Bất động sản

Đề xuất thanh toán chuyển nhượng bất động sản qua ngân hàng: Minh bạch nguồn tiền đầu tư

PGS.TS Đinh Trọng cho rằng, nếu bổ sung quy định này sẽ từng bước góp phần chặn tình trạng khai 2 giá (giá mua bán thực tế cao hơn trên hợp đồng công chứng) để né thuế. Cùng với đó, cơ quan chức năng phải làm nghiêm và xử phạt nặng trường hợp văn phòng công chứng, công chứng giá chuyển nhượng bất động sản thấp hơn giá trị thực. Từ đó, từng bước tránh thất thu thuế trong chuyển nhượng bất động sản.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), cách đây 10 năm hiệp hội cũng đã kiến nghị như vậy gửi Bộ Xây dựng góp ý Đề cương Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); trong đó có đề xuất người mua bất động sản phải thanh toán qua ngân hàng, nhằm thi hành một số điều của Luật Phòng chống rửa tiền.

Chủ tịch HoREA cho rằng quy định bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng với giao dịch nhà đất là hợp lý. Chuyển tiền chuyển nhượng bất động sản qua ngân hàng sẽ từng bước góp phần chặn tình trạng kê khai giá nộp thuế thấp hơn giá trị thực để né thuế, góp phần giúp chống thất thu thuế, chống rửa tiền và minh bạch thị trường. Từ đó cũng có thể góp phần hạn chế tình trạng thổi giá, lũng đoạn gây bất ổn thị trường như thời gian qua.

Cùng với quy định chuyển nhượng bất động sản phải thanh toán qua ngân hàng, ThS. Trần Thị Mơ,  Khoa Thuế - Hải quan, Đại học Tài chính - Marketing cho rằng, cơ quan thuế các cấp cần thực hiện tốt hơn các biện pháp đã thực hiện như thu thập chứng cứ xác minh giá chuyển nhượng như xác minh với các văn phòng công chứng về hợp đồng đặt cọc, hợp đồng khác giá khai thuế, phụ lục hợp đồng với giá điều chỉnh, vay để mua bất động sản...

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý thuế chủ động phối hợp cung cấp cơ sở dữ liệu mà người nộp thuế đã kê khai thuế trong trường hợp có phát sinh biến động về giá cao hơn giá UBND đã ban hành (bao gồm cả hệ số điều chỉnh giá đất) cho cơ quan tài nguyên môi trường, để cơ quan này phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát và kịp thời tham mưu cho UBND cấp tỉnh quyết định ban hành bảng giá đất, cũng như hệ số điều chỉnh giá đất sát với giá giao dịch thực tế trên thị trường theo quy định của pháp luật.

TS. Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, tình trạng khai 2 giá chỉ có thể được chấm dứt khi Nhà nước có những cơ quan tư vấn giá, hay cung cấp các dịch vụ tư vấn giá, thẩm định giá cũng như điều tra giá độc lập.

Thời gian qua hiện tượng các tổ chức, cá nhân mua bán, chuyển nhượng bất động sản ghi 2 giá diễn ra khá phổ biến đã và đang gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng đã phải thừa nhận, có sự trốn thuế và có sự trục lợi về thuế chuyển nhượng bất động sản.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, đây là lỗ hổng làm thất thoát tiền thuế của nhà nước, Bộ Tài chính đã có văn bản đôn đốc Tổng cục thuế, Chi cục thuế các địa phương có văn bản chỉ đạo để chống thất thu trong lĩnh vực bất động sản. Bộ Tài chính hướng dẫn theo hướng nếu kê khai giá thấp thì tính theo bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, theo Luật Đất đai, bảng giá đất sẽ ban hành 5 năm một lần, trong thời gian này UBND các tỉnh phải ban hành hệ số sử dụng đất để điều chỉnh giá đất. Vì vậy, bảng giá đất và hệ số điều chỉnh chính là giá đất để thu thuế bất động sản, điều này không sai pháp luật, hoàn toàn đúng pháp luật và đúng với Nghị định 14 về phương pháp hệ số xác định đúng thời điểm.

Theo Bộ Tài chính 5 tháng đầu năm 2022, kết quả thu từ thuế thu nhập cá nhân của hoạt động chuyển nhượng bất động sản dự kiến đạt 16.000 tỷ đồng, tăng 68,6% so với cùng kỳ năm 2021, tương ứng tăng 6.600 tỷ đồng.

Để chống thất thu thuế chuyển nhượng bất động sản, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, sắp tới Bộ sẽ đề nghị các địa phương xây dựng hệ số điều hành, dữ liệu về mua bán bất động sản để tăng cường minh bạch trong thu thuế chuyển nhượng bất động sản.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm