Như Thanh Niên đã thông tin, theo ghi nhận từ các bệnh viện (BV) lớn, có hàng ngàn đơn thuốc được kê mỗi ngày. Với các BV hạng đặc biệt, cao điểm có thể đến 7.000 - 8.000 đơn thuốc/ngày.

Một đơn thuốc ghi tay mà người bệnh rất khó có thể đọc đúng
Ảnh: Bảo Cầm
Theo phản ánh từ một số người bệnh, đơn thuốc viết tay đa phần rất khó đọc hoặc không thể đọc được nếu bác sĩ (BS) viết vội, thiếu nét chữ. Chia sẻ về thực tế đã gặp, chị Nguyệt (39 tuổi, ở Hà Nội) cho biết trong lần đi khám lại sau mổ, chị được BS kê đơn thuốc. Cầm đơn trên tay, sau khi cố gắng suy luận, chị đọc được dòng cuối với chẩn đoán "sau mổ ổn định", nhưng 3 dòng kê đơn thuốc và liều dùng thì chị không thể đọc được. Tuy nhiên, theo chị Nguyệt, dù đơn thuốc khó đọc nhưng khi ra nhà thuốc, chị vẫn mua được đầy đủ.
Một chuyên gia cho hay hiện có gần 250 hoạt chất trong danh mục thuốc không kê đơn, trong số khoảng 20.000 thuốc được cấp số đăng ký. Như vậy, rất nhiều thuốc phải kê đơn. Bộ Y tế đã có quy định về kê đơn thuốc điện tử, liên thông đơn thuốc với hệ thống đơn thuốc quốc gia để giám sát việc hành nghề kê đơn của mỗi BS, đảm bảo tính minh bạch, chính xác.
Trao đổi với Thanh Niên, TS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho hay tại cuộc họp mới đây, ban soạn thảo thông tư về kê đơn thuốc ngoại trú đề xuất thời hạn cuối phải thực hiện đơn thuốc điện tử và liên thông đơn thuốc quốc gia là 30.9.2025, áp dụng với các đơn vị có giường bệnh. Hạn cuối 31.12.2025 với tất cả các cơ sở y tế khác, trong đó có các nhà thuốc, các phòng khám tư nhân. Trước đó, Bộ Y tế đã có quy định hạn hoàn thành đơn thuốc điện tử với các cơ sở điều trị là 30.6.2023. Tuy nhiên, theo thống kê mới nhất của Hội Tin học y tế VN, hiện chỉ có 59% các BV thực hiện kê đơn điện tử và liên thông đơn thuốc quốc gia. Với các trạm y tế, tỷ lệ này đạt 77%. Khu vực y tế tư nhân (các phòng khám đa khoa, chuyên khoa) có tỷ lệ thấp nhất, chưa đến 20%.
"Đọc được chết liền"
"Đọc bài viết Bệnh nhân "bấn loạn" khi đọc đơn thuốc viết tay trên Thanh Niên ngày 14.4.2025 tôi bỗng bật cười, nhớ lại hồi còn nhỏ bị bệnh, cũng được BS cho một toa thuốc. Ba tôi gãi đầu đọc mãi không được, bèn nói: "BS thì giỏi mà chữ viết thì xấu, nên người ta hay nói "Chữ xấu như chữ BS". Nhớ phải học đàng hoàng, mai mốt viết chữ đẹp nghe con". Giờ thì tôi sắp lên chức ông nội rồi, nhưng vẫn còn BS viết toa thuốc mà ai "đọc được chết liền!", bạn đọc (BĐ) Dung Nguyen Anh kể.
Thử đọc đơn thuốc trên ảnh trong bài viết, BĐ Tấn Tường Ngô nhận xét: "Cái này gọi là ký hiệu, không phải chữ viết". BĐ Chi Kim đọc ra là "Ultracet giảm đau và 1 thuốc kháng sinh". BĐ Nguyễn Nhật thì cho biết: "Ultracet và medrol 16 mg. Chữ vậy quá đẹp rồi, còn đọc được nha. Mình trong nghề, nhiều khi phải đoán theo chẩn đoán bệnh"... Đáp lại, BĐ Tí Lê Văn nhận xét: "Kháng sinh gì ở đây? Methyl 16 mg mà". BĐ Bình Bia bình luận: "Nhìn như một công trình toán học tồn tại trăm năm chưa có lời giải"…
Trong khi đó, BĐ Dân Dân lý giải: "Bệnh nhân đọc không ra nhưng người bán thuốc đọc được. Lý do là mỗi loại bệnh có những loại thuốc riêng để điều trị. Người bán chỉ cần nhìn phần chẩn đoán và một vài chữ trong đơn là họ biết tên đầy đủ của thuốc là gì. BĐ Vietroad nói vui: "Toa thuốc dùng cho dược sĩ, miễn sao dược sĩ đọc hiểu là được rồi. Bệnh nhân không có chuyên môn thì cần đọc toa thuốc làm gì?".
Sớm phủ sóng đơn thuốc điện tử
Từ thực trạng đơn thuốc viết tay khó đọc, nhiều BĐ bày tỏ mong muốn sớm hoàn thành thực hiện đơn thuốc điện tử và liên thông đơn thuốc quốc gia. BĐ Trịnh Cường viết: "Nghĩ giờ thì cũng không có quá nhiều BS viết tay kê đơn. Nếu còn thì các BS, BV nên nhanh chóng thay đổi đi cho bà con nhờ. Đã bệnh mà nhìn toa thuốc càng thêm bệnh, thêm nhức đầu". BĐ Triều Khuất cũng bày tỏ: "Để người bệnh yên tâm điều trị, cần có các đơn thuốc điện tử rõ ràng, ai cũng đọc được".
"Rất mong ngành y tế đẩy nhanh việc thực hiện kê đơn thuốc điện tử và liên thông đơn thuốc quốc gia, ở khắp các BV, phòng khám công lập cũng như tư nhân, để phục vụ người bệnh tốt nhất. Đơn thuốc điện tử không chỉ là rõ ràng, dễ đọc… mà trên mỗi đơn thuốc này, theo chuyên gia trả lời trên Báo Thanh Niên, cơ quan quản lý sẽ truy xuất được thông tin chi tiết nguồn gốc đơn; xem được thông tin chi tiết của từng BS kê đơn, tài liệu chứng chỉ hành nghề, cơ sở hoạt động… Từ đó đảm bảo đơn thuốc phát sinh từ cơ sở là đúng, đủ, chính xác, đúng thẩm quyền hành nghề cũng như có công cụ tra cứu truy vết các hình thức kê đơn không phù hợp", BĐ Hoang Van ý kiến.
Tên thuốc thì bằng tiếng Anh, BS thì viết tháu. Chỉ mong bên phát thuốc đoán đúng là bệnh nhân đỡ khổ.
Quang Trần
Vậy chứ đem ra nhà thuốc mà BS chỉ định thì nhân viên bán thuốc đọc được, thế mới lạ!
Minh Tuấn Trần