Doanh nghiệp

Điểm mặt các Chủ tịch vướng vào vòng lao lý khiến doanh nghiệp làm ăn sa sút, lỗ lũy kế cả nghìn tỷ đồng

Ocean Group

Tập đoàn Đại Dương - Ocean Group (mã CK: OGC) từng là một trong số những tập đoàn đa ngành lớn nhất Việt Nam với vốn hóa thị trường lên tới hơn 10 ngàn tỷ đồng.

Ông Hà Văn Thắm (sinh năm 1972) – chủ tịch Ocean Group thời đó từng nằm trong top 10 người giàu nhất thị trường chứng khoán trong giai đoạn 2011-2013 với tổng tài sản trị giá cả ngàn tỷ đồng. Tính riêng trong lĩnh vực ngân hàng, ông Hà Văn Thắm là người giàu nhất và cũng là doanh nhân trẻ tuổi nhất trong top 10.

Tuy nhiên, vào năm 2014, ông Thắm bị bắt và đến năm 2017, ông bị tuyên án chung thân vì nhiều tội danh bao gồm tham ô tài sản, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, vi phạm quy định về cho vay, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng.

Sau khi ông Thắm bị bắt, Tập đoàn OceanGroup cũng đã rơi vào khó khăn, lỗ cả ngàn tỷ đồng. Hàng loạt các doanh nghiệp liên quan đến ông Thắm đã phải bán giải chấp cổ phiếu OGC theo yêu cầu của ngân hàng. Cơ cấu sở hữu của Ocean Group đã có sự biến động mạnh. OGC cũng đã bán đi phần lớn các tài sản giá trị như: Khu đất vành khăn, Ocean Mart, Khách sạn Dầu khí Phương Đông,... nhưng vẫn không thể giúp cải thiện tình hình tài chính.

Điểm mặt các Chủ tịch vướng vào vòng lao lý khiến doanh nghiệp làm ăn sa sút, lỗ lũy kế cả nghìn tỷ đồng - Ảnh 1.
Điểm mặt các Chủ tịch vướng vào vòng lao lý khiến doanh nghiệp làm ăn sa sút, lỗ lũy kế cả nghìn tỷ đồng - Ảnh 2.

Năm 2014, OGC lỗ sau thuế 2.745 tỷ đồng. Tình hình kinh doanh được cải thiện vào năm 2015, khi OGC lãi 681 tỷ đồng. Tuy nhiên công ty lại tiếp tục lỗ thêm 794 tỷ đồng vào năm 2016 và 471 tỷ đồng vào năm 2018. Năm 2021, công ty lãi 105 tỷ đồng, giảm 48,8% so với năm 2020. Tính đến năm 2021, OGC đang lỗ lũy kế 2.523 tỷ đồng.

Với Ocean Bank, ngân hàng không thể hoạt động bình thường và NHNN đã quyết định mua lại OceanBank với giá 0 đồng và chuyển đổi loại hình thành ngân hàng TNHH một thành viên Đại Dương do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ.

Vụ Hà Văn Thắm được xem là 1 trong 6 đại án tham nhũng, kinh tế lớn được Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thống nhất chủ trương đưa ra xét xử.

Điểm mặt các Chủ tịch vướng vào vòng lao lý khiến doanh nghiệp làm ăn sa sút, lỗ lũy kế cả nghìn tỷ đồng - Ảnh 3.

Giá cổ phiếu OGC đã tăng gấp 4 lần trong 1 năm qua

Y tế Việt Nhật

Tình hình hoạt động kinh doanh của CTCP Đầu tư và Phát triển Y tế Việt Nhật (Mã CK: JVC) 5 năm sau sự cố liên quan cựu Chủ tịch HĐQT Lê Văn Hướng bị tạm giam (tháng 6/2015) về tội lừa dối không có nhiều điểm khởi sắc, tình hình thu hồi công nợ vẫn trì trệ.

