
Toàn cảnh đại hội bất thường ngân hàng PGBank (Ảnh: Minh Nguyệt)
Sáng nay (ngày 22/7), Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank - Mã: PGB) tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường nhằm thông qua một số nội dung như điều chỉnh phương án tăng vốn; bầu bổ sung thành viên Hội đồng Quản trị, thành viên Ban Kiểm soát; góp vốn, mua cổ phần của tổ chức để tổ chức đó thành công ty con, công ty liên kết của PGBank,...
Mục tiêu lợi nhuận hơn 2.100 tỷ năm 2028 sau khi tăng vốn
Tại đại hội, ông Trần Ngọc Dũng - Trưởng Ban Kiểm soát cho biết trước đó ngày 24/4/2025, ĐHĐCĐ đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 5.000 tỷ đồng, trong đó tăng thêm 500 tỷ đồng thông qua phát hành trả cổ tức và tăng vốn điều lệ thêm 4.500 tỷ đồng thông qua chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu.
Theo lộ trình phương án tăng vốn điều lệ PGBank tại Nghị quyết số 02/2025/NQ-HĐQT, PGBank thực hiện việc chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu sau khi hoàn thành phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.
Việc thực hiện các bước nêu trên sẽ không đảm bảo thời hạn hoàn thành việc tăng vốn theo nhu cầu thực tế của PGBank. Vì vậy, việc sửa đổi lộ trình thực hiện các phương án tăng vốn theo Nghị quyết số 02/2025/NQ-ĐHĐCĐ là cần thiết để đảm bảo tiến độ triển khai và sự thuận tiện trong quá trình thực hiện.
Theo đó, HĐQT PGBank trình đại hội phương án tăng vốn điều lệ 2025 thông qua chào bán thêm 450 triệu cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 10:9 (cổ đông sở hữu 10 quyền mua sẽ được mua 9 cp mới).
Ngoài ra, ngân hàng cũng dự kiến tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 10% (cổ đông sở hữu 10 cp sẽ được nhận một cp phát hành thêm). Nguồn phát hành từ lợi nhuận chưa phân phối căn cứ trên báo cáo tài chính năm 2024 đã được kiểm toán của PGBank sau khi hoàn tất các nghĩa vụ thuế và trích lập các quỹ theo quy định.
Thời gian dự kiến thực hiện trong năm 2025, 2026; thời điểm phát hành cụ thể được HĐQT quyết định phù hợp với chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
Toàn bộ số tiền thu được từ đợt phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, chào bán thêm cổ phiếu là 5.000 tỷ đồng. Số vốn này được sử dụng để cho vay nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng trong khoảng thời gian 2025-2028.Sau phát hành, vốn điều lệ của PGBank dự kiến tăng thêm 5.000 tỷ đồng, lên 10.000 tỷ đồng.
Theo tài liệu công bố, PGBank cũng dự kiến một số chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2025 – 2028 sau khi hoàn thành tăng vốn điều lệ. Trong đó, mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2025 đã được tăng từ mức 716 tỷ đồng trước đó lên 1.001 tỷ đồng. Lợi nhuận năm 2026 dự kiến là 1.306 tỷ đồng, 2027 là 1.628 tỷ đồng và 2028 là 2.168 tỷ đồng.
Chia sẻ thêm về kế hoạch tăng vốn, bà Cao Thị Thuý Nga - Chủ tịch HĐQT cho biết các ngân hàng đang tiến tới mục tiêu Basel III, trong đó yêu cầu rất chặt chẽ và cao về tỷ lệ an toàn vốn. Tỷ lệ này phản ánh trực tiếp năng lực tài chính và khả năng chống chịu rủi ro của một ngân hàng.
Theo bà Nga, trong khi đó, quy mô hiện tại của PGBank vẫn còn nhỏ so với mặt bằng chung của thị trường, nên việc tăng vốn là điều tất yếu để nâng cao sức khỏe tài chính và khả năng cạnh tranh.
Thứ hai, tăng vốn sẽ mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng. Theo quy định, tín dụng luôn bị giới hạn bởi tỷ lệ trên vốn tự có, do đó việc nâng vốn điều lệ sẽ giúp ngân hàng có thêm dư địa cấp tín dụng cho nền kinh tế.
Thứ ba, nâng vốn cũng là điều kiện cần để PGBank thực hiện các kế hoạch đầu tư vào công ty con, công ty liên kết. Khi vốn tự có tăng, hệ số an toàn vốn cải thiện, ngân hàng mới đủ điều kiện pháp lý để thực hiện các hoạt động đầu tư theo đúng quy định.

Lấn sân mảng bảo hiểm, chứng khoán
Tại đại hội, HĐQT trình cổ đông thông qua chủ trương góp vốn, mua cổ phần để thành lập mua lại công ty con, công ty liên kết ở trong nước hoạt động trong một/một số các lĩnh vực gồm: bảo lãnh phát hành chứng khoán, môi giới chứng khoán; quản lý, phân phối chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư chứng khoán và mua, bán cổ phiếu; Bảo hiểm.
Công ty mục tiêu mà PGBank dự định góp vốn, mua cổ phần là công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ hoặc công ty bảo hiểm; đáp ứng các điều kiện khác theo quy định của pháp luật và quy định hiện hành của PGBank tại thời điểm góp vốn, mua cổ phần.
Nguồn tiền góp vốn/mua cổ phần từ vốn điều lệ và quỹ dự trữ của PGBank trên cơ sở phù hợp với quy định pháp luật. Với tỷ lệ tham gia góp vốn/mua cổ phần là toàn bộ hoặc một phần vốn điều lệ của công ty mục tiêu mà PGBank sẽ tham gia góp vốn, mua cổ phần tùy thuộc vào thỏa thuận với các bên liên quan và tối đa trong phạm vi pháp luật cho phép.
Giá trị giao dịch, giá trị góp vốn, mua cổ phần dự kiến có giá trị từ 20% vốn điều lệ trở lên của ngân hàng ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc mức khác phù hợp với quy định của pháp luật và điều lệ PGBank đảm bảo công ty mục tiêu trở thành công ty con, công ty liên kết của PGBank.
Động thái mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực tài chính ngoài ngân hàng được PGBank lý giải nhằm thực hiện chiến lược 5 năm giai đoạn 2025–2030, thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ban chủ toạ đại hội bất thường ngân hàng PGBank (Ảnh: Minh Nguyệt)
Trả lời câu hỏi về chủ trương đầu tư thành lập hoặc mua lại công ty con, công ty liên kết, Chủ tịch PGBankCao Thị Thuý Nga nhấn mạnh đây không chỉ là định hướng riêng của ngân hàng mà còn là xu hướng chung trong ngành tài chính – ngân hàng hiện nay.
Đối với PGBank, chiến lược này nhằm hướng tới xây dựng một hệ sinh thái tài chính toàn diện, từ đó nâng cao trải nghiệm khách hàng với các sản phẩm tài chính có liên kết chặt chẽ với hoạt động ngân hàng truyền thống. Ngân hàng đặt mục tiêu phục vụ nhóm khách hàng có dòng tài sản ổn định, hướng đến phân khúc khách hàng cao cấp, đặc biệt trong mảng quản lý tài sản cá nhân.
Việc đầu tư sang lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán không chỉ nhằm mở rộng danh mục sản phẩm dịch vụ, mà còn giúp đa dạng hóa nguồn thu của ngân hàng.
Theo bà Nga, trong bối cảnh ngân hàng không được phép đầu tư trực tiếp vào thị trường chứng khoán, thì việc sở hữu công ty con hoặc công ty liên kết trong lĩnh vực tài chính – công nghệ tài chính là một giải pháp chiến lược để tối ưu hóa lợi nhuận.
PGBank đặt ra các tiêu chí rõ ràng đối với các công ty mục tiêu, bao gồm: uy tín thương hiệu, năng lực tài chính, nền tảng quản trị rủi ro tốt, mạng lưới khách hàng ổn định và hiệu quả kinh doanh đáp ứng các chỉ tiêu như ROE, ROA kỳ vọng.
Bà Nga cho biết PGBank cam kết sẽ tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước về hệ số an toàn vốn, năng lực tài chính, quản trị điều hành cũng như chuẩn mực đầu tư.
Quản trị các công ty con là lĩnh vực phức tạp, vì vậy, song song với việc tìm kiếm đối tác phù hợp, ngân hàng cũng đặt mục tiêu nâng cao năng lực quản trị nội bộ và đầu tư cho hệ thống công nghệ nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư bền vững.
"Chúng tôi sẽ từng bước hoàn thiện mình trước, sau đó là nâng cao cái năng lực quản trị của mình, đáp ứng điều kiện của ngân hàng nhà nước và chúng tôi sẽ tiếp cận nghiên cứu các đối tượng mục tiêu như trong tờ trình đã đề ra", bà Nga cho hay.
Đề cử nhân sự từ Tập đoàn Thành Công
Tại đại hội lần này, ngân hàng cũng sẽ trình cổ đông bầu bổ sung một thành viên HĐQT độc lập và một thành viên Ban Kiểm soát cho nhiệm kỳ 2025–2030.
Cụ thể, người dự kiến được bầu làm thành viên độc lập HĐQT PGBank là ông Bùi Vương Anh, sinh năm 1974, có trình độ học vấn cử nhân Kinh tế, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội.
Ông có 24 năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực ngoại giao chính trị, kinh tế, thương mại, văn hóa, lãnh sự và bảo hộ công dân, tài chính, kế toán;
Ông từng đảm nhiệm vị trí Trưởng thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Italy; Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu Bộ Công Thương; Phó Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu, Châu Mỹ Bộ Công Thương; Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức…
Hiện ông đang là Phó Chánh Văn phòng Ban Điều hành tập đoàn kiêm Trợ lý Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Thành Công.
Trong khi đó, thành viên BKS dự kiến được bầu là bà Chu Thị Hường sinh năm 1979, có trình độ học vấn cử nhân kinh tế - Đại học Tài chính kế toán Hà Nội (nay là Học viện Tài chính).
Bà Hường có 23 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, bà từng đảm nhiệm Trưởng Kiểm toán nội bộ ABBank; Giám đốc Khối QTRR ABBank; Trưởng Ban Kiểm soát - Công ty chứng khoán An Bình (ABS). Hiện bà là Trưởng Ban Kiểm soát nội bộ CTCP Tập đoàn Thành Công.
Đại hội đã thông qua tất cả tờ trình.