Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan liên quan đề xuất cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được sử dụng vốn nhàn rỗi để đầu tư bất động sản.
Theo HoREA, Điều 98 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 quy định doanh nghiệp bảo hiểm chỉ được sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để đầu tư ở Việt Nam trong các lĩnh vực, trong đó có kinh doanh bất động sản. Tại thời điểm năm 2000 chưa có Luật Kinh doanh bất động sản và do quy mô của thị trường bất động sản và thị trường bảo hiểm lúc bấy giờ còn nhỏ bé.
Khi Luật Kinh doanh bất động sản 2006, 2014 ra đời đã quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã nên dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) lần này đã bãi bỏ quy định về việc cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để kinh doanh bất động sản.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng việc bãi bỏ này là đúng và cần thiết để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời cũng là để đảm bảo an toàn, phù hợp với hoạt động kinh doanh bảo hiểm mà lẽ ra phải bãi bỏ quy định này ngay tại thời điểm ban hành Luật Kinh doanh bất động sản 2006 hoặc Luật Kinh doanh bất động sản 2014 mới hợp lý.
Song, tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/01/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế đã đặt ra các mục tiêu, trong đó đến năm 2035 nguồn vốn huy động cho nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm chiếm 20% - 30% tổng nguồn vốn đầu tư dài hạn; đến năm 2045 nguồn vốn huy động cho nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm chiếm 30% - 50% tổng nguồn vốn đầu tư dài hạn và khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế.
Do vậy, ông Châu đánh giá quy định doanh nghiệp bảo hiểm không được phép đầu tư bất động sản là chưa phù hợp với chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế. Thay vào đó, cần bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế vào Điều 150 Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Chủ tịch HoREA cũng chỉ rõ hai bất cập tại khoản 1 Điều 150. Trong đó, quy định doanh nghiệp bảo hiểm không được phép đi vay để đầu tư chứng khoán, bất động sản hoặc góp vốn vào doanh nghiệp khác có nghĩa doanh nghiệp bảo hiểm vẫn được dùng vốn tự có nhàn rỗi (không phải vốn vay) để đầu tư chứng khoán, bất động sản hoặc góp vốn vào doanh nghiệp khác.
Thứ hai, quy định doanh nghiệp bảo hiểm không được phép đi vay để đầu tư bất động sản đã trùng lặp với nội dung quy định doanh nghiệp bảo hiểm không được phép đầu tư bất động sản. HoREA cho rằng quy định doanh nghiệp bảo hiểm không được phép đầu tư bất động sản là không phù hợp.
HoREA nhận định rất cần thiết cho phép doanh nghiệp bảo hiểm dùng vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ để đầu tư tài chính, đầu tư vốn vào một số lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực bất động sản (nhưng không được thực hiện hoạt động kinh doanh bất động sản), tương tự như nhiều nước cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được đầu tư tài chính.
Bởi lẽ, nguồn vốn bảo hiểm cũng là một nguồn vốn xã hội hóa rất lớn cần được khai thác, sử dụng hiệu quả sẽ bổ sung thêm một nguồn vốn đầu tư, góp phần chia sẻ bớt áp lực cho các tổ chức tín dụng.
Việc cho phép doanh nghiệp bảo hiểm dùng vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ để đầu tư tài chính, đầu tư vốn vào lĩnh vực bất động sản vẫn đảm bảo phù hợp với quy định không cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để kinh doanh bất động sản.
Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp bảo hiểm không được trực tiếp kinh doanh bất động sản mà chỉ được đầu tư vốn, được phân chia lợi nhuận (hoặc chịu lỗ) theo hợp đồng góp vốn đầu tư.
Về mức vốn mà doanh nghiệp bảo hiểm được phép đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, theo HoREA, quy định doanh nghiệp bảo hiểm được sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để đầu tư tài chính, góp vốn vào lĩnh vực bất động sản với mức tối đa 10% đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, tối đa 20% đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là phù hợp