Trong phiên giao dịch cuối tuần (11/3), thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa khá ổn định. Tuy nhiên, lực bán dâng cao trong phiên chiều khiến chỉ số VN-Index có thời điểm đã mất gần 20 điểm trước khi kịp hồi phục trong phiên ATC. Chỉ số đóng cửa còn giảm 12,54 điểm (-0,85%) về 1.466,54 điểm.
Tương tự, trên sàn HNX-Index cũng bị bán mạnh về cuối phiên khi giảm 5,44 điểm (-1,22%) về 442,2 điểm. UPCoM-Index đảo ngược cuối phiên khi tăng nhẹ 0,07% lên 115,37 điểm.
Chỉ số VN Index giảm mạnh trong tuần giao dịch từ ngày 7 đến 11/3
Trong phiên giao dịch đỏ lửa của VN-Index, nhóm cổ phiếu ngành thép bị bán tương đối mạnh trong đó HPG và HSG giảm gần 3,2%, NKG và TLH mất 2,4%... Đáng chú ý HPG cũng là mã cổ phiếu có lượng giao dịch lớn nhất trong ngày 11/3 với hơn 44,3 triệu cổ phiếu được trao tay, giá trị giao dịch đạt 2.137 tỷ đồng. Trong đó bên bán chiếm thế áp đảo với hơn 28 triệu cổ phiếu được bán ra.
Với đà giảm của cổ phiếu HPG trong phiên giao dịch ngày 11/3 cũng đã khiến khối tài sản của gia đình tỷ phú Trần Đình Long bị thổi bay hơn 2.400 tỷ đồng.
Tính theo giá thị trường, khối tài sản của doanh nhân 61 tuổi người Hải Dương trực tiếp nắm giữ giảm còn 55.520 tỷ đồng. Khối tài sản của bà Vũ Thị Hiền - vợ ông Long giảm còn 15.619 tỷ đồng. Trong khi đó khối tài sản của ông Trần Vũ Minh - con trai ông Long cũng giảm chỉ còn 3.322 tỷ đồng. Giá trị vốn hóa thị trường của Tập đoàn Hòa Phát giảm còn 212.911 tỷ đồng.
Trong khi đó, cùng với đà giảm của cổ phiếu HSG, khối tài sản của ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cũng bị thổi bay gần 110 tỷ đồng cùng đà giảm của cổ phiếu nắm giữ. Tính theo giá thị trường, khối tài sản của doanh nhân 59 tuổi người Quảng Nam trực tiếp nắm giữ hiện có giá trị hơn 5.853 tỷ đồng.
Kết thúc tuần giao dịch từ 7 đến 11/3, chỉ số VN Index giảm 38.79 điểm (-2.58%) về mức 1,466.54, còn HNX Index giảm 1.86% về mức 442.20.
Xét theo mức độ đóng góp, MSN, VHM, HPG và GAS là những mã có ảnh hưởng xấu nhất đến VN-Index trong tuần qua, kéo giảm tổng cộng hơn 13 điểm. Ở chiều ngược lại, bộ đôi DPM và DCM giúp VN-Index hồi phục chỉ hơn 2 điểm, có thể thấy mức đóng góp này không đáng là bao.
Theo các chuyên gia của Chứng khoán Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS) trong bối cảnh nhiều chỉ số chứng khoán lớn trên thế giới bắt đầu cho thấy những tín hiệu hồi phục đầu tiên thì tâm lý giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện vẫn chưa có sự cải thiện nào đáng kể. Thanh khoản từng phiên và cả tuần đều sụt giảm cho thấy dòng tiền vẫn đang lựa chọn đứng ngoài quan sát.
VCBS nhận định nhìn chung, sự phân hóa trên thị trường vẫn đang diễn ra với việc nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ sự leo thang của giá cả các loại hàng hóa trên thị trường quốc tế tiếp tục đi ngược lại diễn biến của chỉ số chung cũng như nhóm vốn hóa lớn. Theo đó, nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp điều chỉnh giảm để giải ngân với tỷ trọng nhỏ nhằm tích lũy dần những mã cổ phiếu mục tiêu đang được giao dịch ở các vùng giá chiết khấu cho danh mục trung – dài hạn trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời cũng cần chú trọng quản trị rủi ro một cách chặt chẽ và tránh lạm dụng đòn bẩy trong những thời điểm thị trường xuất hiện biến động mạnh.
Sau một tuần giảm mạnh, theo các chuyên gia của Công ty chứng khoán Bản Việt dự báo trong phiên giao dịch tuần tới, ngưỡng hỗ trợ tại 1470 điểm của VN30 có thể thúc đẩy lực mua tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, tạo hiệu ứng cho chỉ số này cũng như VN-Index hồi phục.
Theo đó, VN-Index có thể sẽ kiểm định lại kháng cự MA100 tại 1.470 điểm vừa đánh mất còn VN30 sẽ kiểm định kháng cự MA200 ngày tại 1.490 điểm. Ở kịch bản tích cực, nếu VN-Index có thể vượt thuyết phục qua mốc 1.470 điểm, nó sẽ là tiền đề để chỉ số này tăng trở lại lên vùng kháng cự tại 1.515 - 1.535 điểm vào nửa cuối tháng 3. Ngược lại, nếu không thể vượt trở lại lên trên mốc 1.470 điểm sau một vài nhịp kiểm định, VN-Index có thể sẽ xác nhận nhịp giảm, hướng về vùng hỗ trợ quanh 1.400 điểm.