Ngày 23/3, CTCP Tập đoàn KIDO (Mã: KDC) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 với 84 cổ đông tham dự, đại diện cho hơn 232 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 92,4%. Đại hội kết thúc với tất cả tờ trình được thông qua.
Kế hoạch lợi nhuận kỷ lục 900 tỷ đồng, muốn nâng tỷ lệ sở hữu Dầu Tường An và Vocarimex lên 100%
Năm 2022 KIDO dự kiến trình đại hội thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với doanh thu thuần 14.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 900 tỷ đồng, lần lượt tăng 33% và tăng 32,4% so với thực hiện năm 2021. Mức kỳ vọng lợi nhuận này cũng là con số cao nhất so với các kết quả từ năm 2017.
Cho năm 2021 ngoài việc dự kiến chia cổ tức 6% bằng tiền mặt tương tự như năm trước thì tập đoàn còn dự định thưởng cổ tức tỷ lệ 10% bằng cổ phiếu cho cổ đông. Năm 2022, tỷ lệ cổ tức dự kiến là 6% (600 đồng/cp).
Bên cạnh đó, KIDO có ý định phát hành tối đa hơn 10 triệu ESOP, tương đương 4% số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Giá phát hành dự kiến là 15.000 đồng/cp, thấp hơn 73% so với giá cổ phiếu KDC chốt phiên 22/3 (54.200 đồng/cp) . Cổ phiếu sẽ bị hạn chế trong vòng một năm.
Tại ĐHĐCĐ, cổ đông đã thông qua giao dịch mua cổ phiếu CTCP Dầu thực vật Tường An (Mã: TAC) và Tổng công ty công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex - Mã: VOC) để nâng tỷ lệ sở hữu tại hai công ty con này lên 100% mà không phải chào mua công khai.
Tại thời điểm 31/12/2021, KIDO sở hữu trực tiếp và gián tiếp 85,07% vốn TAC và 87,29% cổ phần VOC. Việc mua thêm là để phù hợp với định hướng chiến lược kinh doanh thay đổi, phục vụ cho việc chuyển đổi mô hình kinh doanh.
Về kế hoạch phát triển trong thời gian tới, đối với ngành dầu, Tập đoàn sẽ tiếp tục tăng cường kinh doanh các sản phẩm chủ lực vốn đã làm nên tên tuổi của KIDO trên thị trường dầu ăn trong suốt nhiều năm liền, tiếp tục quy hoạch thương hiệu nhãn hàng, đồng thời nghiên cứu phát triển nhiều sản phẩm mới, đặt mục tiêu trở thành đơn vị dẫn đầu trong ngành dầu tại Việt Nam trong tương lai gần. Hiện thị phần của Dầu Tường An đã chiếm khoảng 39% thị phần dầu trong nước, bà Nguyễn Thị Xuân Liễu, Phó Tổng Giám đốc cho hay.
Đồng thời, trọng tâm đối với mảng bơ thực vật là thực hiện hoạt động đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và đưa ra thị trường các dòng sản phẩm bơ thực vật và bơ hạt các loại.
Đối với ngành kem, KIDO nỗ lực để giữ vững vị trí dẫn đầu ngành hàng kem cũng như tiếp tục mở rộng thị phần trong ngành hàng; đầu tư xây dựng thị trường Take-Home và thị trường To-Go.
Đối với chuỗi F&B Chuk Chuk, KIDO sẽ tiếp tục tìm kiếm những vị trí phù hợp tại TP HCM và các tỉnh/thành phố để phát triển, dự kiến trong năm nay sẽ mở 100 cửa hàng. Dự kiến trong 5 năm tới, công ty sẽ có 1.000 cửa hàng. Theo kế hoạch tới tháng 5, Chuk Chuk sẽ có mặt ở các tỉnh phía bắc, ông Trần Lệ Nguyên tiết lộ.
Ngoài ra, Tập đoàn sẽ tiếp tục đàm phán với các đối tác tiềm năng để từng bước đưa Chuk Chuk vươn ra thế giới, trước mắt là thị trường Châu Á.
Về mảng bánh kẹo, Tập đoàn tiếp tục cho ra mắt các sản phẩm mới theo xu hướng, từng bước khẳng định vị trí trong mảng bánh kẹo Việt với ba mũi nhọn: Bánh tươi, bánh Tây, bánh quà biếu phục vụ lễ hội,...
Bên cạnh những ngành hàng chủ chốt vốn đã được xem là thế mạnh cốt lõi của KIDO, trong năm mới tập đoàn sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm/ngành hàng mới trong lĩnh vực thực phẩm thiết yếu như nước chấm, gia vị, sản phẩm snacking, các loại thức uống dinh dưỡng…
*Thảo luận:
Câu hỏi: Cơ cấu doanh thu ngành hàng kem, dầu ăn và snacking là bao nhiêu trong năm 2021?
Trong năm 2021, tổng doanh thu thuần là 10.497 tỷ, trong đó mảng dầu ăn là 8.900 tỷ, chiếm 85% tổng doanh thu. Ngành kem thu về 1.522 tỷ, snacking 70 tỷ đồng. Năm 2022, công ty đẩy mạnh tỷ trọng snacking, đặc biệt là ngành bánh, song mảng dầu vẫn chiếm chính với tham vọng đưa ngành dầu dẫn đầu thị trường.
Câu hỏi: Chiến lược của KIDO để kiểm soát giá nguyên vật liệu tăng?
KIDO có nghiệp vụ để dự đoán tình hình thế giới và trong nước để đảm bảo giá cả, nguồn nguyên liệu nhằm tối ưu hóa chuỗi nguyên vật liệu trong điều kiện cực kỳ biến động của thế giới.
Bên cạnh đó Tập đoàn xem xét tiết kiệm chi phí và cơ cấu lại thị trường để bù đắp một phần tăng giá của nguyên vật liệu, đồng thời gia tăng kênh bán hàng để đảm bảo doanh thu trong năm 2022 này.
Câu hỏi: Thị phần dầu ăn của KIDO năm 2021? Triển vọng ngành dầu thực vật trong các năm tới?
Thị phần dầu ăn của KIDO đã tăng từ 30% lên 39% trong năm qua, trong bối cảnh vĩ mô cực kỳ khó khăn.
Về triển vọng, dầu ăn là ngành được quốc gia quản lý, rất thiết yếu với con người. Theo báo cáo của Tổ chức WHO, mức tiêu thụ của mỗi người là 13,5 kg/năm thì mới đảm bảo sức khỏe, song ở Việt Nam là 11 kg/người/năm. Do đó dư địa còn rất lớn, khi mà xã hội đang phát triển. Công ty tin tưởng đủ khả năng tạo ra các sản phẩm giàu sức khỏe để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Câu hỏi: Tại sao Tập đoàn không hoán đổi tỷ lệ TAC như đã từng làm với CTCP Thực phẩm Đông lạnh KIDO (KDF)?
Hiện giờ bản thân KIDO đã nắm giữ TAC trên 92% rồi. Những cổ đông nhỏ còn lại, KIDO đã ký kết hợp đồng với Chứng khoán Rồng Việt. Với tất cả quyền lợi của các cổ đông nhỏ, khi nào họ muốn giao dịch thì Rồng Việt sẽ mua lại hết cổ phiếu của họ.
Ông Nguyên trấn an cổ đông nhỏ cứ an tâm và vẫn sẽ được giao dịch cho đến khi Tập đoàn mua hết 100% TAC thì thôi.