Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của CTCP Tập đoàn Nagakawa (mã: NAG) mới đây đã thông qua phương án chuyển niêm yết cổ phiếu NAG từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sang Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE), với mục đích tăng tính thanh khoản của cổ phiếu, nâng cao vị thế của tập đoàn, tạo uy tín và cơ hội thu hút các nguồn vốn đầu tư mới, mang lại lợi ích cho cổ đông.
Hiện vốn điều lệ Nagakawa là gần 316,5 tỷ đồng, tương đương hơn 31,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Toàn bộ số cổ phiếu trên đang được niêm yết và giao dịch tại HNX từ tháng 9/2009.
Đầu tháng 12/2022, cổ phiếu NAG bất ngờ nổi sóng và đạt mức giá đỉnh lịch sử 20.500 đồng/cp vào ngày 10/2 vừa qua, tăng 86% giá trị trong hơn hai tháng. Từ đó đến nay, NAG đang có xu hướng giảm, xuống còn 17.700 đồng/cp (kết phiên 30/5), thấp hơn đỉnh khoảng 16%.
Ai đang sở hữu Nagakawa?
Theo Cáo bạch, tiền thân của Nagakawa là Công ty Liên doanh Nagakawa Việt Nam, được thành lập ngày 22/8/2002 với số vốn pháp định 100 tỷ đồng. Tháng 3/2007, công ty chuyển đổi hình thức sở hữu thành CTCP Nagakawa. Hơn 10 năm sau đó, công ty chính thức chuyển đổi thành CTCP Tập đoàn Nagakawa.
NAG hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, cụ thể là cung ứng các sản phẩm điện lạnh, sản phẩm hàng gia dụng và sản phẩm thiết bị nhà bếp nhập khẩu. Trong đó, sản phẩm điện lạnh chủ lực hiện nay là các sản phẩm điều hoà dân dụng và sản phẩm điều hoà thương mại công suất lớn.
Theo Báo cáo quản trị năm 2022, Nagakawa có hai cổ đông lớn đều là tổ chức, cá nhân có liên quan đến bà Nguyễn Thị Huyền Thương, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty. Đó là Công ty TNHH Phát triển Kinh tế Quốc tế Anh Vũ (AVC); và ông Nguyễn Đức Khả, cựu Chủ tịch HĐQT NAG đồng thời là bố của bà Thương, đang nắm giữ 11,9 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 37,74%. Cá nhân bà Thương cũng đang sở hữu hơn 1,4 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 4,45%.
Các lãnh đạo và người có liên quan khác của công ty sở hữu số lượng cổ phiếu không đáng kể là ông Nguyễn Ngọc Quý, Chủ tịch HĐQT (25.289 cổ phiếu, tỷ lệ 0,08%); bà Huy Thị Dung, Phó Tổng Giám đốc kiêm Kế toán trưởng (39.523 cổ phiếu, 0,1249%); và ông Đào Gia Dũng, chồng Thành viên HĐQT Trương Đào Hải Hà (5.904 cổ phiếu, 0,019%).
Tình hình hoạt động kinh doanh của Nagakawa
Về tình hình hoạt động kinh doanh, Nagakawa đạt doanh thu trên nghìn tỷ đồng mỗi năm đều đặn trong suốt 4 năm vừa qua. Trong đó, năm 2022 ghi nhận doanh thu thuần cao kỷ lục từ khi hoạt động, đạt 1.904 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lãi sau thuế của Nagakawa 2022 lại khá co hẹp khi đạt 23,6 tỷ đồng, tăng trưởng 53% so với năm 2021; song chỉ bằng 1,2% doanh thu.
Về kết quả kinh doanh quý đầu năm 2023, Nagakawa ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng 533,4 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng và các chi phí khác, Nagakawa ghi nhận lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp cao nhất trong lịch sử hoạt động đạt hơn 9,7 tỷ đồng, tăng 16,5%.
Giải trình về kết quả này, NAG cho biết nguyên nhân do năm 2023 các hoạt động truyền thông marketing đã đi vào ổn định và hoạt động có hiệu quả dẫn đến chi phí đầu tư cho chi phí bán hàng của công ty giảm hơn so với năm 2022.
Năm 2023, Nagakawa đặt kế hoạch doanh thu thuần 2.016 tỷ đồng, tăng 6% so với thực hiện năm 2022; lợi nhuận sau thuế 35 tỷ đồng, tăng 48%.