Đối với ngành sức khoẻ, ngành Y khoa và Răng - Hàm - Mặt có mức điểm sàn cao nhất là 20,5 điểm. Xếp sau là các ngành Y học cổ truyền và Dược học với mức điểm sàn từ 19 điểm trở lên. Các ngành còn lại thuộc nhóm sức khỏe có điểm sàn từ 17 điểm trở lên.
Cụ thể, điểm sàn được xác định dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, áp dụng cho thí sinh khu vực 3, tính theo điểm tối thiểu không nhân hệ số của tất cả tổ hợp xét tuyển. Việc xác định điểm sàn không phân biệt giữa thí sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2006 hay chương trình năm 2018.

So với năm 2024, mức điểm sàn của nhiều ngành giảm. Năm ngoái, điểm sàn ngành Y khoa và Răng - Hàm - Mặt là 22,5 điểm; ngành Dược học và Y học cổ truyền là 21 điểm. Các ngành còn lại như Điều dưỡng, Hộ sinh, Y học dự phòng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Kỹ thuật phục hình răng đều có mức điểm sàn là 19 điểm.
Đối với ngành sư phạm, mức điểm sàn trình độ đại học dao động từ 18 đến 19 điểm.
Cụ thể, mức điểm tối thiểu (không nhân hệ số, không tính điểm ưu tiên) đối với thí sinh khu vực 3, áp dụng cho tất cả các tổ hợp gồm 3 bài thi/môn thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT như sau:
Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học là 19 điểm.
Riêng các ngành Giáo dục Thể chất, Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mỹ thuật: mức điểm sàn là 18 điểm đối với tổ hợp xét tuyển gồm 3 môn văn hóa. Các tổ hợp xét tuyển khác thực hiện theo quy định của quy chế tuyển sinh hiện hành.
Đối với ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng, điểm sàn là 16,5 điểm đối với tổ hợp xét tuyển 3 môn văn hóa. Các tổ hợp khác cũng thực hiện theo quy định của quy chế tuyển sinh hiện hành.
Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường đại học, học viện, trường cao đẳng có đào tạo ngành giáo viên thực hiện việc xét tuyển thí sinh dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT theo đúng quy định của quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non hiện hành và các văn bản hướng dẫn có liên quan.