Công nghệ

Những thói quen vô tình giúp mã độc lẻn vào điện thoại

Điện thoại thông minh đã trở thành vật bất ly thân, lưu trữ vô số dữ liệu cá nhân nhạy cảm. Tuy nhiên, nhiều người dùng không biết rằng chính những thói quen hằng ngày của họ lại có thể biến chiếc điện thoại thành mục tiêu dễ dàng cho mã độc (malware). Dưới đây là những "cửa ngõ" phổ biến nhất mà các tin tặc đang lợi dụng để xâm nhập vào thiết bị của các nạn nhân.

1. Những thông báo "từ trên trời rơi xuống"

Đây là một trong những thủ đoạn phổ biến nhất. Khi bạn duyệt web, các trang web xấu có thể yêu cầu quyền gửi thông báo. Nếu đồng ý, chúng sẽ liên tục gửi các pop-up giả mạo như "Bạn đã trúng thưởng" hoặc "Điện thoại của bạn đã bị nhiễm virus". Mục đích của chúng là lừa bạn nhấp vào, khi đó mã độc sẽ được cài đặt.

Những thói quen vô hại nhưng rất nguy hiểm giúp mã độc lẻn vào điện thoại - Ảnh 1.

Những cảnh báo virus giả mạo khiến người dùng dễ sa bẫy

ẢNH: REDDIT

Vì vậy, tuyệt đối không nhấp vào những thông báo đáng ngờ này. Hãy đóng ngay tab trình duyệt. Nếu đã lỡ tay, hãy vào cài đặt trình duyệt để chặn thông báo từ trang web đó và xóa bộ nhớ đệm (cache).

2. Email và tin nhắn lừa đảo

Chiêu trò Phishing (qua email) và Smishing (qua tin nhắn) là những cách lừa đảo không bao giờ lỗi thời. Kẻ xấu sẽ gửi các liên kết hoặc tệp đính kèm độc hại, giả mạo các thương hiệu lớn hoặc tạo ra các tình huống khẩn cấp để lừa bạn. Ngày nay, với sự trợ giúp của AI, các tin nhắn lừa đảo đang trở nên tinh vi và khó phân biệt hơn bao giờ hết.

Những thói quen vô hại nhưng rất nguy hiểm giúp mã độc lẻn vào điện thoại - Ảnh 2.

Cẩn trọng trước những tin nhắn SMS giả mạo

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH NABNEWS

Cách phòng tránh là đừng bao giờ nhấp vào liên kết hoặc tải tệp từ những email, tin nhắn không rõ nguồn gốc hoặc có dấu hiệu đáng ngờ (lỗi chính tả, yêu cầu khẩn cấp bất thường).

3. Lười cập nhật phần mềm

Việc bỏ qua các thông báo cập nhật hệ điều hành và ứng dụng là một sai lầm nghiêm trọng. Các bản cập nhật không chỉ mang đến tính năng mới mà còn chứa các bản vá bảo mật cực kỳ quan trọng, sửa chữa những lỗ hổng mà tội phạm mạng có thể khai thác để cài mã độc.

Hãy luôn cập nhật hệ điều hành và ứng dụng ngay khi có phiên bản mới, đặc biệt là hãy ưu tiên bật chế độ cập nhật tự động trên thiết bị.

Những thói quen vô hại nhưng rất nguy hiểm giúp mã độc lẻn vào điện thoại - Ảnh 3.

Hãy cập nhật phần mềm để luôn được bảo vệ

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH ANDROID CENTRAL

4. Mã độc từ ứng dụng không rõ nguồn gốc và ứng dụng "bị bỏ rơi"

Việc cài đặt ứng dụng từ các cửa hàng của bên thứ ba (sideloading) luôn tiềm ẩn rủi ro vì chúng không được kiểm duyệt nghiêm ngặt như Google Play hay App Store. Ngoài ra, ngay cả những ứng dụng trên cửa hàng chính thức nhưng đã lâu không được nhà phát triển cập nhật cũng nguy hiểm vì chúng có thể chứa các lỗ hổng chưa được vá.

Những thói quen vô hại nhưng rất nguy hiểm giúp mã độc lẻn vào điện thoại - Ảnh 4.

Không nên tải các ứng dụng từ những nguồn kém an toàn

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH FRAUD

Để giữ an toàn cho bản thân, bạn chỉ nên tải ứng dụng từ các cửa hàng chính thức. Trước khi tải, hãy kiểm tra phần đánh giá và ngày cập nhật cuối cùng của ứng dụng.

5. Truy cập các trang web giả mạo, không an toàn

Các trang web giả mạo (tên miền viết sai lệch so với trang chính chủ, không có chứng chỉ bảo mật SSL) là một trong những nguồn lây nhiễm mã độc hàng đầu. Chỉ cần truy cập vào những trang này cũng có thể khiến thiết bị của bạn bị cài phần mềm gián điệp hoặc mã độc.

Hãy luôn kiểm tra kỹ lưỡng địa chỉ trang web trước khi truy cập. Tránh xa các trang web có dấu hiệu đáng ngờ. Đồng thời, sử dụng các trình duyệt có tính năng cảnh báo trang web nguy hiểm.

Luôn để ý các địa chỉ trang web để tránh sập bẫy tin tặc

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH SECTIGO

Bằng cách nhận biết và phòng tránh những con đường tấn công phổ biến kể trên, bạn có thể tự xây dựng một lớp phòng thủ vững chắc cho chiếc điện thoại thông minh của mình.

Các tin khác

Ba không khi ăn chuối

Chuối là trái cây chứa nhiều vitamin, khoáng chất tốt cho cơ thể, nhưng cần có những lưu ý nhất định khi ăn loại quả này.