Cơ cấu chi của các trường đại học tự chủ - Đồ họa: M.G.
Hiện nay, cả nước có tổng cộng 141/232 trường đại học đủ điều kiện tự chủ theo quy định tại khoản 2 điều 32 Luật giáo dục đại học (không tính các trường đại học thuộc khối công an, quân đội; các trường đại học quốc tế). Nguồn thu của trường chủ yếu vẫn là học phí.
50% chi cho con người
Theo Bộ Giáo dục và đào tạo, đến thời điểm hiện tại: 32,76% trường đại học đã tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (nhóm 1), 13,79% số lượng trường đã tự bảo đảm chi thường xuyên (nhóm 2). Số trường chưa bảo đảm chi thường xuyên nhưng có kế hoạch trong thời gian sắp tới chiếm khoảng 16,38%.
Trong số 36 trường đại học tự chủ trực thuộc Bộ Giáo dục và đào tạo: có 11 trường đại học tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư (nhóm 1), tự đảm bảo chi thường xuyên (nhóm 2) và 25 trường tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (nhóm 3).
Qua thống kê số liệu quyết toán giai đoạn 2016-2021 của Bộ Giáo dục và đào tạo, về cơ bản nguồn thu chi cho con người (bao gồm cả chi thu nhập tăng thêm và chi vượt giờ) chiếm tỉ trọng trên 50% trên tổng chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo đại học và sau đại học.
Chi đầu tư cơ sở vật chất chiếm tỉ trọng 7%, chi chế độ cho học sinh, sinh viên chiếm tỉ trọng khoảng 4%, chi trích lập các quỹ chiếm tỉ trọng 10%, chi đào tạo khác chiếm tỉ trọng 25 - 26% tổng chi.
Nguồn kinh phí chi cho đào tạo hiện nay chủ yếu chi cho con người (tiền lương, tiền công, tiền làm thêm giờ, phụ cấp theo chế độ), chiếm tới 73%. Nguồn kinh phí dành cho tăng cường cơ sở vật chất (mua sắm, sửa chữa) chỉ chiếm 7%, nguồn kinh phí khác chi cho hoạt động đào tạo chiếm 18% tổng chi, thu nhập người lao động bao gồm cả thu nhập tăng thêm, làm thêm giờ và tiền thưởng chiếm 2%.
Từ 2018 đến 2021, tổng thu của các cơ sở giáo dục đại học tự chủ đa phần tăng lên, thu nhập bình quân của giảng viên và cán bộ quản lý tăng mạnh: tăng 20,8% đối với giảng viên và 18,7% đối với cán bộ quản lý. Đối với 23 trường tự chủ theo nghị quyết 77/NQ-CP, trong giai đoạn 2018-2021, thu nhập giảng viên tăng trung bình 26,1%, thu nhập cán bộ quản lý tăng trung bình 24,5%.
Thu nhập của giảng viên, người lao động đã tăng lên rõ rệt so với thu nhập bình quân giai đoạn trước. Lương, thu nhập tăng thêm và phúc lợi trung bình tăng 20,33% so với trước tự chủ.
Một số cơ sở giáo dục đại học thu nhập tăng thêm đáng kể so với lương cơ bản, trong đó Trường đại học Hà Nội tăng thêm 100%, Trường đại học Kinh tế TP.HCM tăng thêm 75% Trường đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội tăng thêm 70%, Trường đại học Kinh tế quốc dân tăng thêm 60%...
Mở rộng tuyển sinh, tăng học phí
Tình hình mở ngành đào tạo từ năm 2016 đến 2021 theo thẩm quyền tại các cơ sở giáo dục đại học bảo đảm điều kiện tự chủ đại học - Nguồn: Bộ GD-ĐT
Với cơ cấu chi như vậy, Bộ Giáo dục và đào tạo cho rằng do nguồn kinh phí hạn hẹp, nguồn kinh phí hiện tại chủ yếu dành để chi trả cho con người, chi tăng cường điều kiện dạy và học chiếm tỉ trọng thấp, như vậy khó có điều kiện nâng cao chất lượng dạy và học.
Cũng theo Bộ Giáo dục và đào tạo, nhiều cơ sở giáo dục đại học tự chủ (đặc biệt là các đơn vị đã được tự chủ toàn diện, sâu rộng từ trước khi Luật giáo dục đại học có hiệu lực thi hành) đã thành công trong việc quản lý chất lượng tuyển sinh, đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng một số trường chưa chú trọng tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng dẫn đến các vi phạm như liên kết đào tạo ngoài cơ sở, đào tạo văn bằng đại học khác, mở ngành khi chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, thực hiện tuyển sinh vượt so với kế hoạch.
Một số trường tăng quy mô đào tạo nhưng chưa tăng kịp các điều kiện bảo đảm chất lượng tương ứng. Một số trường diện tích, khuôn viên chưa đảm bảo quy định, chưa đầu tư, phát triển hiện đại và hiệu quả cơ sở vật chất.
Các trường đã tự chủ từ sớm và nhiều trường ngoài công lập có tầm nhìn, kế hoạch và nguồn lực tài chính để đầu tư, phát triển nhà trường, nâng cao uy tín, năng lực cạnh tranh thông qua chất lượng cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, cơ hội việc làm cho sinh viên.
Tuy nhiên, khi các cơ quan chủ quản cắt giảm kinh phí (cắt giảm ngay, cắt giảm có lộ trình, mức đầu tư thấp), nhiều trường đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận hành, đầu tư phát triển và giữ đội ngũ giảng viên giỏi.
Vì vậy, các trường này buộc phải mở rộng quy mô tuyển sinh và tăng học phí, dẫn đến các điều kiện bảo đảm chất lượng để thực hiện đào tạo (giảng viên, cơ sở vật chất) không theo kịp.
Giảm cơ sở vật chất
Theo thống kê kết quả hoạt động giai đoạn 2018-2021, về chỉ số tăng cường cơ sở vật chất có nhiều biến động. Chẳng hạn về diện tích đất sử dụng, 80% số trường giữ nguyên, 15,2% tăng, 4,8% giảm. Diện tích sàn xây dựng cũng có sự thay đổi khi có 3,8% số trường giảm, 57,1% tăng.
Tuy nhiên khi xét tỉ trọng chi cho cơ sở vật chất trong tổng chi hằng năm có đến 34,3% số trường giảm, 18,1% giữ nguyên. Như vậy số trường cắt giảm hoặc giữ nguyên mức chi cho cơ sở vật chất trong tổng chi hằng năm nhiều hơn số trường tăng.