Kinh doanh

Cái bắt tay giữa Fundiin và EVNFinance làm nóng cuộc đua mua trước trả sau

Nền tảng "Mua trước, trả sau" (BNPL) Fundiin đã công bố hợp tác chiến lược với công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFinance).

Hai bên sẽ triển khai một dịch vụ BNPL với hạn mức vay lên đến 60 triệu đồng. Quy trình của dịch vụ này được thực hiện trực tuyến và duyệt ngay lập tức.

Fundiin được thành lập năm 2019. Doanh nghiệp này hoạt động theo mô hình BNPL không thu hồi nợ, sử dụng nền tảng công nghệ và khoa học dữ liệu để xét duyệt tự động và kiểm soát rủi ro. 

Theo ông Nguyễn Ảnh Cường, CEO Fundiin, sự hợp tác này nằm trong chiến lược mở rộng của công ty. Mục tiêu là đưa giải pháp BNPL đến nhóm người tiêu dùng chưa được các tổ chức tài chính truyền thống phục vụ tốt.

Về phía EVNFinance, ông Nguyễn Tiến Sỹ, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội kiêm Phó Giám đốc Khối Tài chính số, cho biết công ty đang tìm kiếm các đối tác trong ngành công nghệ và tài chính để thúc đẩy mục tiêu kinh doanh. Ông xem việc hợp tác với Fundiin là một bước đà cho mục tiêu này.

Fundiin hiện được đầu tư bởi các quỹ từ Nhật, Singapore, Indonesia, Mỹ và Việt Nam. Doanh nghiệp đã hợp tác với hơn 1.000 đơn vị bán lẻ trong các lĩnh vực thể thao, thời trang, giải trí, nha khoa, y tế, giáo dục và điện máy.

EVNFinance được thành lập năm 2008. Theo thông cáo, đây là công ty tài chính tổng hợp duy nhất tại Việt Nam.

Bối cảnh thị trường Mua trước trả sau tại Việt Nam

Dịch vụ Mua trước trả sau đang nổi lên như một giải pháp thay thế cho thẻ tín dụng, đặc biệt thu hút nhóm người tiêu dùng trẻ tuổi. Mô hình này cho phép người dùng chia nhỏ giá trị giao dịch thành nhiều kỳ thanh toán, thường không tính lãi suất.

Theo một báo cáo từ PYMNTS - một đơn vị theo dõi thông tin và phân tích dữ liệu ngành tài chính có trụ sở tại Mỹ, gần 60% người dùng ưu tiên BNPL hơn thẻ tín dụng vì quy trình duyệt đơn giản và không có phí lãi suất.

Dữ liệu từ Statista cũng cho thấy, số người dùng BNPL tại Việt Nam đã tăng từ 2,7 triệu (năm 2021) lên 8,7 triệu (năm 2022).

Mặc dù tăng trưởng nhanh, tỷ lệ thâm nhập BNPL tại Việt Nam hiện chỉ ở mức 1%, thuộc nhóm thấp trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều này cho thấy thị trường còn nhiều dư địa phát triển.

Thị trường Việt Nam hiện có sự tham gia của các công ty tài chính như Home Credit, FE Credit và các công ty công nghệ tài chính (fintech) như Kredivo, Fundiin. Gần đây, nền tảng Be Group cũng đã gia nhập cuộc đua với dịch vụ bePayLater, cung cấp bởi ngân hàng số Cake by VPBank.

Các đơn vị này đang tích cực mở rộng mạng lưới và hệ sinh thái. BePayLater miễn lãi tới 45 ngày cho các dịch vụ trên ứng dụng, Fundiin hợp tác với Medpro để triển khai tại hơn 200 cơ sở y tế, trong khi Home Credit liên kết với Traveloka trong lĩnh vực du lịch.

Thị trường được đánh giá đang trong giai đoạn sơ khai, thị phần chưa định hình rõ ràng. Chia sẻ với chúng tôi hồi cuối năm 2023, ông Nguyễn Ảnh Cường, CEO Fundiin, đánh giá sự tham gia của nhiều đơn vị mới là một tín hiệu tích cực cho thấy sức hấp dẫn của thị trường.

Ông Cường cho rằng cạnh tranh sẽ giúp lĩnh vực BNPL mở rộng nhanh hơn trong bối cảnh quy mô tiềm năng còn rất lớn.

Các tin khác

Ba không khi ăn chuối

Chuối là trái cây chứa nhiều vitamin, khoáng chất tốt cho cơ thể, nhưng cần có những lưu ý nhất định khi ăn loại quả này.