Tất cả các hoạt động thổi phồng tác dụng của các loại thần dược giả qua điều tra của chúng tôi đều dẫn đến một địa chỉ, đó là Công ty cổ phần dược phẩm quốc tế Hebrotek (gọi tắt là Công ty Hebrotek, trụ sở tại Hà Nội).
Công ty Hebrotek do một thanh niên 9X thành lập, đó là Phạm Quốc Khánh (28 tuổi, quê Ninh Bình). Ông Khánh ngoài việc làm giám đốc Hebrotek còn lập ra và điều hành nhiều công ty khác để tạo nên một "hệ sinh thái" khép kín, tuyển dụng nhiều thanh niên vào làm việc.
Họ đóng nhiều vai như: thầy thuốc, nhân viên tư vấn, chốt đơn đến cả... nhân viên bưu điện để giao hàng cho khách. Ông Khánh nói gì về hoạt động có dấu hiệu lừa đảo của mình?
"Hàng giả là từ công ty, chi nhánh của tôi ra ngoài làm"
* Nhiều hộp "thuốc" Minh Mục Đan ghi đơn vị chịu trách nhiệm sản phẩm là Công ty TNHH đầu tư thương mại SHN Việt Nam (gọi tắt là Công ty SHN), sản xuất tại Công ty TNHH dược phẩm S. (cùng ở Hà Nội). Mối quan hệ giữa Công ty Hebrotek và SHN?
- Anh em làm chung, cổ phần với nhau... không có giấy tờ để chứng minh.
* Làm việc với ông Hội (27 tuổi, quê Nam Định, giám đốc Công ty SHN) ông này cho rằng "không biết gì về công ty, công ty do ông dựng lên"?
- Nói không biết cũng không đúng. Công ty đứng tên các bạn, các bạn ấy bán được sản phẩm nào thì đăng ký thông tin luôn. Bạn Hội đang chờ đến Tết âm lịch lĩnh tiền (lương) nốt và nhóm của Hội cũng nghỉ gần hết rồi.
* Báo Tuổi Trẻ đã nêu cụ thể trong bài phóng sự điều tra "thuốc" Minh Mục Đan, Minh Mục Cao, Cao Tâm Phế Vương, Cửu Thập Tâm Lương... được đồn thổi do ông Đặng Xuân Phát, Đặng Xuân Huy, Đặng Xuân Phúc (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) bào chế. Ông có mối quan hệ gì với nhóm người này?
- Bên công ty có ký hợp đồng để liên kết quảng cáo và truyền thông về những sản phẩm đó. Chúng tôi lấy tư liệu để quảng cáo và trả phí cho bên nhà thuốc, đồng thời nhà thuốc được quyền bán sản phẩm tự bào chế cho bệnh nhân.
Đối với sản phẩm Cao Tâm Phế Vương, Cửu Thập Tâm Lương chúng tôi đã sản xuất nhưng chưa chạy quảng cáo. Đã có hàng giả nên không "chạy" nữa. Hàng giả là từ công ty, chi nhánh của tôi ra ngoài làm...
* Tôi thấy không thuyết phục, vì đơn vị chịu trách nhiệm về thuốc Minh Mục Đan như ông nói là Công ty SHN, tuy nhiên lại quảng cáo trên mạng là của ông Đặng Xuân Huy, Đặng Xuân Phát, Đặng Xuân Phúc bào chế. Như vậy đã gian dối, giả về nguồn gốc xuất xứ?
- Những cái đó có thể bên hàng giả họ làm.
Do nhân viên nghỉ việc làm giả?
* Như thông tin trong bài điều tra báo Tuổi Trẻ đăng tải, "diễn viên" quảng cáo "thuốc" đã gian dối thay tên đổi họ nhằm mục đích móc túi người bệnh, ông có biết việc này?
- Cái này tôi không biết. Có bộ phận, công ty khác làm truyền thông.
* Ông Triệu Văn Tiến (huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) cho biết Huyết Mạch Tâm An là thuốc giả, vì có nhiều bệnh nhân đến tận nhà tìm ông Tiến do uống thần dược nhưng không khỏi. Có phải nhân viên của ông bán thuốc này?
- Trước đó tôi cùng chung vốn để làm. Nhóm bán Huyết Mạch Tâm An cũng đã nghỉ, tôi không rõ địa chỉ họ ở đâu. Dừng gần một năm nay rồi.
* Nhưng chúng tôi có bằng chứng mới đây, thời điểm tháng 11-2022, nhân viên Công ty Hebrotek của ông vẫn có mặt tại số 122 Phú Diễn bán Huyết Mạch Tâm An và còn đe dọa người bệnh vì họ trả thuốc?
- Nhân viên nghỉ việc khi bàn giao tài sản buộc số điện thoại sẽ phải thu hồi lại nhưng các bạn ấy cầm hết đi luôn. Nếu có người bệnh phản ánh, công ty chúng tôi xử lý sẽ khác, có thể do người ta cài người vào.
