Tài chính

ĐHĐCĐ VIB: Tăng trưởng tín dụng 1% quý đầu năm

Sáng ngày 2/4, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 để thảo luận về các vấn đề kinh doanh, kế hoạch chia cổ tức và tăng vốn điều lệ... 

Ngân hàng đã triệu tập tất cả 25.208 cổ đông VIB tại ngày chốt danh sách cổ đông dự họp. Tính đến 8h30, số lượng cổ đông tham dự và ủy quyền chiếm 82,43% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết, đủ điều kiện tiến hành.

 Cổ đông VIB làm thủ tục trước đại hội. Ảnh: HL.

Thảo luận 

1, Tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm? Tại sao đẩy mạnh mảng nào SME, ảnh hưởng khủng hoảng thẻ tín dụng? 

Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Hồ Vân Long: Tăng trưởng tín dụng 3 tháng cuối năm ngoái tăng trưởng rất tốt. Thời điểm khó khăn nhất của ngành đã ở sau lưng, đâu đó đã có những lĩnh vực tăng tốt như cho vay mua nhà, tín dụng, tăng trưởng tốt trong 3 tháng đầu năm.

Do yếu tố thời vụ đầu năm nên nợ xấu đang tăng 2,2 lên 2,4%. Chúng tôi cố gắng đưa nợ xấu dưới 2% vào cuối năm. 

Với hoạt động SME chúng tôi có phát triển mạnh phân khúc business, thúc đẩy cả các hoạt động cho vay và tạo ra tiếng vang nhất định, nhưng tỷ trọng mảng này vẫn đang khiêm tốn.

Thẻ tín dụng là quá trình xây dựng thương hiệu bền bỉ nhiều năm qua, chúng tôi không bị ảnh hưởng như một số ngân hàng vừa qua.

Chủ tịch HĐQT Đặng Khắc Vỹ: Tăng trưởng tín dụng trong 3 tháng đầu năm là 1%, cao hơn mức trung bình ngành. Chất lượng ngân hàng bán lẻ khác hẳn ngân hàng bán buôn.

Hiện hơn 90% các khoản vay là có tài sản đảm bảo và hơn 5% là vay tín chấp, do đó chất lượng tín dụng của chúng ta là tốt. Theo thời gian, nhà đầu tư sẽ nhìn thấy sự khác biệt gữa ngân hàng bán lẻ và bán buôn. 

2, Ảnh hưởng của bancassurance?

Tổng giám đốc Hàn Ngọc Vũ: Đây là hoạt động rất phức tạp liên quan đến ngân hàng và công ty bảo hiểm nhân thọ, các yêu cầu đúng pháp luật nên chúng tôi đều quan tâm thực hiện, sau những trường hợp lùm xùm thì rủi ro hoạt động này càng cao hơn.

Việc huấn luyện đào tạo để nắm rõ yêu cầu pháp luật vẫn diễn ra thường xuyên, chúng tôi thực hiện thanh tra giám sát nội bộ để phát hiện các trường hợp không đạt để xử lý nghiêm. VIB phối hợp với đối tác Prudential để thành lập ủy ban về ứng xử khách hàng. 

Chủ tịch HĐQT Đặng Khắc Vỹ: Chúng tôi bán banca theo sự tự nguyện để thể hiện cam kết. VIB muốn biến banca không phải là sản phẩm bán kèm hay bắt ép mà banca phải là quyền lợi của khách hàng, phải truyền tải thông tin bảo hiểm là quyền lợi cho khách hàng. 

 Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ trả lời chất vấn cổ đông tại đại hội. Ảnh: VIB.

3, Tỷ lệ CASA tương đối thấp, hiện định hướng phát triển ra sao?

Giám đốc tài chính Hồ Vân Long: CASA đang dao động từ 11-13%,, do xu hướng chung của thị trường và chi phí giảm mạnh. Tỷ trọng tiền gửi giá rẻ tăng mạnh và có thêm nguồn huy động ngoại tệ, từ đó từng bước giảm lãi suất cho vay từ tăng huy động tiền rẻ. 

Chủ tịch HĐQT Đặng Khắc Vỹ: Đa số ngân hàng bán buôn có hệ sinh thái doanh nghiệp nên tỷ lệ CASA cao. CASA là một quá trình hoạt động lâu dài, riêng CASA bán lẻ tăng mạnh 31%. 

4, Lãi suất huy động thấp và dự báo ra sao? Tăng trưởng NIM trong 2024 tăng bao nhiêu?

Ông Lê Quang Trung - Giám đốc khối nguồn vốn và ngoại hối: Lãi suất theo quan điểm của tôi là đang nằm ở mức đáy. Hiện NHNH đang thực hiện chính sách nới lỏng và hy sinh tỷ giá để thúc đẩy kinh tế. Theo dự đoán của tôi, từ giờ đến cuối năm lãi suất liên ngân hàng 2-3%, lãi suất cho vay khoảng 5-7%/năm.

Tôi nghĩ mức lãi suất không thể giảm sâu bởi tín dụng đã quay trở lại. Các ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất huy động cho người gửi tiết kiệm, nhà đầu tư kỳ vọng Fed chỉ còn cắt giảm lãi suất 3 lần vào cuối năm nên lãi suất tiền đồng cũng khó giảm sâu.

Chủ tịch HĐQT Đặng Khắc Vỹ: VIB là ngân hàng hoạt động năng động trên thị trường vốn trong nước và quốc tế. Chúng tôi quan sát đường cong lãi suất để ứng xử với lãi suất. Chúng tôi là một trong các nhà tạo lập lớn trên thị trường tiền tệ. 

NIM của chúng ta liên tục cải thiện và hiện nay lên 4,5%. Các ngân hàng ở Việt Nam có NIM cao nhưng hoạt động vẫn chật vật vì vấn đề ở nợ xấu. Trong khi đó, VIB có cơ hội do có tỷ lệ an toàn cao, có tài sản đảm bảo cho vay và chính sách lãi suất cho vay hiện nay đang thấp. 

Vấn đề để đảm bảo NIM tốt là trích lập dự phòng không quá nhiều, uy tín ngân hàng lớn thuận lợi cho huy động vốn. Giá vốn huy động thấp nên cho phép NIM vẫn bảo đảm cạnh tranh được.

5, Chia sẻ về kết quả quý I

Chủ tịch HĐQT Đặng Khắc Vỹ: Trong quý đầu năm, các ngân hàng mất 1 tháng hoạt động trong kỳ tết và các hoạt động banca giảm sút, nên toàn thị trường giảm sút nhiều. VIB vẫn đạt lợi nhuận 2.600 tỷ đồng, so với kế hoạch 12.000 tỷ thì hoàn toàn khả thi, đây vẫn là điểm sáng trong hoạt động kinh doanh.

6, Giảm nợ xấu ra sao, ban lãnh đạo kỳ vọng thu được lợi nhuận từ trích lập bao nhiêu?

Chủ tịch HĐQT Đặng Khắc Vỹ: Tổng nợ xấu của VIB chỉ khoảng 7.000-8.000 tỷ đồng, đối với ngân hàng bán lẻ thì chỉ tương đương với khoản nợ tái cấu trúc một doanh nghiệp, nói để cho cổ đông thấy rằng nợ xấu đang không quá lớn.

Giám đốc tài chính Hồ Văn Long: Tỷ lệ nợ cơ cấu của VIB xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, việc cơ cấu khoản vay của cá nhân rất khó. Tỷ lệ nợ xấu có tăng từ 2,2% lên 2,4% trong quý đầu năm.

