Trong báo cáo vừa công bố, Chứng khoán Vietcap cho rằng đầu tư công có thể tăng tốc trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chững lại.
Số liệu cho thấy đầu tư công tăng mạnh trong các giai đoạn khó khăn như khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008/2009, bong bóng bất động sản năm 2012, giá dầu thế giới giảm và chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ năm 2015 và dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020.
Vì vậy, Vietcap kỳ vọng đầu tư công gia tăng sẽ là động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn.
Các chuyên gia tại đây khuyến nghị Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư công, bên cạnh việc sử dụng chính sách tiền tệ và các chính sách hỗ trợ, để hạn chế tác động tiêu cực của tình hình kinh tế toàn cầu và tin rằng những nỗ lực gần đây của Chính phủ có thể giúp đẩy nhanh tốc độ giải ngân.
Chỉ trong tháng 3 và tháng 4, Chính phủ đã ban hành một công điện, một chỉ thị và hai quyết định nhằm thúc giải ngân đầu tư công.
Cụ thể, Công điện 123 ngày 10/3 yêu cầu các bộ ngành, cơ quan Chính phủ khẩn trương bố trí vốn, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt đầu tư; Quyết định 235 ngày 14/3 thành lập 5 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; Chỉ thị 8 ngày 23/3 về những nhiệm vụ, giải pháp trọng yếu đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công; và Quyết định 435 ngày 24/4 phân công các thành viên Chính phủ chủ trì đôn đốc làm việc với địa phương.
Tháng 7/2021, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công trong trung hạn 2.870 nghìn tỷ đồng cho giai đoạn 2021 – 2025 (tăng 40% so với tổng mức giải ngân trong giai đoạn 2016-2020). Ngoài ra, tháng 1/2022, Quốc hội đã thông qua gói hỗ trợ gần 35.000 tỷ đồng, dự kiến giải ngân vào năm 2022 và 2023 (tuy nhiên, gói hỗ trợ này mới được giải ngân dưới 25% tính đến tháng 1/2023).
Như vậy, tổng ngân sách đầu tư công trong giai đoạn 2021-2025 sẽ lên đến gần 3.220 nghìn tỷ đồng (tăng 56% so với giai đoạn 2016-2020) và tổng ngân sách cho giai đoạn 2023-2025 ước tính sẽ có thể lên đến gần 2.170 nghìn tỷ đồng (tăng 34% so với giai đoạn 2020-2022).
Theo báo cáo mới công bố của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 5 ước đạt 45.100 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn Trung ương quản lý đạt 8.800 tỷ đồng, tăng 28,4%; vốn địa phương quản lý 36.300 tỷ đồng, tăng 15,8%.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt hơn 177.000 tỷ đồng, bằng 25,5% kế hoạch năm và tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 bằng 24,9% và tăng 10,8%).