Tại buổi công bố ngày 11/9 ở Hà Nội, bà Virginia Kent, điều phối viên cấp cao về Đạo luật CHIPS của Mỹ, công bố cổng thông tin itsi-skillsaccelerator, cung cấp các khóa học miễn phí về công nghiệp bán dẫn.
Đây là một phần trong hoạt động của Quỹ Đổi mới sáng tạo và An ninh công nghệ quốc tế ITSI, được đưa ra nhân dịp Mỹ và Việt Nam kỷ niệm một năm ký kết Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, tháng 9/2023. Quỹ được lập ra với mục tiêu đa dạng hóa và mở rộng năng lực lắp ráp, kiểm tra và đóng gói (ATP) cho bán dẫn toàn cầu. Việt Nam là một trong tám quốc gia chiến lược được lựa chọn cho chương trình này, cùng Costa Rica, Mexico, Panama, Indonesia, Philippines, Kenya và Ấn Độ.
Các chương trình học do Đại học bang Arizona (ASU) tổ chức với sự tham gia giảng dạy của chuyên gia từ các đại học hàng đầu thế giới qua hình thức trực tuyến. Để đăng ký, học viên cần là người đến từ các quốc gia trên, nộp đơn trên website và được xét duyệt hàng tuần. Các khóa học được cung cấp là về đặc tính bán dẫn, vật liệu bán dẫn, phương pháp chế tạo, bán dẫn, vi mạch điện tử...
Theo ông Jeffrey Goss, nhà nghiên cứu của chương trình ITSI tại ASU, sự hợp tác mở ra cơ hội lớn cho sinh viên và chuyên gia Việt Nam có được các kỹ năng tiên tiến trong công nghệ bán dẫn. "Chúng tôi vinh dự hỗ trợ trên hành trình của Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành một nhân tố chủ chốt trong ngành công nghiệp này", ông nói.
Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper nhấn mạnh việc hợp tác phát triển lực lượng lao động "sẽ định hình ngành công nghiệp bán dẫn trong nhiều năm tới" và tạo ra mối quan hệ đối tác lâu dài giữa hai bên.
Tại sự kiện, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhắc lại việc Việt Nam và Mỹ đã thống nhất đưa đổi mới sáng tạo và công nghệ cao, nhất là ngành công nghiệp bán dẫn, trở thành trụ cột quan trọng trong mối quan hệ hợp tác hai nước. Ông đánh giá cao việc Mỹ cam kết hỗ trợ Việt Nam xây dựng hệ sinh thái bán dẫn, góp phần đào tạo hàng chục nghìn kỹ sư đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế trong và ngoài nước.
Theo Bộ trưởng, ITSI là bước tiến quan trọng trên hành trình từng bước làm chủ công nghệ của người Việt, tạo ra "một tương lai đầy hứa hẹn cho ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam".
Trước đó, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia NIC thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tổ chức nhiều chương trình đào tạo về ngành bán dẫn, kết hợp với nhiều doanh nghiệp như Qorvo, Cadence, Google, Siemens, Samsung, FPT.