Như tôi đã thừa nhận ban đầu do quản lý chưa tốt nên đến nay tôi đã cho 2/3 nhân viên nghỉ việc. Đối với tôi cứ hàng giả là cho nghỉ vì ảnh hưởng đến công ty rất nhiều. Có những nhân viên nghỉ rồi lấy data (thông tin, số điện thoại của khách hàng), thấy lợi nhuận rồi làm giả y hệt chúng tôi.
* Ông liên tục nói thuốc của ông bị làm giả, nhưng thực tế Cục Quản lý dược, Bộ Y tế khẳng định tất cả các sản phẩm nói trên đều chưa được cấp giấy phép lưu hành trên thị trường. Như vậy nó không phải là thuốc, nó là thuốc giả?
- Tôi nghĩ đây là một phần về quản lý con người (nhân viên) của tôi chưa sát sao. Đã có chính sách ban hành của công ty rồi nhưng đôi khi có những bạn trong nội bộ liên kết với hàng giả thì tôi không thể kiểm soát được.
"Thuốc" Minh Mục Đan đã được cấp phép?
Đại diện Công ty Hebrotek nói thuốc Minh Mục Đan đã được cấp phép, để chứng minh, người này cung cấp qua Zalo cho phóng viên Tuổi Trẻ "giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm" được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) ký ngày 29-9-2022.
Tuy nhiên, theo quy định, để được cấp phép lưu hành thuốc chữa bệnh phải qua nhiều khâu kiểm duyệt, quy trình rất nghiêm ngặt của Bộ Y tế. Cục An toàn thực phẩm không có chức năng cấp phép thuốc chữa bệnh.
Theo đó Cục An toàn thực phẩm chỉ được thẩm định, công bố các sản phẩm là thực phẩm chức năng.
Còn trước đó, Cục Quản lý dược đã khẳng định tính đến ngày 23-12, đơn vị này chưa cấp bất kỳ giấy phép lưu hành nào cho các loại thuốc có tên: Minh Mục Đan, Minh Mục Cao, Cao Tâm Phế Vương...
Chưa hết, mặc dù nói "thuốc" Minh Mục Đan đã được cấp phép từ ngày 29-9-2022, nhưng khi làm việc với chúng tôi chính ông Khánh thừa nhận "thuốc" Minh Mục Đan đã được bán trước đó, vào khoảng thời gian tháng 5 và tháng 6-2022.
Còn qua xác minh của chúng tôi mới đây, các hộp "thuốc" Minh Mục Đan bán trên thị trường trong khoảng thời gian tháng 10 và tháng
11-2022, thì ngoài bao bì, vỏ hộp đều ghi thời gian sản xuất vào các ngày 1-8 và 1-9-2022. Ngoài ra, có hộp thuốc chỉ ghi "sản xuất tháng 7-2022" mà không có thông tin gì về công ty sản xuất và đơn vị chịu trách nhiệm.
Xử nghiêm nghệ sĩ quảng cáo láo
Đa số bạn đọc gửi phản hồi về Tuổi Trẻ Online đều cho rằng cần xử lý nghiêm các nghệ sĩ, diễn viên đã tiếp tay cho việc quảng cáo láo để bán thuốc dỏm, hại người dân.
Tuổi Trẻ xin trích đăng một số ý kiến:
* Tôi cứ coi YouTube được 5 hay 10 phút là có nghệ sĩ, diễn viên quảng cáo, nhiều nhất là bà nghệ sĩ C.T.. Họ quảng cáo hết sữa, tới thực phẩm chức năng, xong tới thuốc cho nam giới tăng mạnh chuyện phòng the...
Cái quỷ gì cũng lôi lên quảng cáo được! Tại sao những cái như vậy không phạt nặng vào, và loại khỏi quảng cáo... (Bạn đọc Cachiusa)
* Một số nghệ sĩ vì tiền mà đánh mất lương tâm, đứng ra quảng cáo những nhãn hàng chưa được kiểm chứng để lừa gạt người bệnh - người nghèo. Khi bị hỏi đến thì họ lảng tránh trách nhiệm.
Vậy nên những nghệ sĩ tên tuổi bây giờ đã bị khán giả xem thường và lảng tránh, thật đáng trách! (Bạn đọc Ngon Huynh)
* Một số ca sĩ, kịch sĩ, nghệ sĩ... người nổi tiếng tiếp tay cho các thần y, tiếp tay cho lang băm mà nhiều người vẫn còn tôn sùng. Bây giờ những người đó diễn tôi không hứng xem, không hứng nghe nữa. (Bạn đọc Phan Tâm)
* Người thường thì nói làm gì, ở đây ngay cả những MC, ca sĩ, diễn viên, người của công chúng cũng tiếp tay cho "thần y" buôn bán thuốc giả để lừa đảo người bệnh - những người đã mến mộ, ủng hộ họ để lấy vài triệu đồng.
Sự việc rất đáng lên án, nhưng không thấy một cơ quan chức năng nào vào cuộc để xử lý. Buồn! (Bạn đọc Phong Nguyễn)
* Tôi nghĩ phải xử phạt tất cả các trường hợp xuất hiện trong clip quảng cáo thuốc giả, thần y giả, đóng giả người khác dù vô tình hay cố ý. Đừng để người ta cứ làm, khi bị phát hiện thì nói là "do nghĩ đơn giản" hay "tôi bị lừa".
Nói thẳng ra không ai lừa được các nghệ sĩ vì họ là người có kiến thức, có trình độ, có kinh nghiệm sống đầy đủ. Nói thẳng ra là vì tiền mà các nghệ sĩ tiếp tay cho quảng cáo láo đã bị mờ mắt, lương tâm bị che lấp. (Bạn đọc Bùi Tấn Được)
* Qua bài điều tra tôi thấy vụ việc được nêu lên đã quá sáng tỏ rồi. Cơ quan chức năng cần phải vào cuộc ngay để người bệnh không còn bị lừa nữa. Thuốc giả uống vào hại thêm chứ làm gì khỏi bệnh. Thật là những kẻ tán tận lương tâm mới bắt tay nhau để móc túi những người bệnh. Họ khổ như vậy mà còn móc túi người ta. Độc ác! (Bạn đọc Lê Chuyên)
ĐỨC TUYÊN
Có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và buôn bán, tàng trữ thuốc giả
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, lãnh đạo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết cơ quan báo chí phát hiện thuốc giả có thể gửi thông tin trực tiếp đến sở y tế các tỉnh, thành phố và sở này sẽ có trách nhiệm xử lý.
Trong khi đó, các luật sư cho rằng hành vi của các đối tượng bán thuốc giả, quảng cáo dỏm đã có dấu hiệu rõ ràng của các tội: lừa đảo chiếm đoạt tài sản và buôn bán, tàng trữ thuốc giả.
"Cơ quan báo, đài gửi thông tin cho Cục Quản lý dược thì chúng tôi cũng sẽ giao cho các tỉnh vì đã phân cấp rồi. Chỉ những vụ việc lớn, làm chuyên ngành Cục Quản lý dược mới phối hợp với các đơn vị khác để giải quyết", lãnh đạo Cục Quản lý dược cho biết thêm.
Theo Cục Quản lý dược, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý các vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc kém chất lượng.
Khi phát hiện thuốc giả, nghi ngờ thuốc giả, đơn vị này đã phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra, truy tìm nguồn gốc và có công văn gửi Bộ Công an điều tra vụ việc liên quan đến thuốc giả về sản xuất, lưu thông, mua bán trên mạng.
Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết hiện tượng các "thần y" được dựng lên có khả năng chữa bách bệnh nhằm mục đích móc túi người bệnh đang rất phổ biến trên mạng xã hội bởi những clip này thường được chạy quảng cáo nên lượng tương tác rất lớn.
Đến nay vẫn chưa có công cụ thẩm định trước nội dung, chỉ đến khi cơ quan chức năng xác định clip đó có vi phạm thì mới có thể yêu cầu, buộc nhà quản lý mạng xã hội gỡ bỏ.
Luật sư Thảo cho biết thêm: "Theo thông tin phóng viên Tuổi Trẻ cung cấp, phản ánh trong tuyến bài điều tra thì Bộ Y tế cần phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an có những nhận diện đối với thủ đoạn mới trên không gian mạng của các nhóm đối tượng, công ty có dấu hiệu làm ăn phi pháp, biểu hiện trục lợi từ việc bán thuốc này".
Cũng theo luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo, việc dàn dựng các kịch bản, con người, nội dung không có thật với mục đích bán "thuốc" trục lợi người bệnh là hành vi rất đáng lên án trong xã hội hiện nay.
"Cơ quan chức năng cần xử phạt hành vi quảng cáo không đúng cũng như vào cuộc điều tra, xem xét xử lý hình sự về tội buôn bán, tàng trữ thuốc chưa được Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cấp phép lưu hành cũng như biểu hiện rất rõ ràng của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản", luật sư Thảo bày tỏ.
Trong khi đó, luật sư Đặng Xuân Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết theo điều 194 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp có tổ chức, tính chất chuyên nghiệp thì bị phạt tù từ 5 - 12 năm.
"Để cơ quan chức năng vào cuộc xác minh nhanh chóng những người bệnh từng mua phải thuốc của nhóm người này cần phải trình báo ngay tới cơ quan công an để vụ việc sớm được ngăn chặn, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Bộ Y tế cũng cần có thêm các khuyến cáo nâng cao phòng tránh, bảo vệ người dân trên không gian mạng.
Đối với người dân khi bị bệnh cần đến các cơ sở y tế được cấp phép thăm khám, tránh nghe theo những lời mồi chài trên mạng, móc hầu bao mua thuốc uống không tác dụng, mang thêm bệnh vào người...", luật sư Cường cho hay.