Sáng ngày 28/6/2022, Tổng công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines (HoSE: HVN) đã tổ chức thành công kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. Tại Đại hội, các cổ đông của Vietnam Airlines đã thảo luận và biểu quyết thông qua các nội dung quan trọng như kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022 cùng đề án cơ cấu lại TCT giai đoạn 2021 – 2025.
Năm 2021, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong nước và trên thế giới đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn ngành hàng không, nhu cầu hành khách nội địa và quốc tế sụt giảm mạnh. Trước hoàn cảnh có nhiều khó khăn, bất lợi, Vietnam Airlines đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp nhằm gia tăng nguồn thu, cắt giảm chi phí, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Kết quả, doanh thu hợp nhất năm 2021 của Vietnam Airlines mức 29.752 tỷ đồng, lỗ hợp nhất trước thuế thấp hơn 1.339 tỷ đồng so với số lỗ kế hoạch đã báo cáo ĐHĐCĐ. Sang năm 2022, Vietnam Airlines đặt kế hoạch doanh thu năm 45.252 tỷ đồng, tăng 57,38% so với năm trước, lỗ sau thuế 9.335 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Vietnam Airlines, năm 2022, sau khi Chính phủ triển khai thành công chiến dịch tiêm chủng vắc xin, dịch bệnh trong nước từng bước được kiểm soát, hoạt động vận tải hàng không được khôi phục dần cùng với tốc độ mở cửa kinh tế và kết nối giữa các quốc gia. Đối với thị trường hàng không nội địa, khách nội địa của Vietnam Airlines vượt 7,7% so 2019.
Còn về thị trường quốc tế, 06 tháng đầu năm 2022, Vietnam Airlines đã khai thác trở lại đến 14 quốc gia, vùng lãnh thổ. Hôm 15/6, hãng đã mở thêm đường bay mới đến Ấn Độ. Tổng số đường bay quốc tế đang khai thác đạt 35 đường bay, bằng 53% so 2019. Từ tháng 7/2022, Vietnam Airlines sẽ nâng số đường bay quốc tế lên 39 đường bay, bằng 60% so 2019. Đến tháng 07/2022, Vietnam Airlines sẽ nối lại đường bay Indonesia.
Tuy nhiên, căng thẳng Nga – Ukraine bùng phát, dẫn tới giá dầu thế giới leo thang, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới tốc độ phục hồi của các nền kinh tế sau hai năm chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Vietnam Airlines dự kiến tình hình SXKD sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của giá nhiên liệu tăng mạnh.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về nguy cơ bị hủy niêm yết, ông Trần Thanh Hiền, kế toán trưởng của Vietnam Airlines cho biết thị trường đang phục hồi mạnh mẽ nhưng di chứng của hơn 2 năm Covid rất nặng nề, lỗ lũy kế đến năm 2021 của VNA xấp xỉ 1 tỷ USD, mức lỗ này ảnh hưởng đến vốn chủ, dòng tiền là rất lớn, cần thời gian dài để hồi phục.
VCSH vào cuối năm 2021 chỉ hơn 500 tỷ và đến quý 1 đã âm vốn chủ. VNA nhận thức được nguy cơ này và đã xây dựng 2 đề án lớn, 1 là đề án cơ cấu lại VNA 2021 – 2025 và 1 đề án tổng thể về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho VNA. Trong đề án có rất nhiều giải pháp hỗ trợ để VNA tăng thu nhập, tăng vốn để có thể thoát được âm vốn, có thể thoát được cả lỗ lũy kế 3 năm liên tiếp. ban lãnh đạo kỳ vọng đề án sớm được chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền xem xét phê duyệt hỗ trợ.
Trong đề án tái cơ cấu năm 2021 - 2025, ban lãnh đạo cũng đã có kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn chủ sở hữu trong giai đoạn 2022 - 2023.
Về nguồn tiền duy trì hoạt động, nhờ thị trường phục hồi nhanh, dòng tiền của VNA được cải thiện rất nhanh, rất mạnh mẽ, hiện nay dòng tiền thu bình quân ngày của VNA đã đạt 80% trước đại dịch. VNA đang xây dựng 1 phương án điều hành dòng tiền năm 2022 và đảm bảo uy tín, khả năng thanh toán, đảm bảo hoạt động liên tục, không có sự khó khăn về dòng tiền. Ngoài việc thị trường phục hồi, Vietnam Airlines đã đạt được thỏa thuận rất tích cực với các nhà cung ứng, các bên chủ nợ để giãn chế độ thanh toán.
Giải thích nguyên nhân vì sao doanh thu kế hoạch tăng mạnh lên 45.000 tỷ nhưng mức lỗ không giảm nhiều. Ban lãnh đạo cho biết nguyên nhân chủ yếu do giá nhiên liệu, VNA dự kiến giá nhiên liệu bình quân cả năm nay là 138-140 USD/thùng, gần như gấp đôi 2021. Nhiều hãng hàng không quốc tế vì giá nhiên liệu phải dừng bay, giảm bay.
Theo ông Hiên, doanh thu tăng, sản lượng tăng, chi phí cũng tăng. Nhưng chi phí nguyên liệu tăng đột biến khiến VNA phải gánh hậu quả là lỗ không giảm đi được. Nếu thị tường tốt như hiện tại, giá nhiên liệu chỉ 80 USD, thì mức lỗ tối đa chỉ 3000 – 4000 tỷ thôi.
Yếu tố thứ hai là ảnh hưởng do các yếu tố tài chính khác về tỷ giá, lãi suất; yếu tố xung đột giữa Nga- Ukraina. Với tất cả các yếu tố đó, VNA đã tính toán xây dựng giải pháp quản trị rủi ro trong kế hoạch báo cáo ngày hôm nay.
Về khó khăn liên quan đến tái cơ cấu Pacific Airlines, phía VNA đã chủ động tìm kiếm xây dựng nhà đầu tư tiềm năng, và các giải pháp. TCT đã thuê định giá, thực hiện các giải pháp về tài chính để xem xét giá trị của công ty. Tuy nhiên có rất nhiều vướng mắc liên quan đến chuyển nhượng vốn đối với các doanh nghiệp cổ phần chi phối của nhà nước.
VNA đã làm việc với các cơ quan có liên quan, thế nhưng khi đi vào cụ thể thì có rất nhiều vướng mắc. Bởi vì Pacific là doanh nghiệp đang lỗ lũy kế, VNA đang bị vướng về cơ chế, quy trình chuyển nhượng 1 khoản đầu tư bị lỗ như thế. Hiện nay, VNA đang báo cáo với các cấp có thẩm quyền để xin cơ chế để vận dụng các quy định của nhà nước qua đó VNA có thể thực hiện lựa chọn nhà đầu tư trên tinh thần công khai, minh bạch, được sự chấp thuận và tuân thủ các quy định pháp luật.
Đề án tái cơ cấu năm 2021 - 2025
Trong năm 2022 và các năm tiếp theo, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục tập trung thực hiện kế hoạch triển khai tái cơ cấu toàn diện sau khi Đề án Tái cơ cấu TCTHK được cấp có thẩm quyền và ĐHĐCĐ thông qua, trong đó, chủ yếu tập trung triển khai các giải pháp từ nội lực của doanh nghiệp như tái cơ cấu tài sản, đội tàu bay, tái cơ cấu danh mục đầu tư, tái cơ cấu nguồn vốn…
Cụ thể, VNA sẽ giãn, hoãn tối đa thời hạn thanh toán và giảm giá tiền thuê; Đẩy lùi lịch nhận các máy bay mới (B787-10, A320NEO); Hủy 50% tổng số hợp đồng các máy bay chưa nhận. Ngoài ra, dự kiến từ năm 2022, Tổng công ty sẽ chuyển đổi cấu hình 2 máy bay A321 thành A321 Freighter theo hình thức bán và thuê lại 2 máy bay này.
Bên cạnh đó, VNA dự kiến sẽ thực hiện bán và cho thuê lại (SLB) 02 tàu bay A321 CEO cũ và 02 động cơ dự phòng trong năm 2022. TCT đặt kế hoạch thực hiện SLB 12 tàu bay thân hẹp và 02 động cơ dự phòng nằm trong Dự án mua tàu bay thân hẹp vào năm 2025.
TCT có kế hoạch sẽ phát hành thêm cổ phần tăng vốn trong giai đoạn 2022-2023 và cân nhắc tiếp tục tăng vốn trong năm 2024-2025 trường hợp ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài. Đồng thời, TCT sẽ triển khai huy động nguồn vốn từ bên ngoài thông qua: phát hành trái phiếu trong nước hoặc ra quốc tế trong 2 năm 2023-2024 theo hình thức phù hợp và khả thi (phát hành riêng lẻ hoặc ra công chúng), vay thương mại từ các tổ chức tín dụng trong nước, vay tín dụng xuất khẩu...
Bên cạnh đó, TCT sẽ thực hiện tái cơ cấu các khoản nợ vay dài hạn hiện có, giãn hoãn trả nợ vay sang các năm sau, xây dựng và triển khai phương án vay ngắn hạn trong khuôn khổ chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ.
Về kế hoạch tái cơ cấu danh mục đầu tư và các DNTV thông qua, VNA sẽ chuyển nhượng toàn bộ vốn đã đầu tư tại nhóm DN đa ngành nghề, ít liên quan trực tiếp đến VTHK để tập trung vào lĩnh vực VTHK và các dịch vụ đồng bộ trong dây chuyền VTHK; Triển khai phương án tái cơ cấu một phần vốn của TCT tại một số DN hoạt động trong chuỗi cung ứng dịch vụ VTHK để cải thiện dòng tiền, từng bước xóa lỗ lũy kế và tạo nguồn vốn đầu tư phát triển cho Công ty Mẹ
Đồng thời triển khai cổ phần hóa một số DNTV khi kịch bản phục hồi ngành HK diễn biến xấu hoặc TCT cần bổ sung nguồn lực để tăng cường năng lực cạnh tranh mà không thể bố trí nguồn lực tài chính cho DN; Thành lập mới DN trong đó chú trọng vào các lĩnh vực phục vụ khách hàng, Logistic và du lịch, các lĩnh vực gắn với nền tảng dữ liệu khách hàng, các lĩnh vực dịch vụ đồng bộ gắn với sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành.