Các nhà nhân chủng học Mỹ đã thực hiện một nghiên cứu kéo dài trong vòng 2,5 năm, khảo sát theo dõi trên 42 gia đình và ghi lại các cuộc trò chuyện giữa con trẻ và cha mẹ chúng. Cuộc khảo sát cho thấy, những đứa trẻ được sinh ra trong các gia đình khá giả có tần suất giao tiếp với cha mẹ thường xuyên hơn gấp 2-4 lần so với những đứa trẻ sinh ra trong các gia đình có mức thu nhập trung bình, cha mẹ thường xuyên bận rộn.
Sau đó, các đại học nổi tiếng của Mỹ như MIT, Đại học Harvard và Đại học Pennsylvania đã thực hiện một dự án nghiên cứu khác nhằm khẳng định và bổ sung thêm cho quan điểm này. Họ đã nghiên cứu hơn 30 trẻ em trong độ tuổi từ 4-6 tuổi, trong đó, nghiên cứu về sự hoạt động não bộ của trẻ khi chúng nghe cha mẹ kể chuyện và xem lại các đoạn ghi âm về tương tác của trẻ với cha mẹ.
Ảnh minh họa
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng: trẻ nói chuyện với cha mẹ càng thường xuyên thì tần suất hoạt động của các vùng não chịu trách nhiệm về ngôn ngữ càng lớn. Điều này không tương quan với các yếu tố kinh tế gia đình, trình độ học vấn của cha mẹ và vốn từ vựng chúng được học trước. Điều đó có nghĩa là, ngay cả những đứa trẻ có xuất thân bình thường cũng sẽ có sự phản xạ rất nhạy nếu chúng nói chuyện nhiều hơn với cha mẹ hằng ngày.
Các nhà nghiên cứu rút ra kết luận: Tần suất giao tiếp, nói chuyện giữa cha mẹ và con cái có thể ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển trí não của trẻ. Có 4 lợi ích lớn khi cha mẹ thường xuyên trò chuyện với con cái:
1. Giúp kích thích trí tưởng tượng của trẻ
Khi chúng ta trò chuyện với con, tức là chúng cũng đang tiếp nhận thông tin và liên tưởng đến các sự việc, tình huống trong tâm trí của chúng. Ví dụ, khi chúng ta nói về "con chó con", đứa trẻ sẽ nghĩ đến hình ảnh của chú chó con mà chúng đã nhìn thấy trước đây.
Ảnh minh họa
Vì vậy, khi trẻ càng lớn, cha mẹ càng trò chuyện với trẻ nhiều thì sức liên tưởng của trẻ càng phong phú, trí tưởng tượng sẽ phát triển vượt trội.
2. Phát triển kỹ năng suy luận của trẻ
Khả năng tư duy của trẻ tuy còn non nớt, nhưng chúng sẽ bắt chước theo tư duy logic trong từng lời nói của cha mẹ thông qua các buổi nói chuyện. Trong cuộc đối thoại với cha mẹ, con cái cũng sẽ được tác động làm theo tư duy logic của cha mẹ.
Khi khả năng nhận thức và tư duy ngày càng phát triển, trẻ ngày càng hiểu nhiều điều hơn, con sẽ bắt chước một cách tự nhiên, hoặc áp dụng một cách tinh tế tư duy logic có được từ cha mẹ để phát triển khả năng suy luận của mình.
3. Cải thiện kỹ năng giao tiếp và ngôn ngữ của trẻ
Cha mẹ nói chuyện với con với tần suất nhiều chắc chắn sẽ giúp con cải thiện kỹ năng ngôn ngữ theo thời gian. Từ lúc con còn "bập bẹ" cho đến khi biết nói, cha mẹ có rất nhiều chủ đề để trò chuyện cùng con. Trong quá trình trò chuyện, bạn sẽ thấy rằng trẻ phát âm rõ ràng, phát âm chuẩn, suy nghĩ rất logic và kỹ năng giao tiếp của trẻ ngày càng phát triển hơn.
4. Có thể giải phóng cảm giác tiêu cực của trẻ
Những bậc cha mẹ thường xuyên trò chuyện với con cái sẽ kịp thời hiểu được tâm tư, nguyện vọng của chúng. Khi được thấu hiểu và lắng nghe, chúng sẽ xem cha mẹ là người bạn đáng tin cậy, từ đó, con sẽ sẵn sàng chia sẻ với cha mẹ những chuyện vui, buồn cũng như tâm sự của chúng.
Trong cuộc trò chuyện, cha mẹ có thể kịp thời hiểu được một số cảm xúc tiêu cực của trẻ, từ đó an ủi và giúp trẻ điều chỉnh tâm trạng kịp thời. Cảm xúc tiêu cực được giải phóng sẽ có lợi hơn cho sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ.
5. Tăng sự gắn kết mối quan hệ cha mẹ - con cái
Khó khăn lớn nhất trong việc cha mẹ giáo dục con cái chính là mối quan hệ cha mẹ - con cái. Nếu cha mẹ ít nói chuyện với con, có lẽ mối quan hệ này đang rơi vào tình trạng báo động.
Mối quan hệ cha mẹ - con cái tuyệt vời nhất là khi cha mẹ và con cái giống như những người bạn và có thể thoải mái chia sẻ cho nhau nghe về mọi thứ. Cách tốt nhất là, cha mẹ nên tìm hiểu những chủ đề mà con yêu thích, cha mẹ sẽ dễ dàng tiếp cận vào bước vào thế giới nội tâm của con hơn.
Ảnh minh họa
Trong quá trình giao tiếp, cha mẹ nên hạn chế tập trung hỏi về tình hình điểm số của con trên lớp, không nên so sánh tư duy của con với tư duy của những đứa trẻ khác, hoặc cố gắng áp đặt con mình phải có suy nghĩ, quan điểm giống mình. Hãy tôn trọng, bình đẳng và đừng ra lệnh, áp đặt, chỉ trích, trẻ sẽ mong muốn nói chuyện với cha mẹ nhiều hơn.