Thời sự

Chuyên gia: Năm 2022 vĩ mô tốt nhưng tiền tệ xấu, năm 2023 sẽ ngược lại

Tại tọa đàm “Thị trường chứng khoán 2023: Xu thế mới, lựa chọn mới” do Trang thông tin điện tử tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới và Công ty Cổ phần WiGroup phối hợp tổ chức sáng 27/9, ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup nhận định về bức tranh kinh tế toàn cầu và Việt Nam trong thời gian tới.

 

Tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển như Việt Nam chịu áp lực lớn

Theo ông, để điều hành chính sách tiền tệ, các nước cần dựa vào hai yếu tố gồm tăng trưởng kinh tế và ổn định lạm phát. Như vậy muốn dự đoán được bối cảnh tiền tệ trong tương lai như thế nào cần nhìn vào hai yếu tố này.

Dẫn dự phóng tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2022-2024 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (World Bank), CEO WiGroup cho biết nếu các tổ chức có cập nhật mới dự phóng thì con số thậm chí còn thấp hơn bởi sự kỳ vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp hơn nhiều, khi mà tất cả các quốc gia lớn bước vào giai đoạn tăng trưởng lãi suất lớn, gây sức ép xấu hơn nữa đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Theo dự báo của các tổ chức, tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh năm 2022, tính trung bình các dự báo đạt khoảng 3% so với 5,7% vào năm 2021.

 Nguồn: WiGroup.

Trước đó năm 2021 kinh tế toàn cầu tăng trưởng mạnh bởi nhóm các quốc gia đã phát triển có mức nền thấp năm 2020. Tuy nhiên năm 2022, sự tăng trưởng này chậm lại khá rõ, theo dự báo mới cập nhật của các tổ chức chỉ duy trì ở mức 2-2,5%, thấp hơn mức trung bình trước khi COVID-19 diễn ra. Tình hình xấu hơn nữa có thể tăng trưởng ở mức 0-1%, suy thoái kinh tế là điều có thể diễn ra nhưng chưa có nhiều cơ sở.

"Nhìn bối cảnh chung có thể thấy bức tranh không tích cực về kinh tế toàn cầu", ông Báu nhấn mạnh.

Ông lưu ý sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu diễn ra ở các nước phát triển nơi họ phải tăng lãi suất tương đối mạnh mẽ để kiểm soát lạm phát. Nhưng ở những quốc gia đang phát triển và mới nổi như Việt Nam, lạm phát không phải mối nguy hại lớn nhưng vì bảo vệ tỷ giá nên phải tăng lãi suất.

Sự tăng trưởng chậm lại của các quốc gia phát triển cùng với việc các quốc gia này tăng lãi suất gây áp lực lên tăng trưởng của các quốc gia đang phát triển. Việt Nam cũng nhằm trong nhóm này.

"Tốc độ tăng trưởng bình quân 3 năm tới của nhóm quốc gia đang phát triển, mới nổi sẽ chậm hơn rất nhiều so với giai đoạn trước COVID-19", ông nói.

  Nguồn: WiGroup. 

  Nguồn: WiGroup. 

Bức tranh kinh tế Việt Nam 2023 khá tiêu cực

Dự phóng kinh tế Việt Nam, tổng hợp từ 10 tổ chức uy tín cho thấy năm 2022, đặc biệt quý III sẽ tăng trưởng kỷ lục, nội tại không phải tăng trưởng quá mạnh nhưng do cùng kỳ quá thấp.

Có đơn vị dự báo thấp nhất là 10,3%, cao nhất là 13,8% trong quý III, mức tăng khả quan này sẽ kéo tăng trưởng cả năm.

Về tăng trưởng 2022, có tổ chức dự báo cao nhất là 8,5%, thấp nhất là 7%, lấy bình quân, dự báo tăng trưởng khoảng 7,8% - vẫn là mức tương đối cao so với trước khi COVID-19 diễn ra.

  Nguồn: WiGroup. 

  Nguồn: WiGroup. 

Tuy nhiên ông nhấn mạnh tăng trưởng năm nay cao do nền tảng cơ sở năm 2021 rất tiêu cực. Sang năm 2023 khi nền tăng trưởng năm 2022 cao cùng tăng trưởng kinh tế chậm lại toàn cầu, dự báo năm 2023 kinh tế Việt Nam chỉ tăng khoảng 6,8%, thấp hơn trước dịch COVID-19.

"Các tổ chức lớn đều nhìn thấy sự tiêu cực trong bức tranh kinh tế 2023 của Việt Nam", ông nói.

Như vậy có thể thấy kinh tế toàn cầu và Việt Nam nói riêng đều chưa đạt mức tăng trưởng như trước khi COVID-19 diễn ra.

Ngoài ra, tăng trưởng quý IV/2022 nhìn chung sẽ tương đối tiêu cực. Việt Nam sẽ chứng kiến một quý IV tăng trưởng thấp hơn nhiều so với quý IV của các năm trước đó, dự báo khoảng 3,5- 5,4% (trong khi tăng trưởng quý IV bình quân khoảng gần 7%).

Nói về lạm phát, có một số quan điểm tiêu cực về lạm phát năm nay như Standard Chartered dự báo 4,2%; CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam dự báo 4,5%. Tuy nhiên theo quan điểm cá nhân, ông Báu cho rằng lạm phát của Việt Nam sẽ thấp hơn rất nhiều so với mức 4% mục tiêu của Chính phủ.

"Giá dầu giảm mạnh, giá xăng giảm, làm mặt bằng chung chỉ số về giá giao thông giảm từ 123 xuống 102, tương đương mức giảm 15%. Đây là động lực kéo CPI xuống thấp, bớt gây áp lực lên lạm phát.

Trong khi đó giá heo đã ngừng tăng, dự phóng tăng 6% từ nay đến cuối năm. Giá xăng dự kiến về mức 20.000 đồng/ lít nhờ các chính sách giảm thuế. Chỉ số giáo dục và vật liệu xây dựng sẽ chỉ tăng nhẹ.

Dự báo cá nhân, CPI năm nay chỉ tăng 3-3.3% thấp hơn nhiều so với 4%", đại diện WiGroup nói thêm.

  Nguồn: WiGroup. 

Tại sao Việt Nam khó kích thích tăng trưởng kinh tế dù lạm phát thấp? 

Lạm phát đang trong tầm kiểm soát, Việt Nam có nhiều động lực để bơm tiền để kích thích kinh tế, tuy nhiên chúng ta lại không làm như vậy vì lý do liên quan đến tỷ giá.

Hiện ở các nước phát triển, lạm phát bình quân của các nước này tăng trung bình từ 2% vọt lên 8-10%. Đây là mức lạm phát rất cao. Để quay trở lại mức mục tiêu là 2% phải mất 1-2 năm nữa, với viễn cảnh như này các nước bắt buộc phải tìm nguyên nhân cốt lõi của lạm phát.

Trong khi yếu tố về cung đã được xử lý thì yếu tố về cầu vẫn còn tồn tại. Do giai đoạn COVID-19, các nước bơm tiền quá mạnh, dẫn đến kích thích thích nhu cầu chi tiêu thái quá, làm giá hàng hóa tăng nhanh. Mỹ là nước đầu tiên tăng lãi suất, từ 0-0,25% hồi đầu năm nay lên 3-3,25% vào giữa tháng 9.

Từ giờ đến cuối năm, dự báo của các thành viên FOMC, Morgan Stanley cho thấy mức lãi suất quỹ liên bang (Fed Fund Rate) sẽ ở mức 4,25%. Từ giờ đến cuối năm có thể còn hai đợt tăng lãi suất nữa, mỗi lần thêm khoảng 50 - 75 bps. Chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ đã gây áp lực lớn đến tỷ giá các quốc gia khác.

Thế giới từng kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất vào năm 2023, tuy nhiên sau đợt tăng lãi suất vừa rồi cùng các bài phát biểu của Chủ tịch Fed, kỳ vọng về lãi suất đã lập tức thay đổi.

Fed giờ đây được dự báo sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Việt Nam để ổn định tỷ giá cũng sẽ tăng lãi suất theo. Chỉ trong hai tháng mọi kỳ vọng của thị trường đã đảo lộn hoàn toàn và phải thừa nhận Fed sẽ duy trì mặt bằng lãi suất cao như này trong một năm nữa, không thể nhanh chóng nới lỏng.

Theo ông Báu, vấn đề tăng lãi suất chỉ là bề nổi, vấn đề khác mà thị trường dường như không chú ý là các NHTW lớn từ tháng 5, tháng 6 bắt đầu triển khai thu hẹp bảng cân đối kế toán. Bản thân Fed giảm 200 tỷ USD từ bảng cân đối kế toán, điều này làm USD biến động hơn nữa. Hai điều này giúp Mỹ kiểm soát lạm phát về vùng mục tiêu nhanh hơn nhưng áp lực thắt chặt lây lan sang các quốc gia khác.

Nguồn: WiGroup 

Nguồn: WiGroup 

Áp lực này sẽ ảnh hưởng đầu tiên đến các quốc gia đã phát triển chứ không phải quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Các quốc gia đã phát triển bị tổn thương nhiều hơn trong giai đoạn đầu khi Fed tăng lãi suất. Các quốc gia đang phát triển, mới nổi như Việt Nam mới bị tổn thương từ tháng 5/2022 đến nay.

Tỷ giá của chúng ta và các nền kinh tế đang phát triển khác phản ứng rõ rệt từ tháng 5/2022 trở đi. Đến thời điểm hiện tại, bỏ qua giai đoạn tháng 9 vừa rồi, ở các quốc gia mới nổi, đồng nội tệ mất giá khoảng 6%. Riêng VND mất giá khoảng 4%, Việt Nam vẫn là nước có khả năng kiểm soát tỷ giá rất tốt.

Việt Nam đã dùng dự trữ ngoại hối để hạn chế đà giảm của VND so với USD. Tuy nhiên, nước ta còn cần duy trì dự trữ ngoại hối ở mức an toàn là đủ cho 3 tháng nhập khẩu. Vì vậy trong năm 2023, Việt Nam sẽ hỗ trợ tỷ giá bằng cách nâng thêm lãi suất.

Ông Báu kết luận, nhìn tổng thể, tăng trưởng quý IV/2022 chậm lại và 2023 sẽ chậm lại rõ rệt hơn. Lạm phát tiếp tục trong tầm kiểm soát trong năm nay. Năm 2023, lạm phát tương đối căng thẳng, một số tổ chức cho rằng có thể lên tới 4,1%, trên mức mục tiêu của Chính phủ. Tuy nhiên theo dự báo của cá nhân ông, lạm phát năm 2023 sẽ dưới 4%.

"Lạm phát và tăng trưởng kinh tế về cơ bản không phải rào cản lớn làm cho dòng tiền sụt đi mà đến từ yếu tố tