Tài chính

Đằng sau tuyên bố "đã rót vài ngàn tỷ đồng vào bất động sản" của ông chủ Alphanam

Đằng sau tuyên bố "đã rót vài ngàn tỷ đồng vào bất động sản" của ông chủ Alphanam - Ảnh 1.

Chủ tịch Alphanam Nguyễn Tuấn Hải Ảnh: Int

Tại sự kiện “Kinh tế 2023: Nhận diện và hành động của doanh nhân trẻ” do Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội (HanoiBA) mới tổ chức hồi đầu tháng 3/2023, doanh nhân Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Tập đoàn Alphanam cho biết từ Tết (Quý Mão 2023-PV) đến giờ đã giải ngân nhiều ngàn tỷ đồng vào bất động sản.

“Tôi đang phải tìm cách ‘biến thịt thành lạp sườn’, làm ra được những sản phẩm tích trữ được lâu dài và làm sao sống sót được 5 năm nữa mới bán. Tức, vẫn làm và coi đó là cơ hội. Chắc là trong tháng tới cũng có một loạt deal (thương vụ, thỏa thuận - PV) vài ngàn tỷ nữa giải ngân tiếp cho bất động sản. Nghe thì thế nào cũng bị ‘ném đá’, nhưng tôi thấy đây lại là cơ hội, và nhìn thấy mình sống sót được bao lâu mới là điều quan trọng”, ông Hải tiết lộ.

Dù được chủ tịch Nguyễn Tuấn Hải tự hào là “hàng hiếm” trên thị trường bất động sản hiện nay nhưng thực tế cho thấy từ các thông tin công khai có thể thấy hệ sinh thái Alphanam vẫn đang nợ hơn trăm tỷ đồng trái phiếu và cá nhân Chủ tịch Nguyễn Tuấn Hải cũng như bà Nguyễn Ngọc Mỹ (con gái ông Hải) cùng nhiều người liên quan khác lại đang đứng tên thế chấp hàng loạt tài sản cho các tổ chức tín dụng.

Nợ 140 tỷ trái phiếu

Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, đến nay, Công ty cổ phần Đầu tư Alphanam còn lưu hành 1,4 triệu trái phiếu (mã ALPCH2123001), mệnh giá 100 ngàn đồng/trái phiếu, tương ứng với giá trị 140 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 29/12/2021 Công ty cổ phần Đầu tư Alphanam (Alphanam) đã phát hành thành công 200 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm, đáo hạn vào ngày 29/12/2023. Kỳ hạn trả lãi là 6 tháng/lần và lãi suất công bố ở mức 10,5%/năm. Tổ chức lưu ký cho lô trái phiếu trên là công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam.

Thế chấp hàng loạt tài sản

Mới đây nhất, theo thông tin từ Cục Đăng ký Quốc gia về giao dịch tài sản đảm bảo (Bộ Tư pháp) ngày 29/12/2022, Công ty CP Đầu tư Alphanam đã thế chấp cho Ngân Hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín Chi Nhánh Trung Tâm tài sản là hơn 42,8 triệu cổ phần Công ty CP Đầu tư công viên văn hóa Mường Hoa có tổng giá trị theo mệnh giá là hơn 428 tỷ đồng.

Vào tháng 10/2022, Công ty CP Đầu tư Alphanam cũng đã thế chấp cho Chi nhánh Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín tại TP Đà Nẵng tài sản là hơn 7,7 triệu cổ phần Công ty CP địa ốc Foodinco phát hành đứng tên Công ty cổ phần đầu tư Alphanam.

Trước đó, vào tháng 5/2022, Công ty CP Đầu tư Alphanam cũng đã dùng 4 Giấy chứng nhận sở hữu cổ phần do Công ty CP địa ốc Foodinco phát hành đứng tên Công ty cổ phần đầu tư Alphanam ( 58 triệu cổ phần ) làm tài sản đảm bảo thế chấp cho Chi nhánh Ngân hàng Tmcp Sài Gòn Thương Tín tại TP.Đà Nẵng.

Ngoài ra, trong năm 2022, Công ty CP Đầu tư Alphanam còn thế chấp một số tài sản là 03 ô tô con cho Công ty cho thuê tài chính TNHH MTV Quốc tế Chailease - chi nhánh Hà Nội.

Trong tháng 12/2021, doanh nghiệp đã thế chấp hơn 15 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần ALPHANAM E&C (Mã cổ phiếu: AME) thuộc sở hữu của Alphanam để đảm bảo cho khoản vay của Công ty cổ phần Delta Việt Nam tại ngân hàng TMCP Phương Đông – Chi nhánh Hà Nội – Phòng giao dịch Sao Việt.

Trước đó, Alphanam cũng liên tục thế chấp hàng loạt tài sản cho khoản vay tại các ngân hàng. Cụ thể, cuối năm 2021 Alphanam và các thành viên đã thế chấp tổng cộng 60 triệu cổ phần trong Công ty Cổ phần Địa ốc Alpha Nam (Địa ốc Alpha Nam.)

Cụ thể, Alphanam thế chấp 15,6 triệu cổ phần; ông Nguyễn Minh Nhật (thành viên hội đồng quản trị Alphanam, phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Alphanam E&C - con trai cả của đại gia Nguyễn Tuấn Hải) thế chấp 9 triệu cổ phần; bà Nguyễn Ngọc Mỹ (thành viên Hội đồng quản trị Alphanam Group, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc Alphanam – con gái của ông Nguyễn Tuấn Hải) thế chấp 17,3 triệu cổ phần; Đỗ Thị Minh Anh (vợ ông Nguyễn Tuấn Hải) thế chấp 9 triệu cổ phần; ông Nguyễn Tuấn Hải (Chủ tịch Tập đoàn Alphanam – Alphanam Group) thế chấp 9 triệu cổ phần.

Theo nội dung đăng ký thay đổi thông tin, tài sản “nhà Alphanam” thế chấp trước đây là 90 triệu cổ phần, sau đó rút xuống còn tổng cộng 60 triệu cổ phần. Bên nhận đảm bảo là Shinhan Investment Corp.

Ngoài ra, được biết, Tổng Giám đốc Địa ốc Alphanam là bà Nguyễn Ngọc Mỹ cũng đang t hế chấp nhiều hợp đồng mua bán căn hộ tại dự án Luxury Quy Nhơn từ giữa tháng 9/2022.

" Cuộc chơi" địa ốc của Alphanam

Theo giới thiệu, Tập đoàn Alphanam (Alphanam Group) được thành lập vào năm 1995, là một nhà thầu xây dựng, cơ điện, thương mại. Qua quá trình phát triển, đến nay Alphanam Group đã trở thành một tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành, hoạt động chính trong 3 lĩnh vực gồm bất động sản, sản xuất & dịch vụ và quản lý khách sạn.

Hiện tại, doanh nghiệp này đang phát triển các dự án khu đô thị, nghỉ dưỡng, khách sạn, căn hộ,... tại nhiều địa phương trên cả nước.

Từ năm 2017, Alphanam đẩy mạnh đầu tư trở lại vào bất động sản qua việc triển khai hàng loạt dự án lớn trải dài ở nhiều tỉnh như Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Đà Nẵng, Bình Định, An Giang... Doanh nghiệp này đang có hơn 20 dự án với hàng nghìn ha, vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng, tập trung ở Đà Nẵng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Đằng sau tuyên bố "đã rót vài ngàn tỷ đồng vào bất động sản" của ông chủ Alphanam - Ảnh 2.

Dự án Altara Residences Quy nhơn của Alphanam. Ảnh: Alphanam

Nổi bật là các dự án như Luxury Apartment, Diamond Tower, Golden Square tại Đà Nẵng; Alphanam Red Star Apartment, Xuân Phương - Alphanam Village, Alphanam New Park City Trung Hưng - Sơn Tây, Bình Minh-Cao Viên Alphanam Newlife City, Khu đô thị Hanel - Alphanam ở Hà Nội.

Từ năm 2018, Alphanam không ngừng tập trung đầu tư vào các tỉnh lẻ, đồng thời đẩy mạnh đầu tư vào các công ty con và công ty liên doanh, được ghi nhận tổng giá trị khoảng 2.094 tỉ đồng như Công ty CP địa ốc Foodinco; Công ty địa ốc Foodinco Quy Nhơn; Công ty Cổ phần Đầu tư công viên văn hóa, thể thao, du lịch và đô thị hồ Thác Bà; Công ty Đầu tư Công viên văn hóa Mường Hoa; Công ty CP dịch vụ và thương mại Đông Á…

Doanh nghiệp cũng tiếp tục mở rộng quỹ đất về các tỉnh với hàng loạt dự án lớn như: Toà nhà Marriott Courtyard & Marriott Executive Apartments (quy mô 5,7 ha tại Đà Nẵng), Công viên Văn hóa Mường Hoa (quy mô 100 ha tại Sapa, Lào Cai), khu đô thị Golden City An Giang (quy mô 48,92 ha tại An Giang), toà nhà King Palace (quy mô 9,3 ha, cao 36 tầng tại 108 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội), toà nhà Altara Residences Quy Nhơn (quy mô 3,7 ha tại TP. Quy Nhơn, Bình Định)…

Trong đó, dự án Khu đô thị Mường Hoa từng gây nhiều chú ý khi cuối năm 2018, CTCP đầu tư Công viên văn hóa Mường Hoa và CTCP dịch vụ và thương mại Đông Á là liên danh duy nhất trúng thầu sơ tuyển dự án Khu đô thị Mường Hoa tại Sa Pa, Lào Cai.

Hay tại Yên Bái, Alphanam được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Công viên văn hóa, thể thao, du lịch và phụ trợ hồ Thác Bà. Đây là một trong những dự án có vốn đầu tư đăng ký "khủng" ở Yên Bái với tổng vốn đầu tư 4.980 tỉ đồng, quy mô hơn 2.594 ha.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm