Tài chính

"Điềm báo" kinh tế khi giá vàng “nhảy múa”


Tại sao lại là vàng?

Huyền thoại đầu tư Warren Buffett - Giám đốc điều hành Berkshire Hathaway nhận định rằng: Một nhà đầu tư vàng sẽ kiếm được tiền khi mọi người trở nên bất an, và sẽ thiệt hại khi đám đông không còn lo ngại nữa, còn bản thân vàng không hề tăng thêm giá trị.

Mức độ bất an của các nhà đầu tư toàn cầu ở thời điểm hiện tại là rất cao, vì cuộc xung đột Nga - Ukraine và những biện pháp cấm vận của phương Tây, chắc chắn sẽ có tác động khó lường đến kinh tế. Nhiều chuyên gia thậm chí còn dự báo một cuộc khủng hoảng sẽ xảy ra. Hơn nữa, chúng ta đều không thể chắc chắn khi nào xung đột này có thể kết thúc.

Chính trong bối cảnh bất ổn này, vàng được xem là một nơi trú ẩn an toàn cho không chỉ các nhà đầu tư chuyên nghiệp, mà còn cho cả người thường muốn bảo toàn tài sản. Ông Adam Vettese, chuyên gia phân tích thị trường tại nền tảng đầu tư eToro cho biết: "So với đầu tư vào chứng khoán, nơi mà ngay cả các công ty blue-chip lớn nhất cũng có thể thất bại, đầu tư vào vàng dường như ít rủi ro hơn".

Là một trong những hình thái tiền tệ đầu tiên trên thế giới, tính chất vật lý của vàng đã khiến nó được coi là một công cụ lưu trữ giá trị đáng tin cậy. Nó có trữ lượng đủ lớn để giao dịch nhưng lại hoàn toàn là nguồn cung hữu hạn. Vàng cũng không bị ăn mòn, bền hơn rất nhiều loại tài sản hữu hình khác. Vàng cũng được cho là một tấm lá chắn hữu hiệu để chống lại rủi ro lạm phát, khi chi phí hàng hóa và dịch vụ tăng cao làm giảm giá trị tiền tệ.

Cũng giống như vàng, kim cương và một số tài nguyên quý hiếm khác cũng không chịu tác động của lạm phát. Song, người ta vẫn chọn vàng. Bởi lẽ, bán kim cương không dễ như bán vàng. Thông thường, kim cương sẽ được bán thông qua đấu giá, và điều đó làm giảm lợi tức của nhà đầu tư.

Những con "bọ vàng" trở lại?

"Bọ vàng" là một thuật ngữ để chỉ những người cực kỳ có niềm tin vào vàng, coi nó như một khoản đầu tư và một tiêu chuẩn để đo lường sự giàu có. Đó là những người nắm giữ những thỏi vàng bóng loáng, coi đó như một hàng rào chống lại một thảm họa mà họ nghĩ là sắp xảy ra. Những con "bọ vàng", từ lâu đã chỉ còn là số ít trong giới tài chính. Thế nhưng, cứ mỗi lần khủng hoảng xảy ra, bất ổn lại khiến "bọ vàng" quay trở lại.

Trong quá khứ, các nhà đầu tư chuyên nghiệp đã coi vàng như một tài sản chỉ để tích lũy mà chẳng mang lại lợi ích gì. Theo nhiều khía cạnh, vàng, cũng giống như dầu mỏ, quặng sắt hoặc bất kỳ loại tài nguyên hóa thạch nào khác. Hầu hết giá của chúng đều tăng và giảm theo chu kỳ, chứ chúng không tăng giá trị theo thời gian.

Với vai trò là một nơi trú ẩn an toàn khi các loại tài sản khác biến động, vàng đã được yêu thích hơn so với các mặt hàng khác, nhưng nó vẫn chưa phải là một khoản đầu tư năng động. Trong thế kỷ qua, giá vàng, sau khi hiệu chỉnh lạm phát, tăng trung bình chỉ 1,1% một năm, so với 6,5% của thị trường cổ phiếu Mỹ. Ngay cả trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm, được coi là tài sản phi rủi ro nhất trên thế giới, cũng sinh lợi nhuận hàng năm cao hơn.

Vàng chỉ tỏa sáng nhất trong khủng hoảng. Nó đã tăng giá trong bối cảnh lạm phát đình trệ của những năm 1970, tăng hơn 7 lần trong suốt thập kỷ đó, đạt mức cao nhất là 850 USD vào đầu năm 1980. Nó tăng trở lại sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, đạt đỉnh 1.900 USD vào năm 2011, nhưng sau đó nó đã trượt giá trong phần lớn thời gian của thập kỷ tiếp theo.

Có thể cho rằng, sự ưa chuộng vàng ở thời điểm hiện tại là biểu hiện của việc mong muốn có được một nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ bất ổn. Rủi ro lớn cho việc nhà đầu tư trở thành những con "bọ vàng" là việc vốn bị hút vốn khỏi các lĩnh vực khác - nơi tiền có thể được sử dụng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, đây cũng được coi là một loại phản xạ tài chính - và cơn sốt vàng sẽ chìm xuống khi tình hình địa chính trị - kinh tế thế giới bình ổn trở lại.

Nhưng trên thực tế, cơn sốt vàng cũng đang được đẩy cao cũng bởi nhiều người có linh cảm rằng, rủi ro lạm phát đến từ giá dầu, hay các gói kích thích kinh tế để phục hồi hậu đại dịch.

Điều này khiến cơn sốt vàng trở thành một điềm báo kinh tế đáng lo ngại hơn.

Với nguy cơ lạm phát hiện hữu, một số nhà đầu tư coi vàng là một sự thay thế ổn định cho các loại tiền tệ. Để vàng tiếp tục tăng giá, kỳ vọng lạm phát sẽ phải tiếp tục tăng. Dự đoán lạm phát cao hơn thường là sai, như đã từng thấy với phần lớn thời gian trong bốn thập kỷ qua. Nhưng xác suất lạm phát tăng dường như đang khá cao.

Tại Mỹ, giá xăng dầu đã lên cao kỷ lục vượt ngưỡng 4USD/1 gallon (3,78 lít), mức tăng được đánh giá có thể đe dọa đến sự ổn định của nền kinh tế, đẩy lạm phát lên cao. Tại Việt Nam, Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, chiến sự Nga - Ukraine đến thời điểm hiện tại có thể thấy rõ không thể giải quyết nhanh chóng trong một sớm một chiều, dẫn tới xu hướng giá dầu tăng dựng đứng, hàng loạt các mặt hàng cơ bản tăng giá theo, đe dọa tới lạm phát thế giới. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm

Việc