Ngân hàng Nhà nước cho biết đang xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ cho bốn ngân hàng thương mại Nhà nước - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Thực hiện yêu cầu của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước vừa có báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Một nội dung đáng quan tâm là việc tăng vốn điều lệ đối với các ngân hàng thương mại Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước cho biết đang phối hợp các bộ, ngành liên quan xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) từ nguồn ngân sách nhà nước.
Đối với việc tăng vốn điều lệ của Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét, có ý kiến về việc phân phối lợi nhuận năm 2021 để làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền xem xét tăng vốn điều lệ cho ba ngân hàng này.
Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm đã chỉ đạo 4 ngân hàng thương mại nhà nước triển khai các phương án bổ sung vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính.
Agribank đã được Bộ Tài chính cấp bổ sung 3.500 tỉ đồng vốn điều lệ. VietinBank đã chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thêm 10.824 tỉ đồng sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án.
Vietcombank đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ phần lợi nhuận còn lại năm 2019, tổng vốn điều lệ tăng thêm là 10.237 tỉ đồng.
BIDV đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước thông qua chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại giai đoạn 2018-2020, tổng số vốn điều lệ tăng thêm là 10.365 tỉ đồng.
Riêng việc tăng vốn đối với các ngân hàng thương mại cổ phần, trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với 15 ngân hàng thương mại cổ phần. Việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng này chủ yếu là từ nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng là lợi nhuận để lại và các quỹ dự trữ.
Về nhiệm vụ từ nay đến năm 2023, Ngân hàng Nhà nước báo cáo triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.
Trong đó, tập trung xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, giám sát và kiểm soát chặt chẽ việc phát sinh nợ xấu; tăng cường kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp... kịp thời phát hiện dấu hiệu rủi ro, vi phạm để có biện pháp xử lý kịp thời, đồng thời, thực hiện tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại Nhà nước theo đúng quy định.