Tài chính

Người Nga đua nhau mua vàng, ngân hàng khan hàng bán

Khi mà nhà đầu tư Nga ôm nhiều vàng trong năm nay, nhiều ngân hàng địa phương đương đầu với tình trạng thiếu các thỏi vàng kích cỡ nhỏ.

Theo bản tin nghiên cứu của Kitco, tình trạng nhu cầu vàng tăng vọt diễn ra sau khi Nga bỏ thuế giá trị gia tăng 20% với vàng và sau đó bỏ thuế doanh thu 13% với hoạt động bán vàng giai đoạn năm 2022-2023 . Động thái trên được tính toán để khuyến khích đa dạng hóa thêm dòng tiền vào vàng chứ không phải các loại ngoại tệ ví như đồng USD hay euro.

Vấn đề lớn nhất với tình trạng thiếu hụt hiện tại chính là nhiều nhà máy sản xuất vàng tại Nga đã quen với việc cung cấp cho các ngân hàng lượng vàng lớn để phục vụ cho hoạt động kinh doanh bởi đây là kênh trọng tâm đầu tư lớn nhất trong quá khứ, báo Vedomosti nhấn mạnh. Nhiều doanh nghiệp sản xuất vàng giờ đây đang phải chuyển hướng sản xuất sang các thỏi vàng kích cỡ nhỏ, tuy nhiên nó không phải sự dịch chuyển nhanh chóng và sẽ cần phải mất thời gian.

Nhìn chung, đối với doanh nghiệp sản xuất vàng, việc sản xuất thỏi vàng 12kg rồi bán cho ngân hàng sẽ giúp tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều so với việc sản xuất các thỏi vàng kích cỡ nhỏ hơn, theo giám đốc bộ phận kim loại quý của ngân hàng Promsvyazbank – ông Evgeny Safonov. Thỏi vàng dược các nhà đầu tư cá nhân lựa chọn nhiều nhất là loại nặng khoảng 1kg trở xuống.

Vấn đề của việc năng lực sản xuất hạn chế giờ đây đã được giải quyết, theo chia sẻ của giám đốc điều hành bộ phận kinh doanh kim loại quý tại ngân hàng Uralsib của Nga – ông Andrey Vasiliev.

Để đáp ứng nhu cầu, các doanh nghiệp sản xuất sẽ cần phải phát triển được hạ tầng phù hợp.

Tính từ tháng 3/2022 đến nay, ngân hàng VTB của Nga đã bán 21 tấn vàng cho các khách hàng cá nhân.

Nhiều người Nga đã mua vàng như công cụ phòng ngừa rủi ro và lạm phát. Ngân hàng cho vay lớn nhất của Nga, Sberbank, đã bán 100 tấn vàng trong 9 tháng đầu năm nay, người Nga đã mở đến hơn 300.000 tài khoản vàng chưa phân phối.

Tài khoản vàng chưa phân phối đồng nghĩa ngân hàng vẫn là chủ của lượng vàng đã mua, còn tài khoản của người mua được thừa nhận. Sberbank đã phát triển hệ thống tài khoản vàng chưa phân phối nhằm đơn giản hóa quá trình mua bán vàng của người dân.

Xu thế mua nhiều vàng cũng rất phổ biến trên thế giới trong năm 2022, không chỉ các nhà đầu tư cá nhân mà ngay cả các định chế lớn cấp chính phủ cũng quan tâm đến loại tài sản này.

Ngân hàng Trung ương các nước trên thế giới mua kỷ lục 399 tấn vàng trị giá 20 tỷ USD trong quý 3/2022, nhu cầu toàn cầu đối với vàng tăng mạnh, theo công bố mới nhất từ Hội đồng vàng thế giới (WGC).

Các doanh nghiệp kinh doanh trang sức và vàng thỏi, đồng xu vàng mua gom rất nhiều vàng, tuy nhiên lượng trữ của các quỹ ETFs vàng giảm đáng kể.

Vàng thông thường vốn được coi như loại tài sản an toàn trong bối cảnh bất ổn hoặc rối loạn tăng cao, tuy nhiên nhiều nhà đầu tư tài chính bán chứng chỉ nắm giữ trong các quỹ ETFs vàng khi mà lãi suất tăng và lợi suất của nhiều loại tài sản khác tăng lên.

Việc các quỹ ETFs vàng bán mạnh đã khiến cho giá vàng giảm 8% trong quý 3/2022, tuy nhiên việc giá vàng giảm sâu như vậy khiến cho nhu cầu với vàng trang sức tăng lên, WGC nhấn mạnh.

Tính chung, nhu cầu vàng của thế giới tăng lên mức 1.181 tấn trong quý 3/2022, tăng 28% so với con số 922 tấn cùng kỳ năm 2021, WGC nhấn mạnh.

Nhu cầu đối với vàng trong khoảng thời gian 1 năm tính đến tháng 9/2022 đã hồi phục lên ngưỡng trước đại dịch COVID-19.

Việc nhiều ngân hàng trung ương lớn của thế giới mua mạnh vàng trong quý 3/2022, mức mua vào cao hơn bất kỳ quý nào tính từ năm 2000, đã đẩy tổng số lượng vàng mà ngân hàng trung ương các nước mua vào tính đến hết tháng 9/2022 lên 673 tấn, cao hơn tổng lượng mua của bất kỳ năm nào tính từ năm 1967.

Nhóm các nước mua nhiều vàng nhất bao gồm Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ, Uzbekistan, Qatar và Ấn Độ, tuy nhiên WGC cho biết rằng có lượng lớn vàng được nhiều ngân hàng trung ương mua vào nhưng không công bố hoạt động và khối lượng cụ thể.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm