Tài chính

ĐHĐCĐ VietinBank: Tăng tín dụng đến hiện tại hơn 4%, dành tất cả lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức

 Toàn cảnh đại hội đồng cổ đông VietinBank sáng 27/4. (Ảnh: H.T)

Sáng 27/4, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank - Mã: CTG) tổ chức  đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 tại Hoài Đức, Hà Nội. 

Vào đầu đại hội, Ban kiểm phiếu công bố có 120 cổ đông tham dự đại hội, nắm giữ 4,68 tỷ cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu là 87,2% số cổ phần có quyền biểu quyết.

Chia sẻ tại đại hội, ban lãnh đạo ngân hàng đánh giá năm 2023 là một năm vô cùng khó khăn, tuy nhiên ngân hàng ghi nhận nhiều kết quả khả quan. Lợi nhuân trước trích DPRR năm 2023 đạt hơn 50.000 tỷ đồng, tăng 11,5% so với năm 2022 và đạt cao nhất từ trước tới nay. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 25.000 tỷ đồng, tăng 18,3% so với năm 2022. 

Năm 2024, HĐQT trình đại hội đồng cổ đông kế hoạch tổng tài sản tăng trưởng từ 8 đến 10%, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng ở mức dưới 1,8%. Giai đoạn 2024 - 2029, HĐQT đề xuất kế hoạch tăng trưởng tổng tài sản từ 9 đến 10%/năm, dư nợ tín dụng và huy động vốn duy trì tốc độ tương tự. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) duy trì ở mức khoảng 16-18%, trong khi tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

"Hiện tại mức tăng trưởng tín dụng mà ngân hàng được NHNN phê duyệt năm 2024 là 14%. Cơ bản là chúng ta có thể đạt và vượt con số này", Chủ tịch VietinBank Trần Minh Bình cho hay.

Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ VietinBank 2024.

Chủ tịch ngân hàng cũng cho biết năm 2024 ngân hàng sẽ tập trung vào 5 chủ điểm trọng tâm gồm tăng trưởng tín dụng vào các ngành lĩnh vực tiềm năng, tăng quy mô CASA, đẩy mạnh hoạt động ngoài lãi, thúc đẩy thu hồi nợ xấu và thúc đẩy khai thác hiệu quả hệ sinh thái.

Tại đại hội, ban lãnh đạo VietinBank tiếp tục trình tới các cổ đông phương án sử dụng toàn bộ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ của năm 2023 để chia cổ tức, tăng vốn điều lệ.

"Ngân hàng kỳ vọng là sẽ được chia cổ tức bằng cổ phiếu nhưng phương án cuối cùng vẫn theo việc phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước", ông Trần Minh Bình chia sẻ.

Năm 2023, lợi nhuận sau thuế riêng lẻ của VietinBank đạt 19.457 tỷ đồng, sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại là 13.927 tỷ đồng.

Chủ tịch Trần Minh Bình cho biết hiện tại VietinBank đã nhận được ý kiến của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Tài chính cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 (11.678 tỷ đồng) để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu.

VietinBank cũng đã đề xuất các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương cho phép ngân hàng được giữ lại toàn bộ lợi nhuận hàng năm của giai đoạn 2024 - 2028 để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.

 Chủ tịch Trần Minh Bình phát biểu tại đại hội. (Ảnh: H.T).

 

Mặc dù đã trình phương án và đề xuất khá lâu nhưng tiến trình tăng vốn vẫn diễn ra khá chậm. Trong năm 2023, VietinBank mới hoàn thành phát hành thêm 564 triệu cổ phiếu, tương đương 5.643 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận còn lại của năm 2020, giúp vốn điều lệ tăng lên 53.700 tỷ đồng.

Ngân hàng còn kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 12.330 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận còn lại từ năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2016. Nếu được chấp thuận và triển khai xong tất cả các kế hoạch nêu trên, vốn điều lệ của VietinBank sẽ tăng từ 53.700 tỷ đồng lên 91.635 tỷ đồng.

ĐHĐCĐ năm 2024 cũng sẽ đánh dấu nhiệm kỳ mới của HĐQT và Ban Kiểm soát của VietinBank. Tại Đại hội, ngân hàng dự kiến sẽ bầu ra 10 thành viên HĐQT, trong đó có ít nhất một thành viên độc lập và ba thành viên Ban Kiểm soát.

Theo danh sách đề cử thành viên HĐQT, ông Cát Quang Dương sẽ được bầu làm thành viên HĐQT độc lập thay bà Nguyễn Thị Bắc. Đại diện của của cổ đông lớn MUFG sẽ là hai thành viên ông Koji Iriguchi và ông Takeo Shimotsu.

Danh sách đề cử thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2024 - 2029

 

 Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ VietinBank.

(Tiếp tục cập nhật)

- Kế hoạch kinh doanh năm 2024, giải pháp để đạt mục tiêu đề ra?

Chủ tịch Trần Minh Bình: Tập trung thực hiện hai kế hoạch, kế hoạch 3 năm 2024 - 2026 với cổ đông chiến lược và kế hoạch 2024 - 2028 theo đánh giá của Moody's. Hàng năm, ngân hàng có rà soát chỉnh sửa phù hợp với thị trường dựa trên nghiên cứu thị trường và ý kiến của các chuyên gia.

Chúng tôi đánh giá tính khả thi của kế hoạch là rất cao, xác suất thành công là rất lớn. Về kế hoạch năm 2024, tăng trưởng tổng tài sản và nguồn vốn theo dự kiến là mức thấp nhất, chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện cao hơn.

Về kết quả kinh doanh quý I, tăng trưởng tín dụng hết quý I là 3,7% và tính đến hiện nay là 4,1%. Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng là hết sức bền vững và không có yếu tố kỹ thuật. Tốc độ tăng trưởng tương đối chắc chắn.

Với kế hoạch và kết quả như vậy, chúng tôi cam kết năm nay sẽ dùng nhiều biện pháp để giữ đà tăng trưởng lợi nhuận từ 5- 10%, bằng các biện pháp tăng thu ngoài lãi, kiểm soát chi phí. Kiểm soát làm sao có cơ câu huy động vốn hiệu quả nhất.

Hiện nay chất lượng tín dụng được kiểm soát, ngân hàng có phân luồng bắt nguồn ngay từ tháng 1, khoản nợ có dấu hiệu chậm trả, 9 ngày, là chúng tôi đã phải quan tâm. Trong những vụ việc gần đây thì chúng tôi không có dính dáng gì cả.

Chúng tôi khá tự tin về chất lượng tín dụng hiện nay và kiểm soát được chi phí dự phòng. Chúng tôi dự kiến tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu để tăng bộ đệm dự phòng.

- Đánh giá chung về triển vọng kinh tế Việt Nam, nếu có áp lực lạm phát thì lãi suất có tăng trở lại không? Trong bối cảnh đó, kinh doanh ngân hàng sẽ ra sao?

Ông Đỗ Thanh Sơn, Phó TGĐ phụ trách điều hành: Tính đến quý I, GDP Việt Nam đạt mức tăng 5,66%, tốt nhất trong 4 năm trở lại đây, tỷ trọng xuất nhập khẩu tăng,...cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế.

Trong đó có điểm nhấn là tỷ giá đã liên tục tăng từ đầu quý IV, đỉnh điểm trên 25.000 VND. Những yếu tố tạo áp lực lên tỷ giá như USD index liên tục tăng chủ yếu do CPI Mỹ vượt tầm dự đoán; các NĐT thận trọng dự trữ ngăn ngừa biến động tỷ giá; Tình trạng chênh lệch lãi suất USD - VND cao nhất trong lịch sử.

Chúng tôi dự báo tỷ giá sẽ tiếp tục tăng khoảng 0,5 - 1,5%. Tuy nhiên NHNN sẽ có những động thái để ổn định lại tỷ giá. Với bối cảnh như vậy, lãi suất chắc chắn sẽ tăng. Thực tế trong những tuần đầu tháng 4 đã có 15 ngân hàng tăng lãi suất, trong khi chỉ có 12 ngân hàng giảm lãi suất.

Để duy trì NIM, ngân hàng nói chung và VietinBank vẫn phải dựa vào cho vay, quan trọng là tăng trưởng vào đâu và ở mức như thế nào.

Năm 2024, ngay từ đầu năm NHNN đã giao hạn mức tín dụng là 14,05%. Chúng tôi đặt mục tiêu tăng tín dụng liên tục. Trong những tháng đầu năm, trong khi tất cả ngân hàng đều giảm nhưng riêng VietinBank tăng tín dụng hơn 4% và rất bền vững.

Chúng tôi tập trung vào lĩnh vực xanh, là ngân hàng đầu tiên ký với BTN&MT triển khai vốn, tái cấp vốn cho các dự án ESG. Chúng tôi kết hợp với các địa phương để tạo ra các sản phẩm phù hợp với đặc thù của từng nơi. Ở các lĩnh vực ưu tiên, VietinBank cũng là ngân hàng đi đầu về mức độ cạnh tranh, hỗ trợ khách hàng.

- Năm 2023 nguồn tiền gửi KBNN giảm mạnh, nguồn này có gây áp lực trong năm 2024 không, nguồn tiền gửi này có tăng trở lại hay không? 

Thành viên HĐQT Lê Thanh Tùng: KBNN là KH lớn và là một nguồn vốn huy động lớn VietinBank. Tuy nhiên mục tiêu chiến lược của VietinBank là an toàn hiệu quả, hướng đến nguồn có giá rẻ. 

Về tỷ lệ CAR chúng tôi luôn tuân thủ theo NHNN, chúng tôi sẽ quản lý chiến lược kinh doanh, chiến lược quản lý rủi ro để đảm bảo hệ số này.

- Lý do giúp ngân hàng có thể giữ được NIM đạt 2,9% trong năm 2023, dự kiến NIM trong năm 2024 là bao nhiêu? VietinBank có giải pháp gì để cải thiện NIM?

Thành viên HĐQT Lê Thanh Tùng: Vừa qua Chính phủ đã chỉ đạo các ngân hàng giảm lãi suất để hỗ trợ các DN và nền kinh tế. Do chúng ta đi trước các nền kinh tế khác về giảm lãi suất nên áp lực tỷ giá cũng cao hơn. Tuy nhiên, NHNN đã lập tức có những giải pháp để điều chỉnh như phát hành tín phiếu,... Cho đến nay tỷ giá có tăng nhưng trong tầm kiểm soát.

Chúng tôi theo sát tình hình thị trường và có những giải pháp phù hợp với thị trường để giữ vững NIM. Trong quý I/2024, NIM tăng nhẹ từ 2,85% cuối năm 2023 lên 2,93% và mục tiêu năm 2024 là lên 3%.

- VietinBank dự báo như thế nào về tình hình nợ xấu trong ngành. Ngân hàng đã qua đỉnh nợ xấu hay chưa, nếu chưa thì đến khi nào?

Thành viên HĐQT Nguyễn Thế Huân: Năm 2023 diễn biến nợ xấu có xu hướng tăng, năm 2024 ngành vẫn đối mặt áp lực gia tăng nợ xấu do nền kinh tế còn nhiều bất ổn và khó dự báo. Bản thân nội tại một số ngành như BĐS vẫn còn khó khăn, chưa có phục hồi rõ nét.

Hiện NHNN đã đề xuất gia hạn Thông tư 02 tới hết 2024, là giải pháp giúp DN và ngành ngân hàng đối phó với việc nợ xấu gia tăng.

Cuối 2023, tỷ lệ nợ xấu VietinBank là 1,13%, nợ nhóm 2 khoảng 1,55%. Trong năm 2024, VietinBank mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 1,8% và nợ nhóm 2 dưới 3%. Ngân hàng cũng sẽ tăng cường trích lập theo nguyên tắc thận trọng nhất trên cơ sở năng lực tài chính của ngân hàng.

VietinBank luôn giữ nguyên tắc chủ động, chủ động lựa chọn khách hàng, phân tán rủi ro, nhận diện sớm rủi ro, phân luồng sớm và xử lý kịp thời.

- Ngân hàng đánh giá ra sao về triển vọng các ngành nghề kinh doanh chính như BĐS, Xây dựng, điện, sản xuất, xuất nhập khẩu? Đối tượng khách hàng mà VietinBank hướng đến trong năm 2024?

Thành viên HĐQT Trần Văn Tần: Ngành BĐS trong năm 2023 rất khó khăn, mặc dù có khả năng phục hồi vào cuối năm 2024 có thể sớm hơn thì có thể là quý III tuy nhiên sự phục hồi giữa các phân khúc không đồng đều. Các phân khúc chung cư, đất nền mức giá phù hợp sẽ có độ phụ hồi cao hơn, các phân khúc nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục còn khó khăn, phân khúc Khu Công nghiệp dự kiến phục hồi tốt, căn cứ vào sự phát triển các KCN ở miền Bắc.

Ngành điện có nhu cầu vốn lớn. Ngành nhiệt điện than, cầu lớn nhưng về dài hạn cần xem xét vì ảnh hưởng môi trường. Các mảng điện gió, điện mặt trời phát triển tốt nhưng hiện tại có vấn đề hạ tầng truyền tải, cơ chế chuyển tiếp. Chúng tôi cho rằng điện gió có nhiều khả quan hơn.

Xuất nhập khẩu là lĩnh vực tăng trưởng khá tốt trong đầu năm 2024 nhưng còn phụ thuộc vào nhiều biến số vì tình hình thế giới còn phức tạp và còn vấn đề về bảo hộ. Với các mặt hàng nông sản chúng tôi đánh giá sẽ tiếp tục đạt kết quả tốt như rau quả, gạo. Nội thất, điện thoại,... dự kiến sẽ phục hồi trong năm 2024.

Một số ngành khó khăn tiếp tục đối mặt nhiều thách thức như dệt may, thép.

Ngành VLXD: sự phát triển ngành này sẽ đồng hành với lĩnh vực BĐS. Sẽ có tăng trưởng khi triển khai các dự án lớn, đầu tư công như sân bay, bến cảng,...

Đại hội thông qua tất cả tờ trình.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm