Khách sạn giá trị nhất thế giới Hilton chứng kiến giá trị thương hiệu giảm 30% xuống còn 7,6 tỷ USD. Bất chấp ảnh hưởng của Covid-19 khiến doanh số sụt giảm, khách sạn này vẫn công bố tăng thêm 17.400 phòng.
Đối thủ của Hilton - Marriott lại không may mắn như vậy. Mariott cùng kỳ lân Airbnb đã phải "checkout" khỏi bảng xếp hạng 500 thương hiệu đắt giá nhất hành tinh sau khi mất lần lượt hơn một nửa và 2/3 giá trị thương hiệu, theo báo cáo của Brand Finance.
Khi các kế hoạch nghỉ lễ bị hủy bỏ và người người làm việc tại nhà, ngành khách sạn gần như đóng băng. Hilton, với giá trị thương hiệu đắt đỏ nhất ngành khách sạn, cũng tụt tới 82 hạng trong danh sách.
Trong khi các khách sạn truyền thống phải "checkout" khỏi bảng xếp hạng, các nền tảng đặt phòng trực tuyến cũng đang gặp khủng hoảng. Booking.com đã ghi nhận mức sụt giảm 19% giá trị thương hiệu, xuống còn 8,3 tỷ USD, đồng thời tụt 43 vị trí trong bảng xếp hạng từ thứ 177 xuống thứ 220.
Airbnb là một công ty khác trong ngành phải chia tay bảng xếp hạng trong năm nay, sau khi 2/3 giá trị thương hiệu của kỳ lân này bị xói mòn trong năm Covid.
CEO của Airbnb, Brian Chesky. Ảnh: Reuters.
Ngành hàng không buộc "hạ cánh", ngành nhà hàng "đói ăn"
Buộc phải "nằm trên mặt đất" trong suốt năm Covid, các doanh nghiệp lĩnh vực hàng không chiếm tới 6 trong Top 10 thương hiệu tụt giá mạnh nhất năm vừa qua. Boeing bị giảm 40% giá trị thương hiệu xuống còn 13,6 tỷ USD, American Airlines giảm 40% giá trị thương hiệu, còn 5,3 tỷ USD.
Top 10 thương hiệu tăng/giảm mạnh nhất giá trị trong bảng xếp hạng. Nguồn: Brand Finance.
Các hãng hàng không khác cũng có mức sụt giảm mạnh, như United Airlines (giảm 39% xuống 5 tỷ USD), Delta (giảm 38% xuống 5,8 tỷ USD), Airbus (giảm 36% xuống 9,1 tỷ USD) và Safran (giảm 32% xuống 4,3 tỷ USD).
Boeing gặp "họa vô đơn chí" khi phần lớn thời gian trong 2 năm gần đây vẫng đang trải qua khủng hoảng sau 2 vụ tai nạn hàng không xảy ra với 737 Max khiến 346 người thiệt mạng, cùng với các vấn đề ngày càng phức tạp hơn trong suốt đại dịch.
Đi ngược xu hướng ngành là Raytheon Technologies và BAE Systems, với giá trị thương hiệu tăng lần lượt là 19% và 18%. Raytheon (có giá trị thương hiệu 6,2 tỷ USD) đã trải qua một số thay đổi về cấu trúc trong 12 tháng qua, bao gồm cả việc hợp nhất với United Technologies, cũng như thoái vốn các nhánh khác của doanh nghiệp. BAE Systems (giá trị thương hiệu 5,6 tỷ USD) tiếp tục đảm bảo các hợp đồng có giá trị cực cao, giành được hợp đồng 7,6 tỷ USD vào năm 2019, giá trị gần gấp đôi năm 2018.
F&B cũng là lĩnh vực chịu nhiều tổn thất từ việc lockdown các thành phố trên toàn cầu. Việc đóng cửa nhà hàng đã tác động mạnh tới doanh số, trong khi các biện pháp giãn cách xã hội đang thay đổi cách thức ăn uống của khách hàng. Những kẻ dẫn đầu thế giới trong mảng F&B đều ghi nhận mức sụt giảm giá trị thương hiệu. Starbucks đã giảm giá trị thương hiệu 6%, xuống 38,4 tỷ USD; McDonald’s giảm 10% xuống 33,8 tỷ USD; và KFC giảm 12% xuống 15,1 tỷ USD...
Khi thói quen của người tiêu dùng buộc phải thay đổi theo hướng giao đồ ăn (mảng Food Delivery), các thương hiệu vốn đã được thiết lập để đáp ứng yếu tố này đã xoay xở thành công giúp chính họ không thiệt hại bởi đại dịch. Domino’s Pizza là một ví dụ. Với phương thức vận hành hoàn toàn dựa trên việc mua mang đi và giao đồ ăn, thương hiệu Pizza này đã ghi nhận mức tăng giá trị thương hiệu 7% lên 6,1 tỷ USD trong mùa Covid.
Top 10 thương hiệu đắt giá nhất hành tinh, Apple tìm lại được ngôi vương sau 5 năm bị Amazon và Google "phế truất".