Doanh nghiệp

Dấu ấn của Viettel trong ba trụ cột chuyển đổi số

Năm 2018, Viettel tuyên bố về mục tiêu mới "Tiên phong chủ lực kiến tạo xã hội số". Từ đây, tập đoàn chuyển đổi từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông sang một dịch vụ số. Đơn vị hướng tới mục tiêu, đưa công nghệ số vào mọi lĩnh vực của đời sống, dùng công nghệ giải quyết các bài toán xã hội, phục vụ con người trên ba trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

a

Hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ Viettel góp phần nâng cao cuộc sống người dùng. Ảnh: Viettel

Về chính phủ số, với trọng tâm là dữ liệu và dịch vụ công trực tuyến, Viettel tham gia triển khai 53 dịch vụ công thiết yếu, xây dựng ứng dụng tự động hóa trung tâm hành chính công và dịch vụ công không sử dụng hồ sơ giấy... Hơn 7 triệu thuê bao Viettel được chuẩn hóa thông tin, đảm bảo an toàn và bảo vệ quyền lợi khách hàng.

Tập đoàn triển khai Trung tâm điều hành thông minh (IOC) cho hơn 30 tỉnh, thành phố, giúp lãnh đạo các cấp ra quyết định dựa trên dữ liệu, số liệu trên thời gian thực.

Với bộ ngành, đơn vị phát triển mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt, hoàn thành thử nghiệm Trợ lý ảo pháp luật phục vụ Hệ thống Tòa án. Tính độc đáo của trợ lý AI này nằm ở hệ thống tri thức pháp luật lớn và đáng tin cậy.

Ở nhóm kinh tế số, tập đoàn nhận thức hạ tầng phục vụ công nghệ số là điều kiện cần để người dân và các doanh nghiệp phát triển nhanh hơn. Từ đó, Viettel đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng số, bám sát mục tiêu 2030 Việt Nam trở thành Digital Hub của khu vực.

Hiện Viettel Cloud có hệ thống hạ tầng trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam gồm 13 data center, quy mô 9.000 racks. Hệ sinh thái với hơn 70 sản phẩm dịch vụ, trải rộng từ dịch vụ ở mức hạ tầng vật lý như thuê chỗ đặt, cho tới nền tảng AI platform (trí tuệ nhân tạo) và IoT platform (Internet vạn vật). Việc dịch chuyển hệ thống công nghệ thông tin sang môi trường đám mây giúp tối ưu hiệu quả tài nguyên, linh hoạt khi sử dụng và an toàn khi dữ liệu quốc gia được đảm bảo bởi doanh nghiệp Việt Nam.

Trụ cột xã hội số, Viettel xây dựng thành công bản sao số (Digital Twin) của một trong những thành phố ảo đầu tiên tại Việt Nam, chứa đựng hàm lượng công nghệ cao (IoT, Big Data, AI, GIS, Simulation, Blockchain...). Dữ liệu từ thực tế của mỗi công trình, căn nhà, tình hình thời tiết... được cập nhật từ vệ tinh hàng ngày.

a

Thanh toán không tiền mặt đến với mọi người dùng. Ảnh: Viettel

Viettel cũng góp phần phổ cập thanh toán không tiền mặt tới gần 25 triệu khách hàng thông qua hệ sinh thái tài chính số Viettel Money.

Phục vụ lĩnh vực giải trí, trải nghiệm người dùng liên tục được tối ưu bằng công nghệ AI, Big Data trên ứng dụng truyền hình TV360 với hơn 20 triệu lượt cài đặt.

Các hệ thống quản lý nhà trường, học tập trực tuyến (K12Online), Sổ sức khỏe điện tử, hệ thống quản lý chương trình an sinh xã hội... cũng tích hợp trên nền tảng dữ liệu quốc gia. Nhờ đó, tập đoàn giúp nâng cao chất lượng và sự thuận tiện cho người dân khi tiếp cận các dịch vụ xã hội.

Đơn vị tăng an ninh mạng, giúp người dân sống và làm việc an toàn hơn trên không gian số. Viettel phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, các nhà cung cấp dịch vụ và người dùng cuối. Là đơn vị dẫn đầu về dịch vụ an toàn thông tin tại Việt Nam, tập đoàn cung cấp hệ sinh thái giải pháp bảo mật thế hệ mới, hỗ trợ phát hiện sớm các nguy cơ, dấu hiệu lừa đảo cho các tổ chức, doanh nghiệp. Đi cùng là hoạt động truyền thông, cảnh báo các chiến dịch tấn công lừa đảo có chủ đích, hình thức giả mạo phổ biến tới cộng đồng.

Đại diện đơn vị cho biết, với thông điệp "Công nghệ từ trái tim", Viettel cam kết đồng hành cùng Chính phủ, doanh nghiệp và các địa phương để cộng hưởng chuyển đổi số toàn diện, ứng dụng công nghệ tiên tiến hiện đại do người Việt Nam làm chủ.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm