Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm kinh tế - xã hội của Việt Nam có nhiều sáng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp đã tiếp tục tăng 8,3 %, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,7 %. Đây là năm thứ 8 tiếp tục kiểm soát lạm phát được dưới 4%.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cho biết ngày 26/5, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu đã nâng hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam từ BB lên BB+ với mức triển vọng ổn định, ghi nhận sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ Việt Nam.
Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp nhiều thách thức. Đời sống người lao động, người dân, người nghèo đang gặp nhiều khó khăn do giá cả xăng dầu và một số mặt hàng tăng cao.
Trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp, căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng, tác động không thuận lợi cho quốc gia có độ mở kinh tế lớn như Việt Nam.
Xung đột Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài cùng với các chính sách cấm vận của Nga từ Mỹ, châu Âu đã làm gia tăng khủng hoảng năng lượng, xăng dầu, khí đốt, khủng hoảng nhân đạo và đe dọa an ninh lương thực toàn cầu, gây áp lực đến lạm phát toàn thế giới và nhiều quốc gia.
Để đạt mục tiêu kinh tế tăng trưởng 6-6,5% và kiểm soát lạm phát 4% trong năm 2022, đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị Chính phủ cần xây dựng các giải pháp đồng bộ từ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, trong đó lưu ý đến hai biến số quan trọng là giá xăng dầu và giá lương thực.
Trước mắt, Chính phủ cần ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.
Theo đó, Chính phủ nên sớm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng, trong đó mặt hàng quan trọng nhất là mặt hàng xăng dầu.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách giảm các chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giữ giá bán hàng hóa, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát giá, chống đầu cơ, chống các hành vi té nước theo mưa.
Đồng thời, khuyến nghị các chương trình bình ổn giá tại các địa phương, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Đồng quan điểm, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho rằng Chính phủ cần có biện pháp đảm bảo an ninh năng lượng, kiềm chế bình ổn giá xăng dầu để hạn chế nguy cơ lạm phát.
Cùng với đó phải theo dõi chặt chẽ thị trường giá cả hàng hóa, đặc biệt là vật tư nguyên liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp.
Ngoài ra, đại biểu Ma Thị Thúy cũng tán thành việc thực hiện loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa, góp phần ổn định sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững.
Riêng với ngành nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng hai năm COVID-19, ngành đã làm tốt vai trò trụ đỡ của nền kinh tế dù trải qua nhiều biến động, bấp bênh.
Bên cạnh những mặt tích cực, đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, giá xăng dầu khiến giá vật tư đầu vào, phân bón tăng cao so với bình quân hằng năm. Trong khi, chuỗi giá trị nông sản còn bị hạn chế, chưa thực sự bền vững, tiêu thụ nông sản còn gặp nhiều khó khăn…
Do vậy, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị Chính phủ cần có những chính sách can thiệp kịp thời để bình ổn giá cả vật tư đầu vào như giá phân bón, giá vật tư nông nghiệp, giá xăng dầu…
Đồng thời có những giải pháp kiểm soát gian lận thương mại, nhất là đối với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả.
giải quyết cơ chế, thủ tục cải cách hành chính để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là ba Chương trình mục tiêu quốc gia (gồm Chương trình nông thôn mới, Chương trình xóa đói giảm nghèo và Chương trình thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi).