Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) tại phiên họp 26 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 20/9, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, thực tiễn cho thấy tình hình vi phạm hành chính đang diễn ra rất phức tạp trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm, quảng cáo ở Thủ đô, đòi hỏi phải có giải pháp thích hợp để tăng tính răn đe, phòng ngừa.
Do vậy, dự thảo đã bổ sung 3 lĩnh vực mà HĐND thành phố Hà Nội được quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định.
Cụ thể, Điều 34 quy định HĐND thành phố Hà Nội quy định mức tiền phạt cao hơn trên toàn địa bàn thành phố nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định và không vượt quá mức phạt tối đa của từng lĩnh vực theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong các lĩnh vực văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, Điều 35 còn quy định áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng quy định này là chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về các quyền cơ bản của công dân, trong đó có quyền bình đẳng trước pháp luật.
Thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới cho biết, biện pháp “cắt” điện, nước đã từng được thảo luận và có ý kiến khác nhau khi xem xét Luật Xử lý vi phạm hành chính. Khi Quốc hội bấm nút thông qua luật thì quyết định không quy định vì liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Do vậy, ông Lê Tấn Tới đề nghị ban soạn thảo dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) nghiên cứu thêm.
Quan tâm vấn đề xây dựng, phát triển, quản lý, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, thực tế phát triển thủ đô thời gian qua, nhất là sau khi sự kiện đau lòng cháy chung cư mini tại Khương Hạ, Thanh Xuân, việc tồn tại hơn 2.000 nhà riêng lẻ khác kiểu chung cư mini cho thấy định hướng xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội có phần khó kiểm soát ngay cả khi Luật Thủ đô được ban hành 2012, tức cách đây 10 năm, thậm chí trước đó đã có Pháp lệnh Thủ đô năm 2000”
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, đó là hệ lụy tập trung dân cư quá đông trong khu vực nội thành, đi kèm với đó là công tác quản lý chưa nghiêm. Vấn đề di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, giáo dục, sự nghiệp công lập, trụ sở cơ quan bộ ngành thuộc thẩm quyền quản lý của các cơ quan Trung ương và thành phố đã đặt ra từ rất lâu, tuy nhiên công tác triển khai rất chậm chạp.
Một số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, với vị trí là Thủ đô, Hà Nội cần có cơ chế vượt trội, đột phá và nên phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho thành phố quyết định. Ví dụ như tiêu chuẩn, quy chuẩn, trong đó có lĩnh vực quy hoạch, xây dựng ở Hà Nội cần cao hơn so với tỉnh, thành khác