Theo South China Morning Post, tháng 11 vừa qua, văn phòng của Tập đoàn Kỹ thuật Đường sắt số 3 Trung Quốc ở Giang Tây, đông nam Trung Quốc đã đăng tải một thông báo tuyển dụng như sau trên một trang rao vặt của địa phương: "Là phụ nữ. Khuôn mặt ưa nhìn. Ngoại hình đẹp. Có bằng cao đẳng trở lên. Ưu tiên sinh viên mới ra trường".
Cùng với mẩu tin tuyển dụng như vậy là mức lương hằng tháng với 4.000 nhân dân tệ (tương đương 507 USD). Mặc dù vị trí này dành cho "nhân viên bán hàng", nhưng phần mô tả công việc lại cho biết ứng viên trúng tuyển phải làm công việc rót nước, pha trà và chỉ những phụ nữ ưa nhìn mới có thể ứng tuyển.
Thông báo tuyển dụng này sau đó "vấp" phải chỉ trích dữ dội từ người dùng MXH, buộc họ phải tháo gỡ ngay lập tức cùng một lời xin lỗi vào ngày 25/11 vì đã "không sắp xếp ngôn từ trước khi đăng tải và sử dụng những từ ngữ không phù hợp trong thông báo tuyển dụng". Tuy nhiên, lời xin lỗi này lại tạo ra "một cơn sóng" chỉ trích khác khi công ty giải thích lý do đưa ra "yêu cầu đặc biệt" như vậy bởi họ cần một người phụ nữ "phục trà cho các quan chức và thanh tra đến thăm".
Nhiều người chỉ trích bản mô tả công việc vì lí do phụ nữ ở Trung Quốc vẫn là nạn nhân bị "tình dục hóa".
"Vậy họ cần một thân hình cân đối chỉ để phục vụ trà cho các quan chức đến thăm? Làm ơn đừng coi thường phụ nữ nữa," một người dùng Weibo nói.
"Đàn ông không có tay nên không thể rót trà hay sao?", một dân mạng khác bức xúc.
Bản báo cáo dài gần 100 trang của Tổ chức theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch - HRW) năm 2018 đã chỉ ra tình trạng phân biệt đối xử nam nữ đang diễn ra một cách rõ rệt trong các tổ chức của Trung Quốc.
Nhà tuyển dụng: 'Con gái của tôi là mẹ của con gái bạn, tôi là ai?' nữ ứng viên đáp trong 1 giây thành công nhận việc
"Có tới một phần năm các quảng cáo tuyển dụng ở Trung Quốc nói ưu tiên nam giới, trong khi các công ty lớn như Alibaba còn tìm cách thu hút các ứng viên nam bằng lời hứa hẹn họ sẽ được làm việc với các nữ đồng nghiệp xinh đẹp", Sophie Richardson, Giám đốc Human Rights Watch tại Trung Quốc, cho hay.
Phân tích hơn 36.000 thông tin tuyển dụng từ năm 2013 đến 2018, HRW nhận thấy không chỉ nhiều công ty công nghệ khác như Baidu, Huawei hay Tencent cũng sử dụng các quảng cáo phân biệt giới tính, có định kiến với vẻ ngoài và năng lực của phụ nữ được thể hiện rõ.
Vào năm 2019, Trung Quốc đã thông qua luật nghiêm cấm phân biệt giới tính trong chính sách việc làm, nhưng đây vẫn là một vấn nạn phổ biến ở nước này. Theo danh sách việc làm công chức quốc gia của đất nước này trong những năm gần đây, ngay cả các hoạt động tuyển dụng của tổ chức chính phủ cũng có sự phân biệt đối xử. Hơn 22% các bài đăng vào năm 2021 chỉ định ưu tiên cho nam giới, gấp 8 lần con số chỉ định ưu tiên cho phụ nữ.