Chứng khoán

Đi qua "mùa hoa đẹp nhất", tương lai nào cho nghề môi giới chứng khoán?

Nghề môi giới trở về "mặt đất" sau thời kỳ thăng hoa

Kỷ nguyên tiền rẻ trong giai đoạn 2020 - 2021 bởi ảnh hưởng dịch Covid-19 đã tạo ra làn sóng bùng nổ trên thị trường chứng khoán. Hàng triệu tài khoản chứng khoán được mở mới, cùng thanh khoản lên tới hàng chục nghìn tỷ mỗi phiên đã khiến môi giới chứng khoán (Broker) trở thành công việc cực hot với nhiều người bởi thu nhập "khủng".

Không chỉ những môi giới lão luyện, ngay cả những sinh viên mới ra trường cũng dễ dàng kiếm bội nhờ sự sôi động của thị trường. Cũng vì thế, khi đó số lượng sinh viên khối kinh tế ra trường làm môi giới bùng nổ. Làn sóng khoe lãi, khoe nhà, khoe xe của một bộ phận Broker trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết.

Theo nghề môi giới khi vừa ra trường, đúng thời điểm thị trường bước vào chu kỳ tăng giá, Hoàng Tùng (Hà Nội) nhanh nhạy đón đầu xu thế, lập ra hàng loạt room chat tư vấn cho khách hàng.

"Thời mà người người nhà nhà nhắc về chứng khoán, việc tìm kiếm khách hàng đơn giản chỉ qua vài bài đăng trên Facebook, thậm chí không cần làm gì khách cũng tự tìm đến mình", Tùng chia sẻ.

Cứ thế mỗi ngày Tùng lại "đẩy" vài mã cổ phiếu vào các room khuyến nghị cho khách hàng. Do đúng thời kỳ thị trường "mua đâu trúng đó" nên những khuyến nghị của anh đa phần chính xác, các room chat luôn nhộn nhịp mua bán.

Không chỉ riêng Tùng, môi giới chứng khoán khi đó được xem như “cuốn từ điển sống” được những nhà đầu tư mới chập chững lên sàn rất ngưỡng mộ.

Bên cạnh vị thế tốt, doanh số tăng cao, tự đầu tư cũng lãi đậm kéo tổng thu nhập của Tùng có tháng lên đến trăm triệu – một con số đáng mơ ước đối với sinh viên mới ra trường.

Tuy nhiên, sau quãng thời gian thuận lợi, những khó khăn với nghề môi giới đã xuất hiện từ đầu quý 2/2022. Thị trường chứng khoán bước vào giai đoạn giảm sâu, từ vùng đỉnh hơn 1.500 điểm, chỉ số VN-Index có lúc chỉ còn khoảng 870 điểm trong năm 2022.

Đi qua mùa hoa đẹp nhất, tương lai nào cho nghề môi giới chứng khoán? - Ảnh 1.

Không chỉ giảm mạnh về điểm số, thanh khoản cũng dần co hẹp lại trong bối cảnh nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn. Giá trị khớp lệnh bình quân mỗi phiên từ tháng 5/2022 trở lại đây giảm hơn nửa so với mức đỉnh, thậm chí nhiều tháng lùi dưới 10.000 tỷ đồng/phiên.

Thị trường giao dịch ảm đạm khiến hoạt động môi giới của các CTCK ngày càng thu hẹp. Từ quý 1/2022 tới nay, doanh thu môi giới sụt giảm rõ rệt khi quý sau đều thấp hơn so với quý liền trước.

Riêng quý 4/2022, tổng doanh thu hoạt động môi giới của các CTCK chỉ còn gần 3.000 tỷ đồng, giảm gần 55% so với giai đoạn bùng nổ trong quý 4/2021. Tính chung cả năm 2022, tổng doanh thu môi giới cũng giảm gần 23% về mức xấp xỉ 15.400 tỷ đồng.

Đi qua mùa hoa đẹp nhất, tương lai nào cho nghề môi giới chứng khoán? - Ảnh 2.

Hầu hết các Công ty chứng khoán hiện theo mô hình truyền thống, sử dụng môi giới để kiếm khách cũng như hỗ trợ giao dịch. Thu nhập các môi giới này sẽ được trích phần lớn từ phí giao dịch của khách hàng nộp cho Công ty chứng khoán.

Nói cách khác, phần lớn doanh thu môi giới các Công ty chứng khoán thu về sẽ dùng để trả thu nhập cho các Broker. (Ví dụ, khách hàng khi mua cổ phiếu sẽ phải trả phí giao dịch 0,15%, bao gồm 0,03% cố định nộp Sở Giao dịch, còn lại 0,12% phí sẽ thuộc về Công ty chứng khoán và hầu hết sẽ trích lại cho môi giới).

Do đó, khách hàng giao dịch càng nhiều, thanh khoản thị trường càng tăng thì thu nhập môi giới càng nhiều và ngược lại, khi thị trường ảm đạm, thu nhập môi giới cũng sẽ giảm theo.

Với việc doanh thu môi giới toàn thị trường trong quý 4/2022 đã giảm khoảng 1/2 so với đỉnh được tạo ra trước đó 1 năm, tính một cách đơn giản, thu nhập của nghề môi giới trong quý 4 vừa qua cũng giảm khoảng một nửa so với thời đỉnh cao.

Không còn thu nhập khủng như khi thị trường bùng nổ, Hoàng Tùng cũng như nhiều bạn trẻ khác dần “vỡ mộng” khi làm Broker trong thị trường gấu. Thua lỗ tăng nhanh khiến nhà đầu tư chẳng còn mặn mà với việc mua bán, nhiều room chat cũng đóng lại vì đều lâm vào cảnh ảm đạm như chợ chiều.

Sức ép doanh số khi thanh khoản giảm mạnh, thu nhập của anh không còn con số "mơ ước" như trước. Không những vậy, thị trường kém thuận lợi còn khiến các khoản đầu tư cá nhân của Hoàng Tùng chịu cảnh thua lỗ. Broker trẻ tuổi này giờ đây mới cảm nhận được những khó khăn thực sự khi hành nghề.

Dấu hỏi về chất lượng môi giới

Cùng với sự tăng nóng và mạnh của quy mô thị trường, đội ngũ môi giới chứng khoán phát triển nóng về số lượng, nhưng chất lượng vẫn chưa cải thiện tương xứng.

Trong 2 năm qua, sức nóng của thị trường đã thu hút đông đảo sinh viên mới ra trường “đầu quân” vào các Công ty chứng khoán làm môi giới. Mặc dù lớp môi giới trẻ có sự năng động, nhạy bén với thị trường, song đa phần họ thiếu kinh nghiệm và chuyên môn. Số đông môi giới chỉ tập trung phân tích kỹ thuật, hóng tin “đội lái” mà bỏ qua yếu tố cơ bản của doanh nghiệp.

Rào cản gia nhập nghề không lớn, chỉ cần biết giao dịch, và quan trọng nhất là khả năng "sale khách" đã khiến không ít người tay ngang, đang làm việc tại những lĩnh vực khác cũng nhảy sang làm môi giới chứng khoán hoặc làm Cộng tác viên môi giới. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng đội ngũ tư vấn không được đảm bảo.

Cũng vì thế, khi thị trường downtrend, rất nhiều môi giới nghiệp dư không có khả năng hỗ trợ nhà đầu tư, thậm chí còn khiến nhà đầu tư mất mát lớn hơn. Nhiều người thường nói vui, khi thị trường uptrend ai cũng có thể trở thành người tư vấn vì gần như mua mã nào cũng lãi. Chỉ khi thị trường sập mới biết ai là thực sự là môi giới chất lượng. Điều này có thể thấy rõ trong năm qua, khi thị trường biến động xấu, hầu hết nhà đầu tư đều thua lỗ nặng nề, dù gần như khách hàng nào mở tài khoản chứng khoán cũng đều có môi giới đi kèm với khoản phí môi giới không nhỏ.

Vì thiếu kiến thức chuyên môn nên nhiều môi giới chỉ đưa ra những nhận định chung chung về diễn biến thị trường, thậm chí “gió chiều nào xoay chiều đó” không có quan điểm riêng. Lướt trên các hội nhóm về chứng khoán, không khó bắt gặp những status châm biếm môi giới phiên sáng khuyến nghị NĐT đứng ngoài quan sát, phiên chiều tăng nóng lại hô hào đua mua.

Thậm chí, nhiều môi giới không chuyên, không có khả năng phân tích còn tư vấn cho khách hàng những cổ phiếu tăng nóng do tin đồn hay hội nhóm. Cũng có nhiều người chỉ chăm chú khoe lãi, tạo hình ảnh chỉ để thu hút khách hàng.

Tất nhiên, thị trường vẫn tồn tại nhiều môi giới chứng khoán chất lượng, có tâm, cũng như kỹ năng, kiến thức uyên thâm. Tuy vậy, đây là con số không quá lớn nếu so với lượng môi giới bùng nổ mạnh mẽ trong 2 năm qua.

Xu thế miễn phí giao dịch, không môi giới nở rộ

Thực tế cho thấy việc sử dụng môi giới không mang lại quá nhiều lợi nhuận cho các CTCK. Bởi nếu tính riêng mảng nghiệp vụ môi giới chứng khoán (không tính các dịch vụ kèm theo như cho vay ký quỹ, quản lý tài sản…) thì đây là mảng kinh doanh có biên lợi nhuận cực mỏng, thậm chí nhiều doanh nghiệp không có lãi do chi phí hoa hồng cho môi giới khá lớn.

Đi qua mùa hoa đẹp nhất, tương lai nào cho nghề môi giới chứng khoán? - Ảnh 3.

Đơn cử như VPS, chi phí môi giới/doanh thu môi giới của CTCK này luôn ghi nhận quanh ngưỡng 80% trong 2 năm trở lại đây. Tức là VPS thu 10 đồng từ môi giới thì phải chi ra tới 8 đồng và chỉ lãi vỏn vẹn 2 đồng. Thậm chí tại Mirae Asset hay SSI, tỷ trọng chi cho môi giới/doanh thu có những quý vượt mức 100%, đồng nghĩa không có lãi trong mảng môi giới.

Riêng TCBS, biên lợi nhuận trong mảng môi giới lại cao ấn tượng , thường quanh mốc 80%. Nguyên nhân là do công ty hoạt động theo mô hình không có nhân viên môi giới nên có thể cắt giảm tối đa chi phí trung gian, điều này không chỉ giúp TCBS gia tăng lợi nhuận từ hoạt động môi giới mà còn giúp khách hàng tiết giảm đáng kể chi phí.

Bên cạnh TCBS, một số CTCK khác tại Việt Nam cũng chung xu hướng loại bỏ hoạt động môi giới bằng người như DNSE, Pinetree,... thay vào đó là các chương trình giảm, miễn phí hoàn toàn cho người dùng.

Với khách hàng, việc miễn phí giao dịch sẽ giúp họ tiết giảm một lượng chi phí đáng kể. Thông thường trong Uptrend, khi mọi thứ thuận lợi, chi phí môi giới sẽ không "đáng là bao". Tuy nhiên, khi thị trường kém thuận lợi, mà việc sử dụng tư vấn từ môi giới không đem lại hiệu quả sẽ càng khiến nhà đầu tư cảm thấy "xót ruột".

Theo nhận định của giới chuyên gia, áp lực với môi giới “chạy bằng cơm” đang ngày càng lớn khi các công ty chứng khoán đều phát triển mạnh mảng công nghệ, để thay thế phần việc của con người. Việc phát triển các Chatbox, AI, môi giới ảo tự động trả lời, hướng dẫn mở tài khoản tự động, eKyc… đang ngày càng phổ biến, khiến vai trò con người giảm bớt.

Bên cạnh đó, xu hướng giao dịch chứng khoán phí 0 đồng cũng dự báo tạo sức ép lớn đến nghề môi giới trong tương lai. Trên thế giới, xu hướng giao dịch chứng khoán trực tuyến phí “0” đồng đang nở rộ, đặc biệt tại Mỹ với cái tên nổi bật Robinhood.

Sự trỗi dậy nhanh chóng của Robinhood, công ty môi giới chứng khoán trực tuyến với phí giao dịch “0 đồng” đã buộc các “ông lớn” môi giới chứng khoán khác ở Mỹ phải chạy theo mô hình giao dịch miễn phí này để giữ thị phần.

Tại Việt Nam, dù cuộc đua giành thị phần vẫn diễn ra rất khốc liệt, song đã xuất hiện những công ty chứng khoán đi theo xu hướng miễn phí giao dịch của thế giới. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến nghề môi giới, những người đang phụ thuộc lớn vào phí giao dịch của khách hàng.

Trong những năm tới, có thể hoạt động môi giới bằng con người vẫn còn đóng vai trò nhất định tại các Công ty chứng khoán, nhưng chắc chắn ảnh hưởng sẽ dần giảm bớt bởi sự xuất hiện của các hệ thống công nghệ. Các Công ty chứng khoán cũng cần thay đổi cách tiếp cận khách hàng, hiện một số đơn vị thay vì thu phí đại trà với khách hàng đã thu phí tư vấn riêng biệt với chất lượng nâng cao hơn. Với các môi giới cá nhân, sự thanh lọc sẽ diễn ra, và chỉ những môi giới có trình độ chuyên môn cao và không ngừng trau dồi mới có thể tồn tại trên thị trường, thay vì phát triển rầm rộ như những năm qua.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm