Ngày thứ Tư (2/11), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày với quyết định tiến hành đợt tăng lãi suất thứ tư liên tiếp ở mức 0,75 điểm %. Quyết định này không gây bất ngờ, bởi hầu hết thị trường đều đã dự đoán về mức tăng 0,75 điểm % từ trước đó.
Chủ tịch FED Jerome Powell bác bỏ khả năng FED sớm dừng tăng lãi suất (Nguồn: Reuters)
Thị trường ban đầu đã phản ứng khá tích cực với những tuyên bố được đánh giá là ôn hòa của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của FED về "tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ và độ trễ chính sách". Chỉ số S&P 500 có lúc đã tăng lên trên ngưỡng 3.900 điểm, trong khi chỉ số đồng USD (DXY) giảm xuống gần 110,50. Các chuyên gia kinh tế cho rằng đây chính là tín hiệu về "sự xoay trục chính sách" mà thị trường đã đồn đoán nhiều trong thời gian gần đây.
Nhưng trong phiên trả lời phỏng vấn báo chí sau cuộc họp chính sách tiền tệ, Chủ tịch FED Jerome Powell đã làm tiêu tan những kỳ vọng của thị trường về khả năng xoay trục chính sách. Về cơ bản, ông Powell bác bỏ ý tưởng rằng FED có thể sớm dừng tăng lãi suất, dù cho biết, vẫn có khả năng cơ quan này sẽ thảo luận về chuyện tăng lãi suất chậm lại trong 1 - 2 cuộc họp tới. "Tuy vậy, vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra cả".
"Chúng tôi vẫn còn những chặng đường phải đi và các dữ liệu kinh tế được công bố kể từ sau lần họp trước cho thấy mức đỉnh của lãi suất trong chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ này sẽ phải cao hơn nhiều so với dự tính ban đầu", ông Powell phát biểu. Nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới cũng nói thêm rằng "hiện vẫn còn quá sớm" để nói về việc dừng tăng lãi suất và khẳng định: "Chúng tôi vẫn phải tiếp tục".
Khả năng kinh tế Mỹ "hạ cánh mềm" đang giảm xuống khi FED đẩy mạnh nỗ lực chống lạm phát (Nguồn: Reuters)
Ông Powell cũng bày tỏ quan điểm khá bi quan về triển vọng kinh tế Mỹ, khi cho rằng khả năng kinh tế Mỹ "hạ cánh mềm" đang giảm xuống cùng với các nỗ lực chống lạm phát. "Chính sách tiền tệ cần phải được thắt chặt hơn, và điều đó thu hẹp cánh cửa cho một cuộc hạ cánh mềm".
Những kỳ vọng tiêu tan
Những phát biểu của ông Powell ngay lập tức đã tác động tiêu cực đến thị trường tài chính. Chốt phiên giao dịch ngày thứ Tư, cả 3 chỉ số chứng khoán chính của Phố Wall đều chìm trong sắc đỏ, trong đó chỉ số Nasdaq bị thổi bay hơn 3% giá trị. Thị trường trái phiếu Mỹ cũng đã có phản ứng mạnh khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ các kỳ hạn 2 và 10 năm đều bật tăng. Trên thị trường tiền tệ, đồng USD đã tăng trở lại, chạm mốc cao nhất trong một tuần qua so với euro, giao dịch ở mức 0,9810 USD đổi 1 Euro và đang hướng tới tuần tăng mạnh nhất trong vòng một tháng qua.
Chứng khoán Mỹ ngay lập tức giảm sâu sau thông điệp cứng rắn từ Chủ tịch FED (Nguồn: CNN)
Chứng khoán châu Á phiên buổi sáng ngày thứ Năm cũng chung xu hướng giảm, với chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngoại trừ Nhật Bản mất 1,3% giá trị. Chia sẻ với Reuters, Gary NG - chuyên gia cao cấp về kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis cho biết, "việc FED tiếp tục tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng không tốt đến thị trường châu Á, khiến dòng vốn chảy ra nhiều hơn do sức mạnh của đồng USD, đặc biệt là với nhóm cổ phiếu công nghệ, vốn đã bùng nổ mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19. Thị trường sẽ đối mặt với áp lực lớn hơn sau động thái mới nhất của FED".
Bình luận về vấn đề này, các chuyên gia phân tích tại Citigroup đánh giá, "Thông điệp diều hâu cứng rắn từ chủ tịch FED đã dội một gáo nước lạnh vào những kỳ vọng về một sự xoay trục chính sách theo hướng ôn hòa hơn trong thời gian tới. Điều này sẽ càng làm gia tăng kỳ vọng về sự khác biệt chính sách giữa FED và các ngân hàng trung ương khác trên thế giới. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa, sẽ gây áp lực giảm đối với các tài sản rủi ro và củng cố đà tăng của đồng USD".
Việc FED tăng lãi suất sẽ củng cố đà tăng của đồng USD và gây áp lực lên các tài sản rủi ro (Nguồn: Reuters)
Các thị trường tương lai hiện đang có sự chia rẽ sâu sắc về việc FED sẽ tiến hành tăng lãi suất ở mức nào trong cuộc họp chính sách tiếp theo vào ngày 13 - 14/12. Công cụ FedWatch của CME Group hiện đang đánh giá, xác suất FED tiến hành nâng lãi suất thêm 0,5 điểm % là 56,8%. Trong trường hợp này, thời điểm FED tạm dừng tăng lãi suất có thể sẽ diễn ra sau cuộc họp chính sách tháng 3/2023.
Tuy nhiên, khả năng xảy ra một đợt tăng 0,75 điểm % nữa hiện đã tăng lên 43,2%, cao hơn đáng kể so với mức hơn 35% hồi tuần trước. Nếu trường hợp này xảy ra, thời điểm FED dừng tăng lãi suất được dự báo sẽ lùi xa hơn nữa, tới tháng 6/2023 hoặc thậm chí lâu hơn.
FED liệu đã nên xoay trục chính sách?
Theo một số chuyên gia, những điều kiện hiện nay của nền kinh tế Mỹ khiến FED có nhiều lý do để không vội vàng xoay trục chính sách. Chia sẻ với CNN, bà Danielle DiMartino Booth - Giám đốc điều hành kiêm chiến lược gia trưởng của Quill Intelligence nhận định, "tôi không nghĩ ông Powell sẽ lùi bước. Ông ấy vẫn sẽ tiếp tục các nỗ lực chống lạm phát". Vị chuyên gia từng có 9 năm làm việc tại FED chi nhánh Dallas, dự báo FED sẽ tiếp tục tập trung nhiều hơn vào việc chống lạm phát, đặc biệt là khi thị trường việc làm vẫn vững mạnh.
Thị trường lao động Mỹ vẫn khá vững mạnh, với 239 nghìn việc làm mới được tạo ra trong tháng 10 tại lĩnh vực tư nhân (Nguồn: Reuters)
Trước đó, các số liệu mới công bố cho thấy, bất chấp các nỗ lực tăng lãi suất của FED, các doanh nghiệp tư nhân tại Mỹ vẫn tạo ra 239 nghìn việc làm mới trong tháng 10, vượt xa mức dự báo 195 nghìn việc làm của giới chuyên gia, và mức 192 nghìn việc làm trong tháng 9. Nhu cầu tuyển dụng việc làm trong tháng 9 theo kết quả Khảo sát về Cơ hội Việc làm và Lao động Nghỉ việc (JOLTS), số lượng vị trí cần tuyển dụng tại các doanh nghiệp Mỹ trong tháng 9 là 10,717 triệu, vượt xa mức dự báo 10 triệu, và mức 10,28 triệu vị trí của tháng 8. Tiền lương của người lao động trong tháng 10 vẫn tăng mạnh 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ giảm nhẹ 0,1 điểm % so với mức tăng tháng 9.
Còn theo ông Rick Rieder - Giám đốc đầu tư về thu nhập cố định toàn cầu tại quỹ đầu tư BlackRock, FED vẫn sẽ tiếp tục cảnh giác khi giá tiêu dùng tăng vọt. Các số liệu công bố hồi tuần trước cho thấy, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của FED, đã ghi nhận mức tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 9, không đổi so với tháng 8. Theo ông Rieder, "Việc đưa ra quyết định xoay trục vào lúc này là rất khó khăn. Nước Mỹ vẫn đang đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao, còn thị trường việc làm vẫn ổn định".
Lạm phát ở mức cao khiến FED chưa thể xoay trục chính sách (Nguồn: Reuters)
Tuy nhiên, chuyên gia Rieder cũng cảnh báo về ảnh hưởng ngày càng gia tăng từ các lần tăng lãi suất trước đó của FED lên nhiều bộ phận của nền kinh tế. "Bạn sẽ thấy những tác động ở trong thị trường nhà ở, sắp tới là lĩnh vực kinh doanh ô tô và các lĩnh vực nhạy cảm với lãi suất khác".
Chuyên gia DiMartino Booth cũng bày tỏ lo ngại về tác động của việc tăng lãi suất. "Những động thái của FED chắc chắn đang ảnh hưởng tới tiêu dùng", bà nói và cho biết thêm rằng, "nguy cơ suy thoái là một vấn đề bị khá nhiều người bỏ qua" và sẽ mất một khoảng thời dài khá dài, để chữa lành những vết thương mà chu kỳ tăng lãi suất lớn bất thường này gây ra.
Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc giới chức FED đưa ra một số sự điều chỉnh sẽ là điều cần thiết, để nền kinh tế không suy giảm quá sâu. Chuyên gia Chris Iggo thuộc Viện đầu tư Axa IM cho biết: "Việc FED phải sớm giảm nhịp độ tăng lãi suất là điều không thể tránh khỏi".
Thông điệp cân bằng gửi tới các nhà đầu tư
Chỗ khó cho FED và các ngân hàng trung ương khác là ở chỗ, trong khi chưa thể thành công trong việc kiềm chế đà leo thang giá cả, việc tạo ra một sự "xoay trục" vào lúc này sẽ trở nên khó biện minh hơn với nhà đầu tư. Điều này đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải đưa ra một thông điệp mang tính cân bằng, vừa thuyết phục thị trường rằng họ vẫn đang nghiêm túc trong việc chống lạm phát nhưng đồng thời cũng cam kết không để nền kinh tế bị bóp nghẹt.
Christian Scherrmann, chuyên gia kinh tế Mỹ tại DWS, cho biết: "Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cần phải mở ra một con đường hướng tới các đợt tăng lãi suất nhỏ hơn mà không khiến nhiều người nghĩ rằng, họ đang quá ôn hòa".
Nếu đúng như vậy, có thể hiểu được lý do tại sao Chủ tịch FED Jerome Powell lại đưa ra những thông điệp cứng rắn hơn hẳn so với tuyên bố ôn hòa của FOMC. Chuyên gia Greg McBride - phó chủ tịch công ty Bankrate nhận định, "Tôi nghĩ ông Powell đang cố gắng tách biệt giữa việc tạm dừng tăng lãi suất và giảm tốc độ tăng lãi suất. Ông ấy muốn gửi đến thị trường một thông điệp rõ ràng rằng, việc tăng lãi suất có thể được thực hiện ở mức độ nhỏ hơn, nhưng nó vẫn sẽ tiếp tục diễn ra và FED vẫn cam kết hạ lạm phát về mức mục tiêu 2%".
FED cần tăng lãi suất lên mức đỉnh 5% để có thể kiềm chế lạm phát hiệu quả (Nguồn: Financial Times)
Theo ông McBride, thị trường chứng khoán Mỹ đã ghi nhận sự phục hồi trong những tuần gần đây, nhờ kỳ vọng rằng, FED sẽ xoay trục chính sách, và bớt quyết liệt hơn trong vấn đề lãi suất. Và tương tự như những gì đã diễn ra tại hội nghị Jackson Hole hồi tháng 8, ông Powell đơn giản chỉ là đánh tan những kỳ vọng đó. "Thực tế là các đợt tăng lãi suất có thể được thực hiện với quy mô nhỏ hơn, nhưng chúng vẫn sẽ tiếp tục diễn ra".
Financial Times dự báo, để đạt được mục tiêu vừa kiềm chế lạm phát, vừa trấn an giới chuyên gia và thị trường, FED sẽ phải đưa lãi suất lên mức đỉnh là 5%, cao hơn mức đỉnh 4,6% từng được lên kế hoạch hồi tháng 9.
"Những tuyên bố và cuộc họp báo vừa qua, cho phép FED để ngỏ các lựa chọn của mình. Đây là một bước đi giúp ông Powell có thể thoát khỏi chuỗi tăng lãi suất 0,75 điểm %," Jamie Anderson - người đứng đầu bộ phận giao dịch thị trường Mỹ tại Insight Investment nhận định. "Mọi người đều muốn thấy sự kết thúc của chu kỳ tăng lãi suất, nhưng cũng không muốn nó diễn ra trước khi lạm phát thực sự đi xuống".
Nguồn: CNN, CNBC, Forbes, Financial Times, Reuters