Bất động sản

Nhà đầu tư ồ ạt sang nhượng ‘cắt lỗ’ homestay

Bán cắt lỗ để thu hồi vốn

Chị Nguyễn Thị Lan (chủ một homestay ở Ba Vì, Hà Nội) cho biết, homestay rộng hơn 500 m2 được gia đình chị tâm huyết, nhưng trong dịch Covid-19, tình hình kinh doanh khó khăn, lượng khách sụt giảm trầm trọng. Gần nửa năm nay, chị Lan cắt giảm nhân viên, đóng cửa homestay nhằm tiết kiệm chi phí vận hành.

"Tôi rao bán homestay với giá 5 tỷ đồng từ đầu năm 2024 nhưng hiện tại vẫn chưa có khách mua. Vì lý do cá nhân, chịu sức ép về tài chính nên tôi mới cần bán gấp, đã hạ còn 3,5 tỷ đồng", chị Lan nói.

Nhà đầu tư ồ ạt sang nhượng ‘cắt lỗ’ homestay- Ảnh 1.

Loạt homestay rao bán, sang nhượng.

Tìm hiểu của phóng viên trên các trang mua bán nhà đất, bất động sản nghỉ dưỡng cho thấy, nhiều nhà đầu tư gần đây liên tục đăng tải thông tin rao bán, sang nhượng, cắt lỗ homestay với nhiều loại hình và giá bán khác nhau.

Tuy nhiên trao đổi với phóng viên, một môi giới bất động sản tại huyện Ba Vì cho biết, do thị trường bất động sản ảm đạm, người bán thì nhiều nhưng người mua thì ít. Có thể thấy rõ là các homestay quy mô nhỏ giá vài tỉ hiện nay đang được rao bán nhiều trên các diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội nhưng rất ít có các phản hồi tích cực.

Đa phần những người rao bán đều nêu lý do là cần bán gấp, chấp nhận giảm giá sâu do vay mượn ngân hàng để xây dựng, kinh doanh homestay. Nhưng cũng có một thực tế là sau một thời gian vận hành không có lãi nên nhiều chủ đầu tư đang chịu sức ép rất lớn về tài chính.

Đơn cử như tại xã Tiên Phong, huyện Thạch Thất, Hà Nội, một homestay nghỉ dưỡng có diện tích hơn 2.714 m2 đang được rao bán với giá 8 tỷ đồng. Theo sổ đỏ, khu đất bao gồm 125 m2 đất ở; 323,5 m2 đất vườn và 2.266 m2 đất trồng cây lâu năm.

Theo chủ homestay này, lúc chưa có dịch Covid-19, có người trả 10 tỷ nhưng gia đình không bán, giờ cần tiền gấp nên đã giảm 2 tỷ nhưng không dễ tìm người mua.

Theo những môi giới bất động sản, thời điểm hiện tại khu vực này có nhiều khu nghỉ dưỡng đang cần tìm chủ mới, giá rao bán đợt này "mềm" hơn hồi đầu năm.

Thậm chí, tại khu vực xã Yên Bài, Ba Vì có 1 lô đất diện tích 5.000 m2 năm 2023 được rao bán với giá 44 tỷ đồng (tương ứng 8,8 triệu đồng/m2). Tuy nhiên, không có khách mua, năm nay chính chủ lô đất đã mạnh tay giảm 12 tỷ đồng, cắt lỗ xuống còn 32 tỷ đồng (tương ứng 6,4 triệu đồng/m2).

Tại khu vực Sóc Sơn, giá bán các khu nghỉ dưỡng, homestay có phần "nhỉnh" hơn. Theo khảo sát của phóng viên, các khu nghỉ dưỡng khu vực này đang được rao bán với giá dao động 5 - 12 triệu đồng/m2. Chẳng hạn như tại xã Minh Phú, khu nghỉ dưỡng rộng 2.600 m2 đang được rao bán với giá 16 tỷ đồng (tương ứng hơn 6 triệu đồng/m2). Hay khuôn viên quần thể nghỉ dưỡng hồ Đồng Đò thuộc xã Minh Trí đang được rao bán với giá 112 tỷ đồng (tương ứng hơn 9 triệu đồng/m2).

Cần cân nhắc khi đầu tư kinh doanh homestay

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế chia sẻ: Trước đại dịch Covid-19 vẫn ghi nhận là thời điểm vàng để đầu tư vào loại hình này nhưng đến hậu Covid-19, khi chi phí vận hành tăng và nhu cầu đi nghỉ dưỡng giảm dần, nhiều nhà đầu tư buộc phải rút lui, dẫn đến áp lực giảm giá.

Thời điểm đầu năm 2023 thị trường đất nền, trang trại nghỉ dưỡng lao dốc mạnh, thanh khoản ít, tình hình kinh tế khó khăn nên nhiều nhà đầu tư đành rao bán để thu hồi dòng tiền nhưng đến nay vẫn chưa thể tìm được người mua, dù đã chấp nhận giảm giá sâu.

Ông Hiếu cho rằng, thời gian tới, mô hình kinh doanh homestay dự báo sẽ được sàng lọc mạnh, để tối ưu hóa lợi ích khi đầu tư vào phân khúc này, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ về vị trí, hạ tầng và khả năng khai thác thực tế của bất động sản. Đồng thời, việc nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường và xây dựng kế hoạch tài chính bền vững cũng là yếu tố không thể bỏ qua.

Nhà đầu tư ồ ạt sang nhượng ‘cắt lỗ’ homestay- Ảnh 2.

Một homestay ở Ba Vì, Hà Nội.

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng về dài hạn vẫn nhiều tiềm năng lớn, nhưng chỉ dành cho những ai biết cách khai thác hiệu quả. Nhà đầu tư phải thật cẩn thận để không mắc bẫy miếng ngon béo bở và đầu tư phong trào.

Còn giải thích về thực tế người rao bán nhiều mà người mua ít, một chuyên gia nhà đất cho rằng, việc tăng giá nhanh trước đó đã khiến phân khúc đất nền, biệt thự nghỉ dưỡng, villa, homestay... ghi nhận sự trầm lắng, thanh khoản thấp.

Nhiều chủ nhà, khu nghỉ dưỡng đang phải rao bán, có nơi đã phải hạ giá bán để mong sớm thoát hàng nhưng do mức giá còn cao, không phù hợp với nhu cầu thực của phần lớn người dân.

Theo chuyên gia, thị trường giai đoạn này đang hướng tới các phân khúc đáp ứng nhu cầu thực. Những phân khúc có tính đầu cơ cao như đất nền, biệt thự, villa, homestay... đang bước vào quá trình thanh lọc mạnh mẽ.

Một số chủ đầu tư cá nhân đang đẩy mạnh thanh lý tài sản với nhiều mức giá khác nhau, từ những homestay vài tỷ đồng đến những khu vài chục tỷ đồng. Thậm chí, có nhiều lô đất chính chủ thông báo đang rao bán cắt lỗ với lý do quá cần tiền.

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, mô hình kinh doanh nghỉ dưỡng và homestay ở Việt Nam thu hút nhiều nhà đầu tư, nhưng vẫn chưa đạt được tính hệ thống và quy mô lớn. Nhiều nhà đầu tư chỉ chuyển nhượng đất và xây dựng mà thiếu điều kiện hỗ trợ phát triển du lịch bền vững.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm