Sở GTVT Hà Nội vừa có báo cáo UBND TP về đề xuất thay đổi vị trí nhà ga đầu tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Đề xuất này liệu có khả thi và phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050?
Theo đó sẽ mở rộng tổ hợp ga Ngọc Hồi để tích hợp nhà ga, depot của các tuyến đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia, đường sắt tốc độ cao; bỏ vị trí depot tại huyện Thường tín (cách ga Ngọc Hồi khoảng 3,6 km - nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam của Bộ GTVT). Phóng viên VOV Giao thông có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Thành, nguyên Vụ trưởng Vụ vận tải, Bộ GTVT xung quanh nội dung này.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam dự kiến có điểm đầu ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và điểm cuối ga Thủ Thiêm (TP HCM). Đồ hoạ: Tạ Lư
PV: Thưa ông, ông nhận định thế nào về đề xuất của Sở GTVT Hà Nội?
Ông Trần Ngọc Thành: Ga Hà Nội bây giờ nếu được đầu tư hiện đại thì nó vẫn là ga đầu tuyến lý tưởng nhất, bởi nó là đầu mối giao thông kết nối giữa vận tải đường sắt Bắc – Nam và kết nối các tuyến vận tải đường sắt đô thị.
Các nước tiên tiến họ cũng đều làm như thế, kết nối vận tải hành khách vào trung tâm hết. Còn tổ hợp ở Ngọc Hồi nằm trong tuyến đường sắt trên cao Ngọc Hồi – Yên Viên mà ngày xưa đã có quy hoạch, tổ hợp Ngọc Hồi chỉ là tổ hợp vành đai, vẫn có đường để đi vào ga Hà Nội bây giờ.
Mai kia nếu chúng ta có đường sắt cao tốc thì khối lượng vận tải hành khách đến Thủ đô rất lớn mà lại thả họ ở Ngọc Hồi rồi từ đó lại đi tiếp sẽ gây ra rối loạn, đấy không phải là bài toán tốt.
Bây giờ Hà Nội muốn thay đổi thì phải tính toán rất kỹ, từ trước đến nay có nhiều quan điểm cho rằng vận tải khối lượng lớn không nên đưa vào trung tâm đô thị, nếu nói như vậy là không nghiên cứu hết hoặc người ta không nghiên sâu về vấn đề tổ chức giao thông.
Nếu nghiên cứu kỹ về tổ chức giao thông thì đầu mối ở đấy (ga Hà Nội) không chỉ là đầu mối của riêng tuyến giao thông mà nó còn là đối mối kết nối giữa vận tải hành khách khối lượng lớn, đường dài với vận tải đô thị, cái đó mới thành trung tâm đầu mối giao thông được.
PV: Lần này Sở GTVT Hà Nội cũng đề xuất TP xem xét bố trí 1 vị trí nhà ga dự phòng cho việc kết nối với sân bay Hà Nội 2 trong tương lai. Đề xuất này liệu có phù hợp và khả thi không, thưa ông?
Ông Trần Ngọc Thành: Vấn đề này cũng phải nghiên cứu rất kỹ, đã làm cái gì thì làm cho nó ra tấm ra món, trong tổ chức giao thông không có khái niệm dự phòng, bởi nếu là dự phòng lúc chưa dùng đến để không sẽ rất lãng phí.
Vì thế đã làm thì phải có kết nối, đi đến đâu thì cuối cùng vẫn về là đầu mối giao thông, từ đó tỏa ra các tuyến đường sắt trên cao và các vành đai của Thủ đô. Cho nên dứt khoát đã đầu tư là phải có quỹ đất, có quy hoạch để đầu tư cho ra tấm ra món và để luân chuyển được khối lượng hành khách lớn. Nếu chẳng may có sự cố thì những ga vệ tinh sẽ giải tỏa cho từng tình hình cụ thể.
PV: Theo ông, việc bố trí các nhà ga, đặc biệt là các ga đầu và cuối tại 2 TP lớn là Hà Nội và TP HCM nên được bố trí theo phương án nào?
Ông Trần Ngọc Thành: Theo tôi, tất cả mọi việc đều phải có tính toán, khảo sát, nghiên cứu cụ thể, trên cơ sở hạ tầng hiện có. Khi chúng ta đổi mới tổ chức giao thông, giữ lại cái gì và làm mới ở chỗ nào phải nghiên cứu rất kỹ và phải có tầm nhìn rộng, đủ tầm phát triển của đất nước cũng như của tuyến đường sắt cao tốc này.
Nó phải có giá trị hàng trăm năm, từ đó chúng ta mới có quy hoạch xứng tầm, tránh tình trạng chưa làm xong đã trở nên lạc hậu.
PV: Xin cảm ơn ông. /.