Bất động sản

Những "cơn đau đầu" từ năm 2022 của ngành bất động sản sẽ ra sao trong năm 2023?

Những "cơn đau đầu" từ năm 2022 của ngành bất động sản sẽ ra sao trong năm 2023? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Trong báo cáo Nhìn lại 2022 & Triển vọng Thị trường Vốn 2023, FiinRatings đã tóm tắt tình hình chung của thị trường trong năm qua, với khởi đầu tưởng như suôn sẻ.

Việt Nam bước vào năm 2022 với sự bùng nổ của thị trường chứng khoán, VN-Index đạt mức đỉnh 1.524,7 hồi tháng 4. Covid-19 dần được kiểm soát, các biện pháp giãn cách xã hội được gỡ bỏ. Tuy nhiên, tình hình tươi sáng không duy trì được lâu, sau khi một loạt sai phạm bị phát giác. Xét riêng ngành bất động sản, vấn đề này góp phần làm niềm tin của nhà đầu tư lung lay.

Nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn bằng cách gia tăng nắm giữ tiền mặt hay gửi tiết kiệm”, FiinRatings nhận định.

Theo FiinRatings, trong năm 2023 niềm tin của người mua nhà có thể tiếp tục giảm khi những vướng mắc về khung pháp lý vẫn còn là trở ngại lớn với các chủ đầu tư.

Tâm lý chung trên thị trường là e ngại, giao dịch bị trì hoãn, các dự án đang triển khai phải tạm dừng, kéo theo doanh số bán sụt giảm”, báo cáo cho hay.

Vấn đề thứ hai là tín dụng cho ngành bất động sản bị kiểm soát chặt chẽ đối với cả chủ đầu tư và người mua nhà . FiinRatings đánh giá bất động sản sẽ tiếp tục gặp nhiều bất lợi từ việc thắt chặt các kênh huy động vốn chính trong nửa đầu năm 2023.

Việc thắt chặt tín dụng không chỉ làm giảm nguồn vốn vay của chủ đầu tư, mà còn ảnh hưởng cả đến nguồn vốn trả trước của khách hàng, do người mua khó tiếp cận với vốn vay ngân hàng nên sẽ trì hoãn việc mua nhà hoặc tìm đến kênh đầu tư khác. Vì vậy, doanh nghiệp sẽ khó huy động được nguồn vốn để triển khai thực hiện dự án, hoặc không thể tái đầu tư để phát triển doanh nghiệp”, FiinRatings phân tích.

Trong khi đó, lãi suất huy động lại liên tục tăng , khiến lãi suất cho vay mua nhà ở mức 12-13%/năm. Kết hợp với việc phân khúc căn hộ bình dân và trung cấp chiếm chưa đến 1/5 nguồn cung đã khiến nhu cầu thị trường nhà ở sụt giảm nghiêm trọng, khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản lao đao.

FiinRatings cho rằng trong năm 2023, các chủ đầu tư có thể sẽ phải giảm giá sản phẩm trên diện rộng để có nguồn cầu mới trên thị trường và thu hút dòng tiền quay trở lại.

Tín hiệu tích cực là Chính phủ đã đưa ra loạt động thái nhằm hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, bao gồm việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc cho thị trường và triển khai thực hiện các dự án. Tiếp đó là Công điện về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở. Hồi tháng 12/2022, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành chính sách nới room tín dụng từ 1,5 – 2%.

Các chính sách mới là tín hiệu tích cực, cơ sở để thị trường bất động sản có cơ hội hồi phục. Tuy nhiên, FiinRatings chỉ ra rằng chính sách mới sẽ có độ trễ nhất định và cần thời gian để phát huy hiệu quả, giúp vực dậy niềm tin của nhà đầu tư và hồi phục thị trường.

Các chính sách cần giải quyết hiệu quả các vấn đề nêu trên. Cùng với môi trường lãi suất được cải thiện và “hạ nhiệt” sẽ giúp cho thị trường trái phiếu và ngành bất động sản được khơi thông”, báo cáo cho hay.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm