật ong đi Mỹ, cho biết chính sách áp thuế chống bán phá giá đối với mật ong Việt của thị trường Mỹ trong năm qua khiến ngành xuất khẩu mật ong ảnh hưởng lớn, kim ngạch xuất khẩu sụt giảm mạnh nghiêm trọng, riêng công ty có thời điểm giảm đến 50% doanh số. Tuy nhiên, nhờ giá USD tăng mạnh, khoảng 6 - 7% so với năm trước khiến doanh nghiệp xuất khẩu thu tiền đô về có lợi hơn, bù phần nào khoản sụt giảm.
Ông nói: "Tất nhiên mức tăng của giá đô khó bù vào mức sụt giảm xuất khẩu của ngành này, song nhìn chung, các doanh nghiệp trong ngành xuất khẩu nông thủy hải sản, trong đó có tôm, cá, mật ong, tiêu, gạo, cà phê… trong thời gian này hưởng lợi.
Chẳng hạn, các hợp đồng ký từ cuối năm trước, nay mới giao hàng hưởng lợi chênh lệch tỷ giá nhiều. Trước dự kiến thu về 20 tỷ đồng, nay được thêm 1 - 1,5 tỷ đồng nữa. Khoản chênh lệch này quan trọng cho doanh nghiệp trong bối cảnh bão giá càn quét từ sau xung đột giữa Nga - Ukraine xảy ra".
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An, không giấu niềm vui khi cho biết hạt gạo Việt đang hưởng lợi "kép" từ giá lương thực thế giới tăng và tỷ giá USD tăng mạnh.
"Ngành gạo năm nay thắng lợi rồi, giữa bao ngổn ngang của chiến tranh, bão giá, khan hiếm lương thực, biến đổi khí hậu, giá nhiên liệu tăng… thì ngành xuất khẩu gạo Việt trụ vững trong tâm thế lạc quan, tự tin. Từ nay đến cuối năm, xuất khẩu gạo chất lượng cao của công ty sang châu Âu tăng mạnh, các hợp đồng đều được ký thanh toán bằng đồng USD, nhắm mắt đã thấy có lợi thêm 5 - 6%.
Bên cạnh đó, giá xuất khẩu gạo của công ty bán ra thị trường châu Âu cũng khá cao, gạo ST25 giá xuất 1.250 USD/tấn, gạo hương lài 680 USD/tấn. Doanh thu của toàn công ty năm ngoái đạt 2.500 tỷ đồng, năm nay chắc sẽ lên 3.000 tỷ đồng. Riêng kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng khoảng 4 triệu USD, lên 40 triệu USD trong năm nay", ông Bình hồ hởi khoe.
Giải pháp duy nhất cho doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu là tìm được nguồn nguyên liệu từ nội địa, công nghiệp hỗ trợ tăng tốc, giảm phụ thuộc nhập khẩu hoàn toàn... sẽ giúp giảm thiệt hại hơn.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh
Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp nhập khẩu lại "méo mặt" vì giá USD tăng. Đặc biệt với những doanh nghiệp đang nhập khẩu máy móc dây chuyển để đầu tư mở rộng, những doanh nghiệp phụ thuộc vào nguyên liệu sản xuất nhập khẩu từ nước ngoài…
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐTV Công ty cơ khí Duy Khanh, đang "khóc ròng" vì đồng USD tăng cao quá. Đầu năm 2022, công ty ký hợp đồng với đối tác ở Đức, nhập khẩu dây chuyền máy móc trị giá khoảng 75 - 80 tỷ đồng, hàng sẽ được giao lần lượt sau 8 tháng và 10 tháng. Đợt 1, công ty đã trả hơn 20 tỷ đồng, nay đợt 2, máy đã đóng thùng, chuẩn bị đưa lên tàu chở về Việt Nam, lắp ráp tiếp.
Thế nhưng tỷ giá tại thời điểm ký hợp đồng chưa tới 23.000 đồng/USD, nay vọt trên 24.700 đồng/USD. "Nhắm mắt đã mất mấy tỷ đồng rồi. Cả năm làm ăn cố gắng tiết kiệm, cắt bên này, xén bên kia để giữ công nhân, kiếm đơn hàng, giữ chân khách hàng vì giá nguyên liệu sắt thép nhập khẩu tăng. Tỷ giá cứ tăng thế này là thêm cú bồi nữa. Ngành cơ khí năm nay đã gặp những biến động ngoài dự báo đầu năm", ông Tống rầu rĩ chia sẻ.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, cho biết nhiều doanh nghiệp dệt may đã phải giảm tần suất sản xuất từ 3 ca/ngày xuống còn 1 ca/ngày vì thiếu đơn hàng sản xuất. Lượng đơn hàng đã giảm có thể lên đến 70%. Nay tiền đi mua nguyên liệu trả bằng USD lại tăng mạnh, doanh nghiệp đã khó lại chồng khó. Trong những tháng cuối năm, ngành dệt may gặp nhiều khó khăn hơn là thuận lợi.