Một thông tin khác là năm ngoái chúng tôi trích lập dự phòng 4.800 tỷ đồng, sử dụng 3.600 tỷ để xử lý rủi ro. Trong 3 tháng đầu năm đã thu lại 200 tỷ đồng từ xử lý rủi ro. Với thị trường bất động sản đang ấm lên và thêm các giải pháp thu hồi nợ, chúng tôi kỳ vọng có thu nhập bất thường 1.000-1.500 tỷ từ thu hồi các khoản nợ đã xử lý rủi ro. 

Kế hoạch lãi hơn 12.000 tỷ đồng

Theo báo cáo của Hội đồng quản trị, sau 7 năm chuyển đổi chiến lược của giai đoạn 2017-2026, lợi nhuận của VIB đã đạt mức tăng trưởng bình quân (CAGR) là 48%/năm và hiệu quả lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 25%, top đầu ngành trong nhiều năm liên tiếp.  

VIB hiện có tỷ trọng bán lẻ top đầu ngành với tỷ lệ hơn 85% danh mục tín dụng. Tổng số thẻ tín dụng lưu hành tăng 8 lần lên hơn 700.000 thẻ, chi tiêu của khách hàng qua thẻ tín dụng tăng hơn 10 lần đạt mốc 4 tỷ USD trong năm 2023. 

 Cổ đông biểu quyết thông qua chương trình đại hội. Ảnh: HL.

Sang năm 2024, ban lãnh đạo đề xuất kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 12.045 tỷ đồng, tăng 13% so với mức thực hiện của năm 2023. Chỉ tiêu lợi nhuận năm nay thấp hơn so với kế hoạch lợi nhuận năm 2023 (12.200 tỷ đồng) từng được ĐHĐCĐ thông qua. 

Một số chỉ tiêu khác như tổng tài sản dự kiến tăng 20% lên 492.000 tỷ đồng vào cuối năm 2024, trong đó dư nợ tín dụng tăng 20% lên 320.600 tỷ đồng. Huy động vốn được dự kiến tăng trưởng 21% lên mức 315.200 tỷ đồng trong khi tỷ lệ nợ xấu kỳ vọng dưới 3%. 

Trên cơ sở tăng vốn điều lệ, ban lãnh đạo ngân hàng dự phóng các chỉ số ROA, ROE của VIB lần lượt ở mức 2,2% và 24%. Trong khi đó, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II ở mức trên 10%, so với 11,73% cuối năm 2023.

Cổ tức 29,5% 

Theo đề xuất của HĐQT, VIB sẽ chia cổ tức với tỷ lệ 29,5% trên vốn điều lệ. Trong đó, mức chia cổ tức bằng tiền mặt tối đa là 12,5%, chia cổ tức bằng cổ phiếu là 17% và phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên với tỷ lệ 0,44%. 

Ngân hàng đã tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt lần 1 vào ngày 21/2 vừa qua với tỷ lệ 6% và nếu được thông qua sẽ trả tiếp tỷ lệ 6,5%. Tổng cộng số tiền sử dụng để chi trả cổ tức là 3.171 tỷ đồng.

 Chính sách cổ tức của VIB. Nguồn: VIB.

HĐQT cũng đề xuất phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu (CĐHH) và CBNV. 

Ngân hàng sẽ phát hành 431,3 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ 17%, giúp vốn điều lệ của ngân hàng tăng thêm 4.312,6 tỷ đồng. Ngoài ra, VIB cũng phát hành 11,1 triệu cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên, tương ứng tỷ lệ 0,44%, giúp vốn điều lệ tăng thêm 110 tỷ đồng. 

Cổ phiếu thưởng cho cổ đông không bị hạn chế chuyển nhượng, trong khi cổ phiếu cho CBNV bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm. Tổng cộng, sau khi hoàn thành hai cấu phần trên, vốn điều lệ của VIB sẽ tăng từ 25.368 tỷ đồng lên 29.791 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng vốn 17,44%. 

Đại hội thông qua tất cả các tờ trình.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm