Vì sao chỉ 1 bình chữa cháy trong hầm chung cư được sử dụng?
Ngày 19/9, Viện khoa học hình sự Bộ Công an đã có bản kết luận giám định nguyên nhân vụ cháy tại số nhà 37 ngõ 29/70, phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân.
Theo kết luận giám định, điểm xuất phát cháy nằm ở khu vực giáp tường phía Nam, cách tường phía Đông khoảng 2,3m thuộc tầng 1 bên trong khu nhà ở nhiều căn hộ.
Nguyên nhân gây cháy được xác định do chập mạch điện trên đường dây dẫn diện tại khu vực bình ắc quy thuộc phần đầu xe mô tô sử dụng động cơ xăng (loại xe tay ga) đặt giáp tường phía Nam tầng 1 gây ra hỏa hoạn.
Cũng theo kết luận giám định, lửa sau đó cháy lan vào khu vực cáp điện, các hộp công tơ điện gắn trên tường ở tầng 1 và cháy lan ra xung quay dẫn đến vụ hỏa hoạn làm 56 người chết.
Trong 4 bình chữa cháy gửi giám định có 3 bình chưa được sử dụng, 1 bình đã được sử dụng, thông báo từ Công an Hà Nội cho biết.
Theo lời kể của ông Ngô Phó Điền, bảo vệ chung cư mini, lúc 23h ngày 12/9 ông đang trực thì phát hiện ổ điện ở tầng một bốc cháy. Đi kiểm tra ông thấy từ khu vực bảng điện gần những chiếc xe máy bốc khói đen, rồi bùng phát thành đám cháy nhỏ, cỡ bằng bàn tay.
Lập tức, ông Điền hô hoán mọi người và mang bình cứu hỏa ra để chữa cháy. Tuy nhiên, khi ông cố gắng dùng bình cứu hỏa để dập lửa thì càng lúc ngọn lửa lại càng dữ dội, sau đó lan ra làm những chiếc xe máy tại tầng 1 bốc cháy, khói lửa lúc này bao trùm cả căn nhà.
Vậy những nguyên nhân nào khiến đám cháy bùng phát nhanh và không thể sử dụng các bình chữa cháy tiếp theo để khống chế?
Đám cháy mới bùng phát có thể nhỏ, nhưng chiếc xe máy lại nằm sát hệ thống dây điện trong hầm xe, gây cháy lan và chập điện nhanh... Chập điện có thể là nguyên nhân khiến ngọn lửa bùng phát nhanh.
Trong khi đó, hầm xe có hàng chục xe máy xếp sát nhau, xe điện xếp lẫn xe xăng trong một phạm vi hẹp, khiến đám cháy lan nhanh và cộng hưởng thành một vụ cháy lớn, nằm ngoài tầm kiểm soát và khi đó cả dụng cụ chữa cháy được trang bị trong hầm có thể không còn phát huy được hết tác dụng.
Cách sử dụng các loại bình cứu hoả đúng cách
Cảnh sát PCCC và CNCH báo cáo cách xử lý khi xảy ra cháy do chập điện trong mỗi gia đình trình tự như sau:
Bước 1: Khi phát hiện ra đám cháy phát sinh từ các thiết bị điện, phải lập tức ngắt cầu dao điện của khu vực đang xảy ra cháy hoặc ngắt điện cầu giao tổng của toàn bộ ngôi nhà.
Bước 2: Nhanh chóng sử dụng bình chữa cháy xách tay (bình chữa cháy dạng khí, dạng bột …) để dập lửa, hoặc sử dụng chăn, quần áo, rèm cửa… nhúng nước che phủ bao trùm toàn bộ diện tích thiết bị điện đang cháy (chú ý tuyệt đối không được sử dụng nước để dập cháy khi chưa cắt điện hoàn toàn).
Bước 3: Trong mọi trường hợp khi có cháy nổ xảy ra, phải gọi điện báo ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH theo số điện thoại 114 để được hỗ trợ.
Tuy nhiên, mỗi loại phương tiện bình chữa cháy lại có các tính năng khác nhau, phù hợp với đám cháy khác nhau, do đó người dùng cần hết sức lưu ý, cụ thể:
Bình CO2 - chuyên chữa cháy chất lỏng (xăng, dầu, cồn), chữa cháy khí (methan, gas) và thiết bị điện. Trên bình thường ghi rõ CO2, hoặc MT2, MT3, MT5
Đặc điểm của loại bình này là có tác dụng làm loãng đám cháy, do đó không thể chữa ngoài trời mà chỉ chữa trong nhà. Nhưng do đặc tính CO2 gây ngạt, nên cũng không thể để bình chữa cháy trong phòng kín có người ở.
Ngoài ra, khi CO2 được phun ra sẽ có nhiệt độ rất lạnh là -73 độ C, đo đó người sử dụng không được phun trực tiếp vào người khác, hoặc cầm vào loa bình, vì sẽ bị bỏng lạnh.
Bình CO2 cũng không được sử dụng để chữa các chất cháy mà trong đó có gốc là kim loại kiềm, kiềm thổ (như nhôm, chất nổ đen...), vì sẽ làm đám cháy mạnh hơn.
Bình bột: Có nhiều loại khác nhau, để chữa các vật liệu cháy có đặc tính khác nhau, được ký hiệu lần lượt là A (chữa cháy chất rắn), B (chữa cháy chất lỏng), C (chữa cháy chất khí) và D hoặc E (chữa cháy điện).
Ví dụ, nếu bình ghi BC sẽ dập được đám cháy chất lỏng hoặc chất khí, bình ABC dập được ba loại cháy là chất rắn, lỏng, và khí. Riêng loại ABCE có thể chữa cháy cả thiết bị điện.
Đặc điểm nổi bật của loại bình bột là khi dập xong đám cháy dễ bùng phát lại, do đó người dập lửa phải kiểm tra kỹ.
Bình bột cũng tuyệt đối không được dùng để phun vào các thiết bị điện tử, thiết bị công nghệ cao như máy tính, vì bột có thành phần muối, sẽ làm hư hại thiết bị.
Cát: Dùng tốt trong việc dập cháy do chất lỏng, để ngăn ngừa chất lỏng lan ra (như cháy xăng dầu)
Chăn bông: Chăn bông tẩm nước rất hữu dụng trong việc bịt các khe hở ngăn khói, hoặc phủ lên người để chạy xuống cầu thang thoát hiểm (người chạy nên bò sát cách mặt sàn 40-60 cm, là nơi luôn có ôxi để thở), hoặc cháy bếp dầu, xe máy.
Nước: Không được dùng nước để cứu hỏa các trường hợp chất lỏng cháy (xăng, dầu), cháy thiết bị điện, hóa chất.