Tăng chủ động nguồn nguyên liệu nội địa
Trong thực tế, việc Ngân hàng Nhà nước nới biên độ tỷ giá lại được các chuyên gia kinh tế đánh giá là "cần thiết". Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), việc giữ ổn định tỷ giá hối đoái giúp cho hoạt động nhập khẩu và xuất khẩu cân bằng ổn định và chính sách ngoại tệ của Việt Nam đang đi đúng hướng. Việc tăng biên độ tỷ giá sẽ giúp giảm chênh lệch giá USD ở thị trường chính thống và thị trường tự do. Tuy nhiên, việc này sẽ tạo áp lực cho các doanh nghiệp nhập khẩu là chính.
Ông nói: "Khi giá nguyên liệu trên thế giới và tỷ giá đồng loạt tăng, doanh nghiệp nhập khẩu sẽ chịu tác động kép, đẩy chi phí sản xuất ngày càng tăng cao, trong khi giá sản phẩm không thể tăng tương ứng. Với doanh nghiệp tuy xuất khẩu nhưng phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu như ngành dệt may, da giày… thì tỷ giá tăng mạnh thế này sẽ bị tác động không nhỏ.
Trong thực tế, lãi suất chênh lệch từ tỷ giá hầu như không đáng kể so với số tiền mà doanh nghiệp phải bỏ ra để nhập khẩu nguyên phụ liệu. Giá nhập khẩu tăng, giá hàng hóa cũng sẽ tăng khiến tiêu dùng có thể bị ảnh hưởng".
Ngoài ra, điều đáng lo cho những tháng tới là nhiều thị trường đang có mặt hàng tương đương với sản phẩm Việt Nam, đang phá giá đồng tiền mạnh hơn, khiến hàng Việt xuất khẩu sang đó mất lợi thế cạnh tranh. So với USD, tiền Việt đang mất giá khoảng 5 - 6%, tốt hơn nhiều so với tỷ lệ mất giá của tiền Trung Quốc từ 14 - 15%, Nhật 30%, Thái Lan 17 - 18%, EU 20%, Anh 24%...
"Thế nhưng, sau một thời gian điều chỉnh, các biến động của tỷ giá cũng sẽ dần dần hạ nhiệt. Đồng USD ổn hơn, chúng ta sẽ đưa tỷ giá về mức cần thiết. Như vậy, về bản chất, doanh nghiệp sẽ có môi trường kinh doanh ổn định", ông Thịnh nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng việc nới biên độ tỷ giá USD như vậy là khá thận trọng. Đây không phải là phá giá tiền đồng mà chỉ là động thái điều chỉnh về kỹ thuật trong tiền tệ. Thị trường biến động nhiều, USD được nhiều thị trường chọn làm kênh thanh toán trong mua bán xuất nhập khẩu. Mỹ đang nâng lãi suất khiến dòng tiền USD chuyển dịch về quốc gia đó nhiều hơn. Việt Nam không thể ngoài vòng ảnh hưởng đó khi kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, nên cần phải điều chỉnh cho phù hợp.
"Vấn đề trong ngắn hạn là doanh nghiệp khi sản xuất phải nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu, giá USD tăng khiến doanh thu giảm do phải bội chi về phí nhập khẩu, phí vận tải và từ đầu năm đến nay là khoản chênh lệch tỷ giá tăng liên tục, cộng lại mức chênh lệch này rất lớn.
Nếu doanh nghiệp trong nước vay nợ bằng USD sẽ gặp khó khăn nhiều hơn. Giải pháp duy nhất cho doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu là tìm được nguồn nguyên liệu từ nội địa, công nghiệp hỗ trợ tăng tốc, giảm phụ thuộc nhập khẩu hoàn toàn… sẽ giúp giảm thiệt hại hơn", ông nói.
Giá USD tiếp tục tăng cao
Ngày 19.10, các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng giá USD thêm 60 đồng, Eximbank mua vào lên 24.370 - 24.390 đồng, bán ra 24.620 đồng; Vietcombank mua vào 24.320 - 24.350 đồng, bán ra 24.630 đồng…
Đây là mức giá kỷ lục từ trước đến nay. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng tỷ giá trung tâm trong ngày thêm 26 đồng, lên 23.663 đồng/USD. Mức giá trần mà các ngân hàng thương mại được phép tăng lên 24.846 đồng/USD.
Như vậy, giá bán USD của các ngân hàng còn cách xa giá trần 216 đồng. Trên thị trường liên ngân hàng, giá USD tăng thêm 51 đồng (tương ứng 0,2%) lên 24.510 đồng. Trong tuần qua, giá USD đã tăng tổng cộng 2,2% và tăng gần 7,7% trong năm qua. Đây là mức giá giao dịch cao nhất của các ngân hàng trên thị trường liên ngân hàng.
Lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng vẫn tiếp tục giảm nhưng đã có tốc độ chậm hơn, từ 0,12 - 0,25%. Ở kỳ hạn qua đêm, lãi suất tiền đồng giảm mạnh nhất 0,25%, xuống còn 3,14%/năm, 1 tuần còn 4,47%, 2 tuần còn 5,27%...
Do giá USD tăng cao nên dù giá vàng thế giới giảm nhưng trong nước vẫn đứng yên. Kim loại quý trên thị trường quốc tế giảm 10 USD/ounce, xuống còn 1.641 USD/ounce. Trong khi giá vàng miếng SJC chỉ giảm 100.000 đồng/lượng, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào còn 66 triệu đồng, bán ra 67 triệu đồng. Mức giá vàng miếng SJC cao hơn thế giới lên 18,3 triệu đồng/lượng.
T.Xuân