Thời kì hoàng kim, JVC hoạt động trên thị trường với vị thế là nhà phân phối độc quyền cho hàng chục hãng thiết bị y tế nổi tiếng thế giới của Nhật, Mỹ và những gói thầu cung cấp thiết bị y tế cho các đơn vị trong nước. Sau hơn chục năm hoạt động, vốn điều lệ của JVC tăng trên 550 tỉ đồng, tổng tài sản không dưới ngàn tỉ đồng.

Bê bối của cựu chủ tịch HĐQT khiến JVC bị ảnh hưởng nặng nề, công ty lỗ 1.336 tỷ đồng vào năm 2015 và lỗ tiếp 40 tỷ đồng vào năm 2016. 3 năm sau đó, lợi nhuận JVC cực kỳ khiêm tốn, chỉ đạt vài tỷ hoặc hơn chục tỷ đồng. Năm 2020, công ty lỗ tiếp 77 tỷ đồng. Tính đến hết quý 3 năm 2021, lỗ lũy kế của JVC là gần 1.095 tỷ đồng.

Điểm mặt các Chủ tịch vướng vào vòng lao lý khiến doanh nghiệp làm ăn sa sút, lỗ lũy kế cả nghìn tỷ đồng - Ảnh 4.
Điểm mặt các Chủ tịch vướng vào vòng lao lý khiến doanh nghiệp làm ăn sa sút, lỗ lũy kế cả nghìn tỷ đồng - Ảnh 5.

Dược phẩm Viễn Đông

Cuối năm 2010, Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc CTCP Dược Viễn phẩm Viễn Đông Lê Văn Dũng (mã CK: DVD) đã bị khởi tố vì hành vi thao túng giá chứng khoán.

Theo cáo buộc của nhà chức trách, để tạo giá trị ảo cho cổ phiếu DVD nhằm thu hút nhà đầu tư..., ông Dũng cùng nhiều người đề ra mục tiêu và thâu tóm, sáp nhập một số công ty dược phẩm vào Dược Viễn Đông, trong số này có Dược phẩm Hà Tây (Công ty DHT).

Sau khi nắm giữ được nhiều cổ phiếu của DHT, ông Dũng đã thực hiện nhiều lần mua đi bán lại cổ phiếu DHT với khối lượng lớn, chiếm tỷ trọng cao so với khối lượng giao dịch toàn thị trường mua (mua hơn 6,5 triệu cổ phiếu DHT chiếm 64,2% khối lượng giao dịch DHT toàn thị trường). Theo kết quả thanh tra của Ủy ban Chứng khoán nhà nước, trong 106 phiên giao dịch có 36 phiên với 160 lần khớp chéo giữa các tài khoản trong nhóm mua với tổng số tiền là hơn 186 tỷ đồng để thanh toán mua cổ phiếu DHT.

Hành vi làm giá của ông Dũng khiến cổ phiếu DHT tăng vọt từ 30.000 đồng lên 100.000 đồng/cổ phiếu. Ngay sau đó tháng 7-2010, Dược Viễn Đông chào bán toàn bộ số cổ phiếu DHT và đã bán hết.

Ngoài ra, kết quả điều tra còn cho thấy, người đứng đầu Dược phẩm Viễn Đông còn cùng nhiều người lập các công ty do họ hàng, bạn bè đứng tên để kinh doanh lòng vòng, tạo doanh thu ảo cho DVD; cung cấp một số thông tin không đúng thực tế... nhằm chào bán cổ phiếu của DVD ra công chúng.

Sau vụ việc, ông Dũng bị đi tù 4 năm còn cổ phiếu DVD đã bị hủy niêm yết vào năm 2011.

Điểm mặt các Chủ tịch vướng vào vòng lao lý khiến doanh nghiệp làm ăn sa sút, lỗ lũy kế cả nghìn tỷ đồng - Ảnh 6.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm