Cuối tuần trước, nhà làm phim Cullen Hoback hé lộ những thông tin đầu tiên về phim tài liệu Money Electric: The Bitcoin Mystery (Tiền điện tử: Bí mật Bitcoin), chiếu tập đầu trên HBO ngày 8/10. Trên X, Hoback nói thông qua bộ phim, ông "truy tìm một người mất tích", đó là Satoshi Nakamoto, được coi là "cha đẻ" của Bitcoin.
Politico dẫn nguồn tin cho biết bộ phim "đã xác định được Satoshi và có thể liên kết người này với các hoạt động tội phạm". Tuy vậy, trang này không đi sâu vào chi tiết.
Trailer giới thiệu phim cho thấy một loạt tên tuổi như Hal Finney, Adam Back, Nick Szabo, Paul Le Roux - những người có mối liên hệ với Bitcoin trước đây - đã được phỏng vấn. Phim cũng đề cập đến Leonard Harris "Len" Sassaman, một trong những nhà phát triển Bitcoin thời kỳ đầu.
Dù phim chưa được công chiếu, các cuộc tranh luận ai là Satoshi đã nổ ra. Trên trang cá cược Polymarket tính đến 7/10, hơn 40% cho rằng Sassaman là Satoshi Nakamoto. Vị trí thứ hai là Adam Back nhận 11,7%.
Sassaman sinh năm 1980 tại Pennsylvania, được ví như thần đồng về mật mã học khi còn nhỏ. Ông có nhiều đóng góp cho việc phát triển Bitcoin trước khi tự tử năm 2011. Năm 2021, người vợ quá cố của Sassaman là Meredith Patterson viết trên X: "Theo hiểu biết của tôi, Len không phải là Satoshi".
Bitcoin là tiền số phổ biến nhất thế giới, ra đời năm 2008. Ngoài những tranh cãi về giá trị hay tính pháp lý, cha đẻ của tiền số này cũng là tâm điểm của rất nhiều cuộc thảo luận. Đến nay, thông tin về người tạo Bitcoin vẫn là một trong những bí ẩn lớn nhất của ngành công nghệ hiện đại. Trước đó, hầu hết nghi vấn hướng đến Dorian S. Nakamoto và Hal Finney. Theo CoinTelegraph, việc biết được ai tạo ra Bitcoin có thể khiến thị trường tiền số đảo lộn, nhất là khi người đó còn sống.
Theo nhà phân tích Alex Thorn của Galaxy Digital, nếu Sassaman là Satoshi, thị trường sẽ không bị ảnh hưởng tiêu cực, do ông đã qua đời. Còn Mert Mumtaz, CEO của Helius Labs, chỉ trích Politico khi liên kết nhà phát triển Bitcoin thế hệ đầu với hoạt động tội phạm, cho rằng điều này là "không công bằng".