Tháng 3 vừa qua, VN-Index - chỉ số chính của chứng khoán Việt Nam ghi nhận mức tăng 2,5%, đây cũng là tháng tăng thứ 5 liên tiếp của chỉ số này. Tính chung cả quý I/2024, VN-Index tăng 13,64%, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2019. Với mức tăng này, VN-Index lọt tốp các chỉ số có hiệu suất tốt nhất thế giới kể từ đầu năm.
Nhà đầu tư vẫn lỗ
Trong bối cảnh đó, rất nhiều cổ phiếu và nhóm cổ phiếu thuộc các nhóm ngành đã tăng giá, không ít mã vượt xa vùng đỉnh lịch sử khi VN-Index còn trên 1.500 điểm, như TCB tăng 49,53%, MBB tăng 36,19%, BSI tăng 33%, CTS tăng 36%, MBS tăng 33,48%, VCI tăng 25,85%,…
Dù vậy, với nhiều nhà đầu tư, quá trình đi lên của thị trường không tỉ lệ thuận với tài khoản của họ. Bởi từ sau Tết Nguyên đán, các chỉ số tăng điểm liên tục nhưng chủ yếu nhờ đà tăng của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn hay còn gọi là cổ phiếu trụ và nhóm cổ phiếu ngân hàng chiếm áp đảo về vốn hóa trên thị trường. Những nhóm ngành còn lại chủ yếu đi ngang, thậm chí giảm. Nhà đầu tư nắm giữ các nhóm này gần như không có lãi, thậm chí thua lỗ. Một số phiên thị trường điều chỉnh giảm, khiến các nhà đầu tư choáng váng, đến mức phải cắt lỗ để bảo toàn vốn.
Ông Tr.Q.L. (một nhà đầu tư ở quận 7, TP HCM) cho biết ông đã bán hết cổ phiếu và giữ tiền mặt từ tháng 2 vừa qua vì nghe tư vấn của một số môi giới "thoát hàng" để an toàn. Ngoài ra, việc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng liên tục khiến ông và nhiều người khác chọn giữ tiền, chờ thị trường chiết khấu ở mức giá hấp dẫn hơn mới "giải ngân" mua cổ phiếu. Tuy nhiên, từ đầu tháng 3, khi VN-Index lần lượt chinh phục các mốc 1.200, 1.250, rồi 1.280 điểm, cổ phiếu nhóm chứng khoán, bất động sản, thép… đua nhau tăng giá, ông L. mới nhận ra mình đã "lỡ sóng".
Đáng nói, không chỉ những nhà đầu tư cầm tiền bị thị trường "bỏ rơi" mà cả những người bắt "đúng sóng" cũng không cầm cổ phiếu được lâu vì luôn ám ảnh thị trường sẽ điều chỉnh giảm khi tiến sát mốc 1.300 điểm. Ông Võ Hòa Thắng (nhà đầu tư ở quận Bình Thạnh, TP HCM) mua cổ phiếu SSI từ mức 33.700 đồng/cổ phiếu vào tháng 1 và bán khi lên giá 39.000 đồng/cổ phiếu vào tuần trước, tương ứng lợi nhuận hơn 15%. Nhiều người khác nắm giữ cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, chứng khoán cũng chốt lời sớm vì lo sợ thị trường giảm. "Thị trường đã tăng một đoạn dài, giá cổ phiếu gần như đã phản ánh sự kỳ vọng kinh tế và tình hình kinh doanh của doanh nghiệp trong vòng 1 năm tới. Khi sự kỳ vọng không còn lớn nữa, giá cổ phiếu sẽ giảm, đó là lúc mua vào để đón sóng mới" - một nhà đầu tư lý giải về việc chốt lời cổ phiếu.
Trong khi đó, với nhiều nhà đầu tư mới như chị Hoàng Yến (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) rút 100 triệu đồng từ tiền tiết kiệm để mở tài khoản chứng khoán nhưng chưa biết đầu tư gì. "Tôi nhờ bạn làm môi giới chọn cổ phiếu để đầu tư nhưng chưa chọn được mã nào nên phải chờ suốt cả tháng nay. Tôi xem bảng điện thấy mã nào cũng xanh nhưng không biết mua gì, sốt hết cả ruột song cũng không dám liều lĩnh mua đại" - chị Yến chia sẻ.
Không nên nóng vội
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS), cho rằng từ sau Tết đến nay, thị trường chứng khoán có nhiều yếu tố thuận lợi. Hiện tại, thị trường vẫn đang trong đà hưng phấn do nhà đầu tư đặt kỳ vọng báo cáo kết quả kinh doanh quý I của một số công ty đang khá tốt và mùa đại hội cổ đông. Đặc biệt, cơ quan quản lý đang đẩy mạnh triển khai vận hành hệ thống giao dịch KRX, đồng thời mở rộng cơ chế, chính sách để thu hút nhà đầu tư quốc tế nên thời gian tới thị trường chứng khoán vẫn diễn biến theo chiều hướng tích cực. "Trong quá trình tăng điểm thị trường có nhiều nhịp điều chỉnh nhưng chung quy lại là theo hướng bậc thang đi lên. Đây là sự vận động lành mạnh và cần thiết cho một thị trường uptrend "xu hướng tăng" - ông Tuấn nói.
Ông Huỳnh Anh Tuấn cho rằng VN-Index hiện nay dù chưa vượt 1.300 điểm nhưng thực tế đã có rất nhiều mã cổ phiếu vượt đỉnh, tức đang ở vùng giá cao. Điều này khiến những nhà đầu tư "trễ tàu" rất sốt ruột. Tuy nhiên, đừng vì vậy dẫn đến nóng vội fomo (hội chứng sợ bị bỏ lỡ) mà hãy bình tĩnh, chọn danh mục cổ phiếu tốt, đợi sóng giảm để mua cổ phiếu với giá tốt hơn. Theo ông Tuấn, khi thị trường điều chỉnh giảm sau một đợt sóng tăng sẽ mở ra cơ hội mới cho các nhà đầu tư cầm tiền. "Khả năng quý II, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ giảm lãi suất, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam còn dư địa rất lớn, xuất khẩu đang dần tích cực. Điều đó có nghĩa cơ hội cho thị trường chứng khoán vẫn còn rất nhiều" - ông Tuấn nhìn nhận.
Theo chuyên gia này, trong giai đoạn tới, nhà đầu tư cần quan sát kỹ dòng tiền. Nếu thị trường giảm mà dòng tiền vẫn duy trì tích cực, cho thấy khả năng VN-Index lên 1.400 điểm trong đợt sóng này rất cao.
Ở góc nhìn thận trọng hơn, một chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán VPS nhấn mạnh nếu nhà đầu tư đã giải ngân 30%-40% cổ phiếu trong tổng giá trị tiền đầu tư thì cần chờ thêm, không nên mua đuổi. Thị trường đang giai đoạn chờ kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp trên sàn, khi thông tin dần lộ diện để chọn cách cân bằng tỉ trọng danh mục đầu tư. Chưa kể, việc công ty chứng khoán bị tấn công hệ thống cũng ảnh hưởng đến thị trường. Trường hợp nhà đầu tư đang cầm 100% tiền mặt, có thể mua khoảng 30% tiền để lấy vị thế, tích lũy cho trung, dài hạn. Những nhóm cổ phiếu thuộc các ngành an toàn có thể kể đến là dầu khí, thép… và một số mã ngành ngân hàng chưa tăng nhiều. Trong khi đó, nhóm các ngân hàng chia cổ tức cao, các công ty chứng khoán tốt đã tăng nhiều thì không nên mua đuổi, dễ gặp rủi ro.