Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tin giả trên không gian mạng là những thông tin sai sự thật được cố ý đăng tải, lan truyền nhằm mục đích không chính đáng, gây hiểu lầm cho người đọc, người xem hoặc những thông tin có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác do không được kiểm chứng, xác minh hoặc bị phóng đại, suy diễn, làm thay đổi bản chất của sự việc, thường xuất hiện dưới dạng tin tức và lan truyền chủ yếu trên mạng xã hội.
Có nhiều dấu hiệu để nhận biết tin giả, như tiêu đề giật gân, thu hút, nội dung thông tin mới lạ, thường đề cập đến một vấn đề nóng đang được nhiều người quan tâm; thông tin không ghi nguồn hoặc nguồn không rõ ràng. Tin giả cũng có thể xuất phát từ những website, tài khoản, kênh nội dung trên mạng xã hội thường xuyên tung tin giả, hoặc từ những trang, tài khoản, kênh không thuộc cơ quan báo chí chính thống hoặc cơ quan nhà nước.
Tại đàm về giải pháp hạn chế tin giả, tin sai sự thật trong khuôn khổ họp báo công bố Chiến dịch Tin, diễn ra ngày 11/10, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử cho biết, hậu quả của việc phát tán tin giả là có thể gây rạn nứt các mối quan hệ; gây ra những phiền toái, phân biệt đối xử, cô lập, xa lánh cho những người liên quan. Thậm chí tin giả làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của bản thân và người khác.
Ông lấy ví dụ về chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 với rất nhiều thông tin sai lệch được phát tán trên Facebook, làm ảnh hưởng đến kết quả bầu cử. Trong nước, năm 2021 cao điểm dịch bệnh, các tin giả liên quan đến Covid-19 khiến nhiều người đổ xô đi gom hàng, di chuyển khỏi nơi ở làm cho tình trạng lây la1n bệnh càng nghiêm trọng.
Ông Do khuyến cáo người dùng cần xem xét nguồn tin, kiểm tra tác giả; kiểm tra thông tin, hình ảnh minh họa và đường dẫn liên kết; kiểm tra thời gian. Song song, người dùng cần đọc toàn bộ nội dung, tìm những điểm nghi ngờ, mâu thuẫn; đối chiếu với những thông tin trên báo chính chính thống hoặc tham khảo ý kiến chuyên gia hoặc các cơ quan chức năng.
"Để tránh bẫy tin giả, mỗi người cần được trang bị bộ lọc tức là kỹ năng số để đảm bảo an toàn trên không gian mạng", vị lãnh đạo nói thêm.
Do đó, người dùng không tin ngay vào cả mọi thứ thấy trên mạng; suy nghĩ hai lần trước khi chia sẻ, đăng tải hoặc bình luận video, hình ảnh, tin tức trên mạng. Bạn có thể tham khảo ý kiến bạn bè, người thân khi cảm thấy chưa chắc chắn hoặc chờ sự xác nhận thông tin từ cơ quan báo chính chính thống hoặc cơ quan có thẩm quyền.
Hiện các nền tảng mảng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok có nhiều động thái giải quyết vấn nạn tin giả.
Facebook cho biết đã làm việc với đối tác chuyên về xác minh thông tin để phát hiện và xem xét thông tin sai sự thật. Nền tảng không đề cập đến việc có xóa các nội dung sai lệch hay không, nhưng những thông tin như vậy sẽ bị đưa xuống vị trí thấp để giảm khả năng tiếp cận đến người dùng, đồng thời người đăng bị hạn chế phân phối bài đăng và không thể quảng cáo.
YouTube nơi bùng phát nhiều tin giả, xấu độc, đặc biệt từ các nguồn nước ngoài nhắm tới người dùng Việt. Trên website của mình, nền tảng này khẳng định nội dung xấu "chiếm một tỷ lệ phần trăm rất nhỏ" với tỷ lệ lượt xem chiếm khoảng 0,16-0,18%.
Google cho biết họ xử lý thông tin sai lệch theo bốn nguyên tắc, gồm: gỡ bỏ nội dung vi phạm chính sách, giảm nội dung đề xuất gần ranh giới vi phạm chính sách, ưu tiên nguồn đáng tin cậy, đồng thời khen thưởng các nhà sáng tạo uy tín.
Theo ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam, việc quản lý nội dung được thực hiện theo tiêu chuẩn cộng đồng, được xây dựng từ năm 2018 và cập nhật liên tục. Ngoài việc xác định tin giả theo báo cáo của người dùng, nền tảng "đẩy mạnh mối liên hệ giữa công nghệ kiểm duyệt tự động và đội ngũ kiểm duyệt có chuyên môn để đưa ra kết luận chính xác đối với các nội dung". Những thông tin vi phạm, trong đó có thông tin sai lệch, bị gỡ bỏ hoặc giảm tiếp cận người dùng. Ngoài ra, ứng dụng cũng được trang bị tính năng giới hạn thời gian sử dụng, kết nối gia đình để cha mẹ quản lý con cái.
Thực tế, không gian mạng là phương tiện tuyệt vời để kết nối mọi người nhưng cũng ẩn chứa những rủi ro, cạm bẫy. Không phải mọi thứ trên mạng Internet đều an toàn và đáng tin cậy. Do vậy, hành động có trách nhiệm trên không gian mạng là cách duy nhất mà mỗi cá nhân, tổ chức có thể bảo vệ mình, bảo vệ những người xung quanh.
Chiến dịch Tin do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Báo VnExpress phối hợp với Công ty Cổ phần dịch vụ trực tuyến FPT (FPT Online) tổ chức từ 2/10 đến 15/11 hướng đến mục tiêu cung cấp những kỹ năng cơ bản để người sử dụng Internet có thể nhận biết, đánh giá, sàng lọc và xử lý hiệu quả khi tiếp nhận thông tin trên không gian mạng.
Các hoạt động chính của chiến dịch gồm: Cuộc thi sáng tạo nội dung "Anti Fake News" trên nền tảng TikTok; Chương trình nâng cao văn hóa mạng Việt Nam và nhiều hoạt động, ấn phẩm truyền thông được chia sẻ rộng rãi trên mọi nền tảng mạng xã hội.