Dinh dưỡng

"Đi răm về hành": Có đúng ăn rau răm nhiều sẽ giảm ham muốn và ăn hành tốt cho "chuyện ấy"?

Rau răm dùng đúng có nhiều công dụng chữa bệnh - Ảnh minh họa

Rau răm dùng đúng có nhiều công dụng chữa bệnh - Ảnh minh họa

Phá những định kiến về rau răm bởi những tác dụng tuyệt vời

Các chuyên gia y tế cho biết dân ta vẫn quan niệm: nếu dùng rau răm thường xuyên với lượng quá nhiều sẽ sinh nóng rét, giảm tinh khí, thương tổn đến tủy, suy yếu tình dục. 

Cả nam và nữ nếu ăn rau răm nhiều và thường xuyên có thể bị giảm ham muốn, đàn ông kém cường dương tráng khí, chân huyết sẽ khô đi. Phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt ăn nhiều rau răm cũng dễ bị rong kinh, kinh nguyệt không đều...

Còn hành nói chung và hành tây nói riêng vốn được coi là một loại thuốc kích thích tình dục mạnh mẽ nên người ta khuyên nên sử dụng để tăng cường sức mạnh tình yêu.

Chính vì hai quan điểm trên nên nhiều người mới cho rằng "đi răm, về hành", nghĩa là chồng đi công tác thì cho ăn rau răm để "giữ chồng", còn về thì cho ăn hành để tăng hương vị tình yêu.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Đinh Minh Trí - Đại học Y Dược TP.HCM, đã đến lúc chúng ta cần phá vỡ những định kiến về rau răm bởi những tác dụng tuyệt vời của nó.

Bác sĩ Trí phân tích, một số thông tin cho rằng ăn rau răm làm giảm ham muốn của nam giới. Thực tế rau răm không ảnh hưởng tới chức năng tình dục của nam giới, hay những thực phẩm có chứa estrogen tự nhiên như đậu nành, nam giới có ăn cũng không hề ảnh hưởng tới khả năng tình dục.

Trong Đông y, rau răm được biết đến với công dụng trừ phong hàn, hoạt huyết, tiêu độc, kích thích tiêu hóa (giúp ăn ngon miệng hơn) và chống viêm hạ khí, giảm tinh khí, gián tiếp ảnh hưởng đến ham muốn tình dục của cả nam và nữ.

Tuy nhiên, trường hợp gây ảnh hưởng đến ham muốn chỉ xảy ra khi ăn liên tục với số lượng nhiều (ít nhất 0,5kg/lần ăn). Còn nếu dùng rau răm như một thứ gia vị cho vào món ăn như ăn cùng trứng vịt lộn thì không làm ảnh hưởng tới khả năng tình dục của nam giới.

Đặc biệt, rau răm có rất nhiều những tác dụng tốt:

- Nước ép rau răm hỗ trợ điều trị các bệnh ngoài da như ghẻ lở, hắc lào, bã rau răm giúp điều trị tình trạng nước ăn chân hiệu quả khi được giã nhỏ và đắp vào vị trí bị tổn thương.

- Hỗ trợ tiêu hóa: Tính nóng của rau răm giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa diễn ra mạnh mẽ, hỗ trợ điều trị và thuyên giảm các vấn đề về tiêu hóa như đầy hơi hoặc chướng bụng. 

Cách làm: Lấy một nắm rau răm rửa sạch và nghiền thành chất lỏng để uống, trị chứng khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng. Phần bã còn lại dùng để xoa quanh rốn.

- Điều trị cảm cúm: Rau răm được xem là giúp ích rất tốt cho việc điều trị cảm cúm. Cách làm: Rửa sạch một nắm rau răm, giã nhuyễn với gừng tươi, thêm ít nước sạch rồi lọc lấy hỗn hợp làm thuốc uống.

- Hỗ trợ các vấn đề về da: Do tác dụng chống viêm và tiêu độc, rau răm cũng là một loại thảo mộc rất tốt cho việc chăm sóc da một cách tự nhiên để loại bỏ mụn nhọt cũng như se khít lỗ chân lông. 

Cách làm: Giã nát một nắm rau răm đã rửa sạch, sau đó trộn với một ít muối. Đối với mụn nhọt, lấy bã đắp và băng cố định. Nên thay bã mỗi ngày một lần.

- Dùng ngoài để chữa bệnh ngoài da (hắc lào, sâu quảng) rắn cắn và chó dữ cắn. Ngày dùng 20-30g giã tươi lấy nước uống hay sắc uống.

- Say nắng: Giã rau răm tươi, vắt cốt đun sôi uống. Nếu bị say nắng thể trạng bán hôn mê, dùng: rau răm 30g, sâm bố chính 20g (tẩm nước gừng), rễ đinh lăng (lá nhỏ) 16g, mạch môn 10g. 4 vị sao vàng, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia 2 lần uống trong ngày.

- Kém ăn: Rau răm ăn theo gia vị hoặc dùng cả cây 10-20g sắc uống sau bữa ăn.

- Ghẻ lở, chốc, sâu quảng: Rau răm toàn cây ngâm rượu, lấy rượu đó bôi, hoặc giã nát xát hoặc đắp rồi băng lại.

- Tê bại, vết thương bầm tím sưng đau: Rau răm tươi giã nát trộn với long não hoặc dầu long não hay cồn long não, xoa hoặc băng vào các nơi tê đau.

Hành tây tốt cho sức khỏe nhưng một số người không nên dùng nhiều - Ảnh minh họa

Hành tây tốt cho sức khỏe nhưng một số người không nên dùng nhiều - Ảnh minh họa

"Đi răm về hành" nhưng ai cần kiêng hành tây?

Hành tây là một trong những nguồn giàu chất polyphenol quercetin nhất, vitamin C... có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, chống oxy hóa và chống viêm rất tốt cho cơ thể. Người ta thường dùng hành để chữa ho cảm, giảm viêm, hạ huyết áp và hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu...

Đặc biệt, canxi và magie, sulfoxides trong hành tây cũng có thể làm giảm trầm cảm và căng thẳng, giúp cải thiện giấc ngủ. Do đó, kết hợp hành tây như một phần của chế độ ăn uống cân bằng có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Hành tây được ca ngợi và đã được chứng minh là giúp tăng cường sản xuất testosterone ở nam giới. Ăn hành tây có thể cải thiện sức khỏe tình dục nam giới bằng cách thúc đẩy sản xuất testosterone - hormone sinh sản chịu trách nhiệm về ham muốn tình dục, thậm chí cả mức năng lượng ở nam giới. 

Nước ép hành tây cũng tác động trực tiếp lên các tuyến nội tiết, nơi sản sinh ra các hormone tăng cường sinh lực.

Tuy nhiên, hành tây cũng có nhược điểm là khiến nước mắt người sử dụng bị chảy. Và một số tác dụng phụ khác như:

- Hôi miệng: Hành tây có họ với tỏi và hành củ. Họ hành đều chứa các hợp chất sulfuric và khi vào cơ thể sẽ được chuyển hóa sau đó đi vào máu. Máu sẽ được tuần hoàn khắp cơ thể, chính vì thế khi ăn sẽ gây ra tình trạng là miệng và mồ hôi có mùi hành.

- Tăng tình trạng hội chứng ruột kích thích: Sử dụng hành tây quá mức sẽ làm tăng tình trạng của hội chứng ruột kích thích: Đây được coi như rối loạn tiêu hóa thường gặp có ảnh hưởng đến ruột già, đồng thời gây ra những biểu hiện như chướng bụng, đau bụng, tiêu chảy, hoặc có thể gây nên tình trạng táo bón...

- Trào ngược dạ dày: Nếu bạn có biểu hiện ợ nóng hoặc bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản thì chế độ ăn không nên sử dụng hành tây vì có thể gây ra các tác dụng ảnh hưởng đến tình trạng của bệnh như: cảm giác nóng rát ở ngực, đau họng hoặc vị của dịch trong miệng. 

Đối với một số trường hợp cụ thể, bệnh trào ngược dạ dày có thể dẫn đến nghiêm trọng do sử dụng hành tây.

Rau răm tuy không độc, nhưng dùng nhiều rau răm quá thì hại về mặt sinh lý, kém cường dương tráng khí, hay phá huyết, nên khi có thai, trong thời gian kinh nguyệt tránh ăn nhiều. Ngoài ra, người đang ốm, người gầy và xanh xao không nên sử dụng rau răm.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm