Trong bài viết trên Bloomberg, chuyên gia năng lượng Javier Blas cho biết, trong tháng 7, sản lượng dầu của Nga đã trở lại mức trước khi quốc gia này phát động chiến sự Nga- Ukraine , trung bình khoảng 10,8 triệu thùng/ngày. Tháng 7 là tháng thứ ba liên tiếp Nga phục hồi sản lượng dầu so với mức thấp nhất là 10 triệu thùng vào tháng 4, khi những người mua châu Âu bắt đầu giảm lượng mua để tìm nguồn cung mới.
Hiện nay, hầu hết lượng dầu thô của Nga sẽ được chuyển đến các khách hàng ở Châu Á, trong đó khách hàng lớn nhất là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia khác ở Trung Đông. Trong khi một số lượng dầu khác vẫn đang được cung cấp cho châu Âu trước khi các lệnh trừng phạt ngừng mua dầu qua đường biển từ Nga chính thức có hiệu lực vào đầu tháng 11 tới.
Lúc đầu, Moscow buộc phải bán các loại dầu thô với mức chiết khấu lớn để lôi kéo người mua. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, Điện Kremlin đã lấy lại quyền định giá, tận dụng lợi thế khi thị trường thắt chặt nguồn cung. Dầu thô ESPO là một ví dụ điển hình. Ở mức thấp nhất vào đầu năm nay, dầu thô ESPO đã bán với giá chiết khấu hơn 20 USD thùng. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, dầu thô ESPO đã có giá ngang bằng với dầu Dubai. Dầu thô Urals, mặt hàng xuất khẩu dầu hàng đầu của Nga sang châu Âu, cũng đang chứng kiến phục hồi về giá.
Thậm chí, khi giá dầu thô Brent đang dao động ở mức khoảng 100 USD/thùng và dù Nga đề xuất giảm giá thì Nga vẫn thu về nguồn lợi nhuận khổng lồ. Khi đó, các lệnh trừng phạt năng lượng đối với Nga sẽ phản tác dụng.
Với những ưu thế từ thị trường dầu mỏ, Moscow có thể đủ khả năng hạn chế bán khí đốt tự nhiên cho các nước châu Âu, gây áp lực lên Berlin, Paris và London, những nơi đang chuẩn bị cho việc tăng giá năng lượng bán lẻ và đối mặt với tình trạng thiếu hụt năng lượng trong mùa đông này.
Lợi thế từ dầu mỏ cho phép Nga hạn chế nguồn cung khí đốt cho châu Âu
Các chuyên gia nhận định, khi các lệnh trừng phạt của châu Âu đối với xuất khẩu dầu thô của Nga có hiệu lực từ tháng 11 tới, chính phủ các nước trong khu vực sẽ phải đối mặt với một số lựa chọn khó khăn khi cuộc khủng hoảng năng lượng bắt đầu ảnh hưởng đến người tiêu dùng và các công ty.
Chi phí điện cho các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh dự kiến sẽ tăng cao từ tháng 10 tới. Giá cả ở Anh có khả năng tăng 75%, trong khi ở Đức, một số công ty tiện ích ở các thành phố đã cảnh báo giá dịch vụ sẽ tăng hơn 100%. Các chính phủ phương Tây sẽ phải chịu áp lực ngày càng tăng trong việc chi hàng tỷ USD trợ cấp cho các hóa đơn hộ gia đình.
Đồng thời, sự kết hợp giữa thời tiết lạnh giá, nhu cầu sử dụng năng lượng tăng cao và giá cả leo thang vào cuối năm nay có nguy cơ làm suy yếu sự hỗ trợ của phương Tây đối với Ukraine trong cuộc chiến với Nga.
Hiện tại, các chính phủ châu Âu vẫn kiên quyết trong việc loại bỏ nguồn năng lượng của Nga. Nhưng thực tế cho thấy những khó khăn từ việc trừng phạt Nga đang trực tiếp tác động và gây ra những hệ lụy tiêu cực cho nền kinh tế Châu Âu. Cuộc đấu tranh của châu Âu nhằm chấm dứt sự phụ thuộc vào dầu mỏ, khí đốt và than đá của Nga là một bài học rõ ràng về mức độ bất ổn do mất an ninh năng lượng. Và Nga đang là quốc gia sử dụng "vũ khí" này một cách hiệu quả nhất.