Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức quản lý tài chính cá nhân, tâm sự của một cô vợ đang là "trụ cột kinh tế trong gia đình" đã khiến nhiều người đồng cảm.
Theo cô chia sẻ, vì chồng đang trả nợ nên hàng tháng, anh chỉ đưa cho cô được khoản 3,5 triệu đồng để góp tiền ăn uống, thuê nhà. Mức lương hàng tháng của cô khoảng 20-25 triệu đồng, tuy nhiên, lương không cố định, nên cô tính trung bình, tổng số tiền (bao gồm tiền lương và tiền chồng đưa) là 24 triệu đồng.
Dù đang phải thuê nhà, và nuôi con nhỏ (em bé 5 tuổi) nhưng hàng tháng, cô vẫn để dành được 4 triệu.
" Chi phí nhà em hàng tháng:
- Tiền thuê nhà và điện, nước, mạng: 5 triệu
- Tiền học của con: 2 triệu
- Tiền đi chợ, tiền mua nhu yếu phẩm: 5 triệu
- Tiền trả nợ của riêng em (nợ của chồng, chồng em tự trả): 2 triệu
- Đưa con đi chơi cuối tuần (đi công viên, khu vui chơi, TTTM,...): 4 triệu
- Tiền thuốc: 1 triệu
- Mỹ phẩm/quần áo/đồ chơi phát sinh: 1 triệu
Tính ra mỗi tháng, em dư 4 triệu. Em đang tính xem nên gom lại mua vàng hay có phương án nào để tăng thêm thu nhập được không. Em thấy nhiều bạn bè hay anh chị chơi chứng khoán, cũng muốn thử nhưng bản thân 2 vợ chồng không có kiến thức, xưa cũng không học kinh tế nên vẫn còn lấn cấn. Mẹ nào có kinh nghiệm chia sẻ giúp em nhé" - Cô viết.
Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người ra sức khuyên cô nên để dành tiền gửi tiết kiệm hoặc mua vàng, tuyệt đối tránh xa việc đầu tư chứng khoán, vì không có kiến thức mà "động vào món này" thì không khác nào chơi với lửa.
Đâu là kênh đầu tư để "tiền đẻ ra tiền" dành cho người chưa có nhiều kinh nghiệm, kiến thức?
Với những người muốn đầu tư nhưng đang "non" về cả kinh nghiệm lẫn kiến thức, anh Gerard Do - Người quản lý hệ sinh thái khởi nghiệp tại Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia, đồng thời là tác giả cuốn sách Nguyên tắc cơ bản trong đầu tư, cho rằng đầu tư chứng chỉ quỹ là lựa chọn phù hợp nhất.
"Có hai trường phái đầu tư là đầu tư là đầu tư thụ động và đầu tư chủ động. Chứng chỉ quỹ là một dạng đầu tư thụ động, được thiết kế dành cho những người chưa biết gì hoặc chưa biết nhiều về thị trường đầu tư.
Bạn có thể hiểu đơn giản rằng chứng chỉ quỹ giống như một cái rổ, trong đó có chứa các mã cổ phiếu nhất định, được chọn lọc bởi các nhà quản lý chứng chỉ quỹ" - Anh Gerard Do giải thích sơ lược về hình thức đầu tư chứng chỉ quỹ.
Hiện tại, có 3 loại chứ chỉ quỹ trên thị trường chứng chỉ quỹ mở:
- Chứng chỉ quỹ cổ phiếu (chỉ đầu tư vào cổ phiếu). - Chứng chỉ quỹ trái phiếu (chỉ đầu tư vào trái phiếu). - Chứng chỉ quỹ cân bằng (đầu tư vào cả cổ phiếu và trái phiếu).
Vậy tại sao chứng chỉ quỹ lại là kênh đầu tư phù hợp nhất với nhà đầu tư F0 - những người chưa có nhiều kiến thức, kinh nghiệm trên thị trường? Với thắc mắc này, anh Gerard Do giải đáp như sau.
"Có 3 lý do để chứng chỉ quỹ trở thành kênh đầu tư lý tưởng cho F0.
Lý do thứ nhất: Mua chứng chỉ quỹ giúp bạn tiết kiệm về chi phí và thuế. Bạn càng đưa ra nhiều quyết định giao dịch và hoán đổi danh mục đầu tư, lợi nhuận của bạn càng bị bào mòn bởi phí giao dịch và tiền thuế khi bán cổ phiếu, mà cũng chưa chắc các quyết định đó có thực sự hiệu quả hay không. Các khoản phí và thuế này có vẻ nhỏ trong ngắn hạn, nhưng sẽ tích tụ lãi kép qua thời gian và sẽ ăn mòn 1 phần không nhỏ vào tổng lợi nhuận.
Lý do thứ hai: Mua chứng chỉ quỹ giúp giảm thiểu tối đa sai lâm trong đầu tư. Bạn càng đưa ra nhiều quyết định mua bán, giao dịch cổ phiếu, cơ hội để bạn mắc sai lầm càng cao. Lựa chọn công ty để đầu tư chưa bao giờ là một việc dễ dàng. Nếu kiến thức chưa đủ vững, bạn nên đầu tư chứng chỉ quỹ, vì danh mục đầu tư đã được cái chuyên gia/nhà quản lý chứng chỉ quỹ đánh giá, chọn lọc giúp cho bạn rồi.
Lý do thứ ba: Mua chứng chỉ quỹ không tốn nhiều thời gian và công sức. Đây là một ưu điểm rất lớn với những người quá bận rộn, không có nhiều thời gian quan sát, nghiên cứu thị trường".
Việc đầu tư chứng chỉ quỹ cũng giống như việc mua vàng, mỗi tháng, bạn dành một ít vốn và mua đều hàng tháng trong tối thiểu 1 năm. Nếu làm được như vậy, anh Gerard Do khẳng định thành quả mà bạn gặt hái được sẽ rất lạc quan.