Đây được xem là nguồn lực vàng không chỉ góp phần nâng cao đời sống của người dân trong nước, mà còn là nguồn lực tài chính quan trọng đối với sự phát triển kinh tế đất nước.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, lượng kiều hối đổ về thành phố năm nay dự báo đạt khoảng 6,8 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng của kiều hối về TPHCM năm nay tuy thấp hơn năm ngoái, nhưng vẫn là mức tốt.
Lượng kiều hối dự kiến sẽ tăng mạnh trong tháng cuối năm và trong dịp Tết Nguyên đán. Dù chưa có thống kê cụ thể, tuy nhiên có thể thấy rõ một phần lớn kiều hối của bà con Việt kiều gửi về để hỗ trợ người thân; đồng thời một phần cũng chảy vào các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trong nước.
Đây được xem là nguồn lực vàng trong bối cảnh thanh khoản thị trường kém sôi động. Lượng kiều hối không chỉ góp phần hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế thành phố, mà còn là nguồn cung giúp ổn định nguồn ngoại tệ trên địa bàn nói riêng và cả nước nói chung.
Trong những năm qua, TPHCM luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về lượng kiều hối nhận được. Năm 2021, lượng kiều hối chảy về TPHCM đạt khoảng 6,5-6,6 tỷ USD, tăng 9% so với năm trước đó, bất chấp đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Trong khi đó, tính chung cả nước, lượng kiều hối về đạt khoảng 12,5 tỷ USD.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính đánh giá lượng kiều hối cùng các nguồn vốn khác đã tạo điều kiện góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế xã hội thành phố. Đồng thời góp phần quan trọng trong việc phát huy hiệu quả sử dụng các nguồn vốn ngoại tệ, cũng như bảo đảm quan hệ cung cầu ngoại tệ. Đây là kết quả tích cực trong việc triển khai các giải pháp tiếp tục thu hút các nguồn vốn ngoại tệ và đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thành phố. Nguồn vốn này cũng trở thành nguồn lực vàng cho tăng trưởng và phát triển, bởi bản chất và chi phí sử dụng của nguồn kiều hối, với lợi thế khác biệt so với các nguồn vốn khác.
Nhìn bức tranh rộng hơn, lượng kiều hối chảy về thành phố trong năm qua gần gấp đôi lượng vốn đầu tư nước ngoài gồm vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Nguồn lực từ kiều hối cũng không chịu áp lực trả nợ, trả lãi hoặc phải tính đến hiệu quả đầu tư cam kết với các nước như khoản vốn vay ODA...
Một diễn biến đáng chú ý là nếu trước đây dòng tiền tập trung chủ yếu vào sản xuất kinh doanh thì trong dịch Covid-19, và giai đoạn hồi phục kinh tế hiện nay nguồn kiều hối chuyển về tập trung vào an sinh xã hội, hồi phục sản xuất kinh doanh.
Ở góc độ kinh tế, việc sử dụng kiều hối với mục đích nào cũng đều mang lại hiệu quả, đều kích thích tổng cầu, qua đó kích thích sản xuất, tiêu dùng tăng trưởng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.