Trò chuyện với Thanh Niên trong thời khắc lịch sử này, hầu hết các doanh nhân đều bày tỏ phấn khởi và niềm tin vào cơ hội bứt phá của đất nước. Cơ hội đó đến từ tầm nhìn của những người đứng đầu Đảng và Nhà nước về một Việt Nam giàu mạnh.
Vươn ra quốc tế luôn là khát vọng của doanh nhân Việt Nam

Ông Nguyễn Quốc Kỳ
ẢNH: ĐỘC LẬP
Sau 50 năm đất nước thống nhất và gần 40 năm đổi mới, chúng ta hiện chưa có một doanh nghiệp, một tập đoàn nào lớn tầm cỡ thế giới, để thế giới phải dùng sản phẩm của mình một cách thường xuyên. Trong khi đó, với thời gian mở cửa 30 năm thì Nhật Bản đã có Toyota, Hitachi, Mitsubishi, Honda… Hàn Quốc sau 30 năm cũng rất nhiều tập đoàn lớn mà bất kỳ người Việt nào cũng có thể kể tên. Trung Quốc 30 năm còn "khủng khiếp" hơn nữa. Họ tạo ra được những tập đoàn cực kỳ lớn và vượt lên thành nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới, sản phẩm của họ đi khắp toàn cầu. Gần đây chúng ta có VinFast bước ra thế giới nhưng vẫn còn mới mẻ. Còn lại, đa số những doanh nghiệp khác thì "vươn tầm thế giới" theo kiểu phong trào, lẻ mẻ, không có tính đầu tư và ghi được tên tuổi thật sự trên trường quốc tế.
Vươn ra quốc tế luôn là khát vọng của các doanh nhân Việt Nam, song, phải thừa nhận thời gian qua nội lực của khối doanh nghiệp tư nhân Việt bị "bó" rất nhiều bởi cơ chế. Nếu không có bước đi đều của cả nhà nước và doanh nghiệp thì việc trở thành doanh nghiệp toàn cầu sẽ mãi chỉ là giấc mơ viễn tưởng với các doanh nghiệp Việt. Là người may mắn được chứng kiến toàn bộ sự vận động của nền kinh tế Việt Nam qua từng giai đoạn từ 1975 đến đổi mới năm 1986, mở cửa năm 1995 rồi các giai đoạn khó khăn năm 2008, 2012 và giai đoạn phát triển 2012 - 2014, tôi nhận thấy càng về sau này, tốc độ điều chỉnh, thay đổi cơ chế, đường lối chính sách của chúng ta càng nhanh hơn, mạnh hơn.
Chính sách ngày càng tiệm cận với thị trường, đáp ứng được tốc độ phát triển về kinh tế, chính trị cả trong nước và quốc tế cũng như yêu cầu về mức sống ngày càng cao của người dân, xã hội. Đặc biệt trong 1 năm qua, sự thay đổi mang tính thần tốc. Lần đầu tiên, khu vực kinh tế tư nhân, kinh tế hộ cá thể được định vị một cách rõ ràng, xác đáng là trụ cột đóng vai trò đột phá đưa đất nước bước vào vận hội mới. Sau những phát biểu mạnh mẽ của Tổng Bí thư, của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi kỳ vọng sẽ có những cơ chế, chính sách đột phá, chưa từng có, có những quỹ hỗ trợ thiết thực để doanh nghiệp Việt hiện thực hóa khát vọng vươn ra thế giới. Quan trọng nhất là cách chính sách được ban hành nhanh, rõ ràng, việc thực thi chính sách được tổ chức quyết liệt để không bỏ lỡ thời cơ "vàng".
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation
Hàng triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa được tạo cơ hội phát triển

Ông Lê Duy Toàn
ẢNH: NVCC
Kể từ sau bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm về quan điểm phát triển khối kinh tế tư nhân trở thành đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng, những doanh nhân, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa như chúng tôi vô cùng phấn khởi. Lãnh đạo Đảng và Chính phủ đã xác định rất rõ để xây dựng được một quốc gia hùng mạnh, một nền kinh tế phát triển vững chắc thì không thể chỉ trông chờ vào sự dẫn dắt của doanh nghiệp FDI mà cần có nội lực mạnh mẽ, đó là sự phát triển của doanh nghiệp nội, với doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò trụ cột. Đây thật sự là sự chuyển biến mạnh mẽ về quan điểm, chủ trương bởi từ trước đến giờ, vai trò của doanh nghiệp tư nhân luôn có phần lép vế so với doanh nghiệp nhà nước.
Những chính sách ưu đãi, hỗ trợ gần như rất khó để tiếp cận. Việt Nam được mệnh danh là quốc gia khởi nghiệp nhưng thực tế càng doanh nghiệp nhỏ lại càng khó, không có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp để có thể lớn nhanh, lớn mạnh, hình thành được một lực lượng doanh nghiệp trẻ hùng hậu. Đặc biệt, trong bối cảnh chính trị - kinh tế thế giới có nhiều biến động và vô cùng bất ổn như hiện nay, lực lượng doanh nghiệp xuất khẩu nhỏ và vừa như Duy Anh phải đối mặt với rất nhiều thách thức, khó khăn. Bài phát biểu của Tổng Bí thư cùng cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy "thần tốc" thời gian qua đã trở thành sự khích lệ rất lớn giúp chúng tôi phấn chấn tinh thần, tin tưởng hàng triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được tạo mọi điều kiện để phát triển, đổi mới.
Trước mắt, bộ máy hành chính tinh gọn đồng nghĩa với thủ tục giảm. Những bối rối của doanh nghiệp khi phải trình xin giấy phép qua nhiều cấp rườm rà sẽ không còn nữa. Doanh nghiệp sẽ tiết giảm được rất nhiều chi phí, tập trung đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và quan trọng nhất là giờ đã có nhà nước cùng đồng hành, hỗ trợ để đưa sản phẩm, đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới. Chúng tôi kỳ vọng những chủ trương, nghị quyết mới sẽ nhanh chóng được thực thi bằng những chính sách cụ thể hơn nữa, gỡ đúng những cái doanh nghiệp đang vướng, có thêm những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu mở rộng thị trường quốc tế. Một doanh nghiệp chỉ như một hạt cát nhưng hàng triệu hạt cát sẽ tạo thành bệ đỡ vững chắc cho kinh tế đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới.
Ông Lê Duy Toàn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh (Duy Anh Foods)
Đội ngũ doanh nghiệp Việt sẽ lớn mạnh cả về chất và lượng

Ông Nguyễn Quốc Hiệp
ẢNH: NVCC
Việt Nam hiện nay đã có một số doanh nhân ghi tên vào top tỉ phú của thế giới. Đó là những người tiên phong, bản lĩnh, song, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp, doanh nhân khác có nhiều sáng tạo và khát vọng, chỉ chờ được kích thích để bung hết khả năng, cùng xây dựng nền kinh tế phát triển bền vững. Tuy nhiên, trước đây khối doanh nghiệp tư nhân gặp nhiều rào cản. Ở đâu đó trong cơ chế, chính sách vẫn khiến doanh nhân e ngại làm giàu; vẫn còn những cách biệt giữa khối doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước.
Thời gian qua, những phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm về lực lượng kinh tế tư nhân đã được hiện thực hóa bằng cả một nghị quyết riêng, như một liều thuốc kích thích rất mạnh tới tinh thần của khối doanh nghiệp tư nhân. Từ những nghị quyết mới, chúng tôi mong ý chí của người lãnh đạo sẽ nhanh chóng được chuyển hóa thành những chính sách cụ thể thông qua các văn bản dưới luật với cơ chế thông thoáng hơn cho doanh nghiệp nói chung cũng như khối doanh nghiệp tư nhân nói riêng. Doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ sẽ nhanh chóng rà soát, tháo gỡ những nút thắt, những rào cản còn vướng như về cơ chế tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai, thủ tục, giấy phép kinh doanh…
Khi những chốt chặn được tháo gỡ thật sự thì sức mạnh của doanh nghiệp sẽ nhanh chóng nâng lên. Đội ngũ doanh nghiệp Việt sẽ lớn mạnh cả về chất và lượng, trở thành động lực vững chắc đưa kinh tế phát triển tiến vào kỷ nguyên mới. Tuy vậy, chặng đường phía trước vẫn còn tương đối gian nan, còn nhiều việc phải làm, không thể nói mở là mọi cái sẽ đồng loạt mở ngay được. Từ nay đến cuối năm, tăng trưởng kinh tế sẽ vẫn dựa vào đầu tư công là chính, kinh tế tư nhân mới bắt đầu rậm rịch khởi động. Nếu các chính sách được ban hành sớm, từ 2026, nghị quyết mới sẽ chính thức hòa nhập, đủ "ngấm" để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số theo đúng mục tiêu mà Chính phủ đề ra.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT GP.Invest
Cộng đồng doanh nghiệp đang rất phấn khởi

Ông Nguyễn Đình Tùng
ẢNH: NVCC
Những chính sách cụ thể, định hướng rõ ràng để phát triển kinh tế tư nhân, đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới đã được đưa ra gần đây không chỉ khiến bản thân tôi mà cả cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân phấn khởi. Các chính sách về cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển hạ tầng logistics… cùng rất nhiều hoạt động khác của Chính phủ là những nhân tố hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp phát triển mạnh hơn.
Trong vòng 5 năm qua, chỉ riêng lĩnh vực xuất khẩu trái cây của Việt Nam đã có sự thay đổi vượt bậc. Điều này cũng nhờ vào quá trình Việt Nam mở cửa và tích cực đàm phán của Chính phủ với nhiều thị trường, trong đó có những thị trường khá khó tính. Khi có cơ hội, doanh nghiệp trong nước sẽ nhanh chóng đón nhận và phát triển mạnh hơn. Xuất khẩu trái cây tươi tưởng đơn giản nhưng để được các thị trường mở cửa chấp nhận, doanh nghiệp vẫn phải xây dựng nhà máy, trang thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ mới. Tôi tin rằng thời gian tới, các doanh nghiệp của ngành này sẽ tiếp tục mở rộng thị trường hơn nữa. Với kỳ vọng của mình, tôi nghĩ rằng sẽ đến lúc khi nói đến bưởi da xanh, sầu riêng Ri6, vải thiều Bắc Giang người tiêu dùng thế giới sẽ nhớ đến Việt Nam cũng giống như chúng ta hay nhiều người khi ăn kiwi sẽ nghĩ đến New Zealand, ăn táo nghĩ đến Mỹ… Thông qua việc xuất khẩu sản phẩm thì đất nước, văn hóa và câu chuyện của Việt Nam năng động, phát triển bền vững sẽ được biết đến nhiều hơn.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Vina T&T Group
Tư duy, tầm nhìn của lãnh đạo đất nước sẽ mở đường và tạo ra cơ hội mới

Ông Ngô Vi Đồng
ẢNH: NVCC
Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) nói chung rất phấn khởi kể từ khi có Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Việc thay đổi tư duy ở cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước đã đánh động đến toàn bộ đất nước, hướng đến mục tiêu muốn thay đổi mạnh mẽ phải ứng dụng công nghệ, tạo ra giá trị thực tế chứ không còn là lý thuyết. Đây sẽ là cú hích mạnh mẽ cho lĩnh vực khoa học công nghệ nói chung, hay CNTT nói riêng. Điều đó sẽ cởi trói cho các nhà khoa học, phát huy mạnh hơn khả năng của họ để góp sức đưa đất nước phát triển mạnh hơn. Là một trong những doanh nghiệp CNTT, chúng tôi rất mong mỏi và kỳ vọng sẽ có bước đột phá trong thời gian tới. Từ chính sách, doanh nghiệp kỳ vọng sẽ có thêm những hành động cụ thể, nhất là việc triển khai thực hiện thống nhất trong các cơ quan nhà nước. Những người thực hiện cũng sẽ có tư duy và nhận thức đúng, góp phần mang lại giá trị tích cực cho nền kinh tế và đất nước.
Cùng chung sự phấn khởi và kỳ vọng đó, mỗi doanh nghiệp cũng phải tự đổi mới chính mình. Doanh nghiệp phải tự so sánh với các đơn vị trong nước và cả thế giới, tự đánh giá xem mình có bằng người khác hay chưa? Từ đó mới tự đánh giá liệu mình có thể làm tốt hơn nữa không? Nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua học hỏi, đầu tư đúng lúc, đúng chỗ để đưa doanh nghiệp phát triển mạnh hơn. Tư duy, tầm nhìn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã mở đường và tạo ra cơ hội mới. Từ đó, mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp cần cố gắng, có mong mỏi đất nước thịnh vượng và góp phần vào việc tạo ra bước phát triển mạnh hơn cho cả dân tộc trong kỷ nguyên mới.
Ông Ngô Vi Đồng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Công nghệ tin học HPT
Khoa học là cơ hội để Việt Nam đột phá

Ông Phan Minh Thông
ẢNH: NVCC
Đất nước tròn nửa thế kỷ thống nhất, doanh nghiệp cũng lớn lên cùng những đổi thay của dân tộc. Cá nhân tôi thấy đất nước thay da đổi thịt mỗi ngày. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã nhấn mạnh đến việc đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân cũng được tạo điều kiện để phát triển mạnh hơn. Đặc biệt với tư duy, tầm nhìn về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo đây là cơ hội để Việt Nam nói chung và doanh nghiệp tư nhân đột phá mạnh mẽ, vươn xa hơn nữa trên thị trường thế giới. Chẳng hạn ở lĩnh vực nông nghiệp, trước đây, Việt Nam đã trở thành nơi cung cấp lương thực - thực phẩm lớn cho trong nước và thế giới cũng như cung cấp nguyên liệu thì bước vào kỷ nguyên mới, chúng ta có cơ hội tiến lên cung cấp hàng tiêu dùng đến tận tay khách hàng trên toàn cầu. Việc ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị bền vững và tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao sẽ ngày càng gia tăng.
Việc đầu tư công nghệ chế biến sâu, nghiên cứu và phát triển là con đường tất yếu để đưa Việt Nam phát triển mạnh hơn, đạt được những bước tiến dài hơn nữa. Trong hành trình đó, doanh nhân Việt Nam sẽ tiếp tục đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Đứng trước cơ hội này, các doanh nghiệp cũng cần phải thay đổi tư duy, làm thế nào tạo ra những sản phẩm giá trị, phù hợp cho người tiêu dùng trong nước và cả thế giới. Chúng tôi cũng như nhiều doanh nghiệp khác sẽ tiếp tục đưa nông sản nước nhà ra thế giới, xây dựng thương hiệu và hình ảnh Việt Nam vươn xa hơn. Doanh nghiệp còn là cầu nối thúc đẩy sự thịnh vượng của đất nước, khát vọng để thế giới biết đến một Việt Nam hiện đại, bền vững.
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group