Khoảng cách địa lý
Dù có hợp nhau, khoảng cách địa lý vẫn là trở ngại lớn. Mối quan hệ yêu xa đòi hỏi nhiều nỗ lực, cam kết và giao tiếp từ cả hai. Sống khác thành phố hoặc múi giờ khiến gặp mặt trực tiếp, yếu tố then chốt để duy trì tình cảm, trở nên khó khăn.
Chi phí đi lại, lệch múi giờ và lịch trình không khớp dễ gây căng thẳng, cô đơn, ảnh hưởng đến mối quan hệ.
Nghiên cứu trên tạp chí Marriage and Family Review khuyến nghị bạn duy trì các hành động gắn kết như gọi video thường xuyên, hẹn hò trực tuyến, gửi tin nhắn hoặc quà, lên kế hoạch gặp nhau để giữ mối quan hệ bền vững.
Áp lực bên ngoài
Nhiều nghiên cứu cho thấy yếu tố bên ngoài có thể ảnh hưởng lớn đến chuyện tình cảm. Gia đình có thể mong bạn ưu tiên việc học hoặc sự nghiệp trước khi yêu nghiêm túc, tạo nên mâu thuẫn giữa khát khao cá nhân và trách nhiệm.
Định kiến xã hội như phải lập gia đình hoặc mua nhà trước một độ tuổi nhất định cũng tạo áp lực, khiến bạn có thể đánh đổi mối quan hệ đang có.
Vượt qua những áp lực này đòi hỏi bạn và người yêu phải chia sẻ rõ ràng, đồng thời linh hoạt thích nghi. Khi cả hai cùng trưởng thành, những kỳ vọng từ gia đình và xã hội cũng có thể thay đổi theo thời gian.
Khác biệt về giai đoạn cuộc đời
Tiến sĩ Golee Abrishami, trưởng bộ phận chăm sóc ở trung tâm tư vấn tâm lý Octave (Mỹ) cho rằng khoảng cách tuổi tác không phải lúc nào cũng là vấn đề nhưng mỗi người ở một giai đoạn sống khác nhau thường có ưu tiên khác biệt.
Ví dụ, họ muốn dành thời gian ra ngoài với bạn bè trong khi bạn muốn ổn định, lập gia đình và sống hướng nội. Những khác biệt này dễ dẫn đến mâu thuẫn nếu không cùng nhìn về một hướng.
Một trong hai chưa sẵn sàng
Những câu như Anh/em đang bận nhiều việc, không thể dành thời gian cho mối quan hệ hoặc Anh/em không giỏi xử lý cảm xúc cho thấy người đó chưa sẵn sàng.
Golee Abrishami cho rằng dù đối phương có tốt hay phù hợp, bạn có thể chưa mở lòng về mặt cảm xúc bởi nhiều nguyên do như tổn thương hoặc chưa quên mối quan hệ cũ.
"Việc dành đủ thời gian chữa lành trước khi bước vào mối quan hệ mới rất quan trọng", bà nói.
Chuyên gia cho rằng việc vội vàng tiến tới khi chưa sẵn sàng dễ làm tình cảm trở nên mong manh và gây căng thẳng. Một nghiên cứu ở Anh cho thấy hầu hết quá trình hồi phục cảm xúc diễn ra trong năm đầu sau chia tay. Do đó, bạn cần hãy dành thời gian tự suy ngẫm, chăm sóc bản thân và giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trước khi bắt đầu mối quan hệ mới.
Tiến sĩ Golee Abrishami cho rằng hiện tượng "đúng người sai thời điểm" xảy ra rất phổ biến, do chưa xác định được nhu cầu. Vì vậy, bạn cần trung thực về khả năng dành cho mối quan hệ và trao đổi thẳng thắn với đối phương để cả hai cùng tôn trọng giới hạn.
"Nếu chưa thể yêu, bạn vẫn có thể giữ tình bạn với sự đồng thuận rõ ràng để tránh tổn thương và bảo vệ cảm xúc cho cả hai", bà khuyên.
(Theo Psychology Today, Yahoo Life)