Hiện nay, Việt Nam đã miễn thị thực cho công dân 13 quốc gia trên thế giới với kỳ vọng ngành du lịch sẽ được phục hồi nhanh chóng hậu Covid-19.
Tại TP.HCM, nhiều dịch vụ đã trở lại và đã sẵn sàng để phục vụ du khách quốc tế đến du lịch. Mới nhất nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng cung cấp các dịch vụ lưu trú và tham gia vào hoạt động đón khách quốc tế đến Thành phố từ sau ngày 15/3, Sở Du lịch đã tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý buồng, phòng cho các cấp quản lý buồng, phòng tại hệ thống các khách sạn từ 3 đến 5 sao trên địa bàn.
Nhiều điểm du lịch nổi tiếng vắng khách quốc tế
Tuy nhiên hiện tại số lượng khách quốc tế đến TP.HCM vẫn còn khá hạn chế sau khi "mở cửa du lịch". Ghi nhận sau 2 tuần "mở cửa du lịch", nhiều địa điểm nổi tiếng về du lịch ở TP.HCM vẫn rất đìu hiu, vắng vẻ lạ thường.
Khách du lịch hiếm hoi đi chơi trên đường phố Lê Thánh Tôn, quận 1
Hai bạn trẻ du khách nước ngoài tìm hiểu các tuyến xe buýt tại trạm đường Võ Văn Tần (quận 3) để di chuyển trong nội thành
Chợ Bến Thành là một trong những địa điểm nổi tiếng thu hút khách du lịch quốc tế nhưng hiện vẫn không khác gì so với thời điểm trước "mở cửa du lịch".
Ông Bùi Văn Thọ (xe ôm 20 năm ở chợ Bến Thành) chia sẻ từ khi "mở cửa du lịch" điểm du lịch nổi tiếng này bắt đầu có khách nước ngoài nhưng rất ít, không đáng kể.
Nếu có khách du lịch nước ngoài đến TP.HCM nhiều, lúc đó công việc ông Thọ và những người xe ôm ở đây cũng đỡ hơn phần nào. Vì khách du lịch họ thường chọn đi xe ôm để ngắm cảnh thành phố nên đời sống những người chạy xe ôm ở đây luôn ổn định.
Ông Thọ chia sẻ dù mở cửa du lịch nhưng khách nước ngoài vẫn rất vắng
"Chỉ vài người khách vào chợ mua chút quà rồi đi chứ cũng không ở quá lâu hoặc họ chỉ đi ngang rồi nhìn vào thôi. Nói chung khách quốc tế đến chợ Bến Thành du lịch vẫn nghèo nàn lắm, không như hồi trước dịch bệnh đâu. Lúc trước dịch, trong chợ luôn chật kín khách, đi chợ thấy người chứ ít thấy hàng hoá, khách trong và ngoài nước đông như kiến cỏ. Đứng từ cửa bên này nhìn qua cửa bên kia thấy người nước ngoài không à", ông Thọ chia sẻ.
Theo ông Thọ, thời điểm trước dịch các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm bán rất đắt khách vì khách nước ngoài ghé mua nhiều để làm kỷ niệm. Còn bây giờ các mặt hàng lưu niệm bán ế ẩm, chỉ có mặt hàng ăn uống là bán được nhất tại chợ.
Những du khách Ấn Độ hiếm hoi tham quan và mua hàng tại chợ Bến Thành. Nhiều tiểu thương chợ Bến Thành đang cố cầm cự đến khi "mở cửa du lịch" nhưng khách vẫn vắng
"Sau 20 năm mưu sinh ở đây nhận thấy nếu chợ Bến Thành không có khách nước ngoài thì tiểu thương không bán được, kéo theo các ngành nghề khác cũng khó phát triển được. Hồi đó xe ôm như chúng tôi kiếm một ngày khoảng 400.000-500.000 đồng nhờ chở khách du lịch nước ngoài, còn bây giờ ngồi từ sáng đến chiều kiếm người khách khó khăn lắm", ông Thọ tâm sự.
Người xe ôm cũng cho rằng hiện giờ dịch bệnh đã kiểm soát, việc đi lại giữa các nước cũng thuận lợi hơn, nhưng thế giới vẫn còn nhiều bất ổn nên ông mong hoà bình đến với người dân để họ có thời gian, thoải mái đi du lịch đến Việt Nam nhiều hơn, trong đó có TP.HCM.
Bưu diện Thành phố chỉ có khách Việt đến tham quan
Khách từ Hà Nội vào TP.HCM du lịch
Thực tế bên trong chợ Bến Thành hiện giờ nhiều sạp đã ngưng bán, đóng cửa im lìm dù đã "mở cửa du lịch". Mỗi ngày chỉ có lác đác vài khách nước ngoài, chủ yếu là khách Châu Á vào tham quan chợ, rất ít khách Châu Âu hay Mỹ.
Nếu như địa điểm du lịch nổi tiếng như chợ Bến Thành vắng khách du lịch thì những nơi khác như Bưu điện Thành phố, đường sách, phố đi bộ Nguyễn Huệ, Dinh Độc Lập, Bảo tàng chứng tích chiến tranh, phố Tây Bùi Viện,… cũng đìu hiu khi "mở cửa du lịch".
Nhiều địa điểm nổi tiếng về du lịch của Thành phố vẫn còn rất vắng khách nước ngoài
Tại phố Bùi Viện, địa điểm nổi tiếng của khách quốc tế khi đến TP.HCM nhưng cũng không mấy khả quan. Theo các hàng quán tại đây, thông thường buổi chiều thường có nhiều khách du lịch ghé uống bia sớm nhưng từ khi "mở cửa du lịch" cũng rất ít.
"Mở cửa du lịch nhưng khách vẫn chưa đến TP.HCM nhiều nên phố Bùi Viện cũng vắng khách nước ngoài. Từ khi trở lại sau dịch Bùi Viện chủ yếu chỉ có khách Việt đến ", một quản lý quán beer club ở Bùi Viện nói.
Chuyến bay quốc tế tăng sau "mở cửa du lịch" nhưng không đáng kể
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, so với giai đoạn năm 2019 (trước dịch Covid-19), còn 8 quốc gia chưa mở lại các đường bay thường lệ đi, đến Việt Nam gồm Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Myanmar, Macao, Phần Lan, Ý, Thụy Sỹ.
Bảo tàng chứng tích chiến tranh thường xuyên có khách nước ngoài đến tham quan nhưng hiện tại chỉ có lác đác vài khách sau "mở cửa du lịch"
Các hãng hàng không khai thác 67 đường bay đi/đến Việt Nam, chủ yếu là khai thác đi/đến 2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Theo Cục Hàng không, giai đoạn sau mở cửa từ ngày 15-21/3, Singapore là hãng hàng không khai thác với tần suất lớn nhất 45 chuyến khứ hồi/tuần tăng 2 chuyến so với tuần trước khi mở cửa du lịch và đạt 36% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên số khách vận chuyển giữa Việt Nam và Nhật Bản lại cao nhất với 10,3 nghìn khách trong số các quốc gia hiện đang khai thác (đạt 18,1%/tổng khách vận chuyển).
Khách đến TP.HCM bằng đường hàng không tăng sau "mở cửa du lịch" nhưng không nhiều
Dự kiến sản lượng thông qua các Cảng hàng không trong 3 tháng đầu năm với hành khách quốc tế là đạt 321 nghìn khách, tăng 176,2% so với cùng kỳ 2021; hàng hóa quốc tế thông qua đạt 292 nghìn tấn, tăng 21,1% so với cùng kỳ 2021.
Bên cạnh đó dự kiến vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam trong 3 tháng đầu năm với hành khách quốc tế đạt 141,6 nghìn khách, tăng 441% so với cùng kỳ 2021; vận chuyển hàng hóa quốc tế đạt 38 nghìn tấn, tăng 113,9% so với cùng kỳ 2021.
Hiện tại ga quốc tế Tân Sơn Nhất vẫn đang khá vắng khách nước ngoài đến TP.HCM du lịch. Tuy nhiên việc tần suất bay đang tăng dần, hy vọng trong thời gian tới, đặc biệt các dịp lễ lớn của cả nước, khách quốc tế sẽ tăng nhiều hơn nữa.