Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, vừa qua Công an huyện Sa Thầy (Kon Tum) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 4 triệu đồng đối với ông Lê Quang Nam, người vớt được cây gỗ lạ, về hành vi chiếm giữ tài sản của người khác.
Liên quan đến vụ việc, cả người trong cuộc và dư luận đều có thắc mắc về việc vì sao một người dân vớt được cây gỗ chôn dưới lòng đất lại bị xử phạt.
Để làm rõ vấn đề, PV đã có buổi trao đổi với lãnh đạo Công an huyện Sa Thầy về vụ việc trên.
Cây gỗ thời gian đầu mới được vớt lên khỏi lòng đất. Ảnh: LÊ KIẾN
“Ông Nam tự ý cưa xẻ và rao bán”
Thượng tá Phan Tiến Dũng, Trưởng Công an huyện Sa Thầy, cho biết: “Vụ việc này, thời gian qua có rất nhiều ý kiến dư luận và có nhiều người bày tỏ chưa đúng. Tôi đã ra quyết định xử phạt và chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Đối với người vi phạm là ông Lê Quang Nam có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính đối với quyết định này”.
Theo Thượng tá Dũng, công an huyện cũng đã có văn bản phản hồi đơn của ông Lê Quang Vinh (cha ông Nam) liên quan đến quyết định xử phạt nêu trên.
Cụ thể, ông Lê Quang Vinh đã làm đơn gửi Huyện ủy, UBND huyện và Công an huyện Sa Thầy đề nghị làm rõ nội dung: Chiếm giữ tài sản của người khác là của ai? Việc vớt gỗ đã được chính quyền cho phép, yêu cầu không dùng vào mục đích thương mại thì tại sao buộc trả cho Nhà nước?
Trả lời đơn, Công an huyện Sa Thầy cho biết ngay từ đầu sự việc, ông Nam phát hiện cây gỗ đã tự ý trục vớt, không báo cáo với chính quyền và bị công an huyện lập biên bản hiện trường. Đến khi được hướng dẫn thì phía ông Nam không hoàn toàn làm theo.
Cụ thể, ngày 30-3, nhận được tin báo về việc có người đang tổ chức đào, trục vớt cây gỗ tại khu vực rẫy thôn Sơn An (xã Sa Sơn), công an huyện đã đến hiện trường và phát hiện ông Nam đang sử dụng xe máy đào để đào, trục vớt cây gỗ ra khỏi lòng đất.
Tại thời điểm kiểm tra, công an huyện đã yêu cầu ông Nam giữ nguyên hiện trạng, đợi xử lý theo quy định. Tuy nhiên, đến tối cùng ngày, ông Nam đã đưa nhiều người và phương tiện vào đào, vận chuyển cây gỗ trên. Khoảng 1 giờ 30 ngày 31-3, Công an huyện Sa Thầy đã tiến hành lập biên bản và mời ông Nam về trụ sở làm việc.
Sau khi làm việc và được công an huyện giải thích, ông Nam đã có đơn gửi đến UBND xã Sa Sơn nhằm mục đích hợp thức hóa các giấy tờ liên quan đến việc trục vớt gỗ. UBND xã Sa Sơn sau đó đề nghị ông Nam trục vớt xong thì báo UBND xã biết để cử lực lượng xuống kiểm tra và báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định pháp luật. Đồng thời, nghiêm cấm sau khi trục vớt không được buôn bán, trao đổi thương mại.
Đến khoảng 10 giờ ngày 7-4, ông Nam sử dụng xe máy đào để đào, vận chuyển cây gỗ trên về rẫy cao su gần đó. Đến ngày 20-5, ông Nam đã tự ý cưa xẻ, vận chuyển số gỗ đến xưởng gỗ gia công thì bị công an huyện phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Sa Thầy lập biên bản, tạm giữ toàn bộ số gỗ.
Quá trình làm việc, công an huyện xác định ông Nam đã tự ý cưa xẻ và rao bán cho anh N.V.Đ. với số tiền 170 triệu đồng. Nhưng vì giá rao bán cao, không bán được nên ông Nam đã vận chuyển đến xưởng đồ gỗ nội thất để gia công.
Ngày 17-6, hội đồng định giá tài sản xác định bốn hộp gỗ xẻ, có khối lượng là 4,289 m3 trị giá hơn 68 triệu đồng. Đối với sáu tấm bìa gỗ đã mục nát, không còn giá trị sử dụng nên không có cơ sở để định giá.
Ngoài ra, quá trình ông Nam trục vớt gỗ đã làm chết 44 cây cao su của ông A Kai (chủ đất ở xã Sa Sơn, vị trí trục vớt gỗ), trị giá hơn 4,6 triệu đồng. Làm việc với công an, ông A Kai cho biết việc ông Nam trục vớt gỗ không được sự đồng ý của gia đình ông (ông Nam cũng đã thừa nhận việc này).
“Không được thưởng do cố tình chiếm giữ tài sản”
Theo văn bản trả lời của Công an huyện Sa Thầy, số gỗ do ông Nam trục vớt được trong lòng đất là tài sản vùi lấp, không xác định được chủ sở hữu. Do đó, căn cứ vào điểm c khoản 2 Điều 3 Nghị định 29/2018 của Chính phủ thì số gỗ trên thuộc đối tượng xác lập quyền sở hữu toàn dân.
Ngoài ra, theo quy định của Điều 229 BLDS 2015, giá trị của số gỗ (hơn 68 triệu đồng) lớn hơn 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (14,9 triệu đồng) nên số gỗ trên không thuộc sở hữu của người tìm thấy mà thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Việc ông Nam cố ý cưa xẻ, rao bán khi chưa được sự cho phép của cơ quan chức năng đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của Nhà nước.
Về quyền lợi của ông Nam khi tìm thấy số gỗ bị chôn vùi, Công an huyện Sa Thầy cũng làm rõ: Trong trường hợp ông Nam phát hiện và giao nộp tài sản cho cơ quan có thẩm quyền thì được trích thưởng theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 30 Nghị định 29/2018 của Chính phủ. Nếu vì thiếu hiểu biết pháp luật thì có thể xem xét trích thưởng. Tuy nhiên, ông Nam đã cố tình chiếm giữ tài sản; tự ý cưa xẻ và rao bán nên theo điểm c khoản 6 Điều 30 Nghị định 29/2018, ông Nam không được thưởng theo giá trị tài sản tìm thấy.
“Trong trường hợp ông Nam, cơ quan chức năng đã can thiệp nhiều lần rồi, mà ông Nam không nghe là ông Nam sai” - trưởng Công an huyện Sa Thầy cho hay.
Không được tự ý thay đổi hiện trạng Khi phát hiện tài sản bị vùi lấp, người phát hiện không đương nhiên trở thành chủ sở hữu. Khi đó, người phát hiện tài sản phải thông báo hoặc trả lại ngay cho chủ sở hữu. Nếu không biết ai là chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, trong thời gian chờ xử lý theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền, người phát hiện không được tự ý thay đổi hiện trạng của tài sản. ThS LIÊN ĐĂNG PHƯỚC HẢI, giảng viên Khoa luật Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM |