Đau nhức xương khớp toàn thân là tình trạng người bệnh cảm thấy đau nhức xương khớp ở nhiều vị trí trên cơ thể, một số trường hợp có thể kèm theo sưng tấy, đỏ nóng, căng cơ và cứng khớp. ThS.BS Phạm Thị Xuân Thư, Đơn vị Nội Cơ xương khớp, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết nguyên nhân thường gặp gây ra tình trạng này như:
Thoái hóa khớp là rối loạn mạn tính gây tổn thương sụn và phần mềm xung quanh khớp. Triệu chứng đau thường xuất hiện khi vận động và biến mất khi người bệnh nghỉ ngơi.

Thoái hóa khớp gây đau nhiều ở khớp, nhất là khi vận động. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý viêm khớp tự miễn mạn tính, do tổn thương màng hoạt dịch của khớp. Bệnh gây viêm bao hoạt dịch, làm cho các khớp bị sưng, nóng, đỏ và đau. Nếu không can thiệp sớm, người bệnh có nguy cơ bị tàn phế và tổn thương nhiều cơ quan khác như mắt, tim, phổi, da, mạch máu...
Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh lý tự miễn. Triệu chứng có thể xuất hiện ở bất cứ cơ quan nào trong cơ thể. Phần lớn người bệnh cảm thấy mệt mỏi và xuất hiện tổn thương da như ban hình cánh bướm, sưng đau khớp và sốt.
Viêm cột sống dính khớp đặc trưng bởi tổn thương ở khớp cùng chậu, cột sống, các khớp ngoại vi, thậm chí ở cả điểm bám gân. Nếu không được điều trị, theo thời gian, bệnh có thể làm dính cứng khớp và đốt sống, dẫn tới hạn chế vận động, tàn phế.
Gout là bệnh viêm khớp phổ biến. Người bệnh thường bị đau đột ngột, dữ dội ở nhiều vị trí như các khớp đốt bàn ngón chân, ngón tay, đầu gối..., có thể kèm sưng đỏ, gây hạn chế đi lại.
Loãng xương là tình trạng giảm mật độ và chất lượng xương khiến xương giòn hơn, dễ tổn thương, có thể bị gãy dù chỉ chấn thương nhẹ.
Viêm gân là tình trạng gân bị viêm hoặc tổn thương gây đau nhức, đôi khi có thể sưng ở vị trí viêm. Bệnh thường gặp ở các vị trí thực hiện một động tác lặp lại nhiều lần như vai, cổ tay, các ngón tay...
Ngoài các nguyên nhân bệnh lý, đau nhức xương khớp toàn thân có thể xảy do chấn thương, vận động quá sức, sinh hoạt sai tư thế, lạm dụng rượu bia hoặc chất kích thích...

Bác sĩ Thư giải thích kết quả kiểm tra sức khỏe xương khớp của người bệnh. Ảnh minh họa: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Người bệnh nên đi khám khi có triệu chứng bệnh. Bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các cận lâm sàng cần thiết như chụp X-quang, chụp MRI 3 Tesla, đo mật độ xương DEXA, xét nghiệm máu, xét nghiệm dịch khớp... để chẩn đoán đúng tình trạng, tìm ra nguyên nhân gây đau nhức xương khớp toàn thân.
Bác sĩ Thư cho biết phần lớn trường hợp đau khớp kèm sưng đều được kê đơn thuốc chống viêm không steroid. Nếu triệu chứng không cải thiện, bác sĩ có thể tiêm thuốc trực tiếp vào khớp, khoảng 3-4 tháng mỗi lần. Đồng thời, người bệnh có thể được chỉ định tập vật lý trị liệu bằng những bài tập tăng cường sức mạnh cơ xung quanh khớp, ổn định cấu trúc khớp và cải thiện chức năng vận động cho khớp.
Phẫu thuật là lựa chọn điều trị cuối cùng khi các phương pháp trên không hiệu quả. Tùy mức độ hư hại của khớp, bác sĩ có thể phẫu thuật cắt lọc tổn thương, thay khớp bán phần hoặc toàn phần để khôi phục chức năng vận động. Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, người bệnh thường có thể đi lại ngay ngày đầu tiên sau phẫu thuật thay khớp.
Để giảm triệu chứng và phòng ngừa đau nhức xương khớp toàn thân, người bệnh nên quản lý cân nặng để không làm tăng áp lực lên xương khớp. Tập thể dục thường xuyên và vừa sức nhằm duy trì sự linh hoạt cho các khớp, tăng cường sự dẻo dai cho cơ bắp. Ăn uống khoa học để cải thiện tình trạng viêm, tăng cường hệ miễn dịch và sức khỏe toàn diện.
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |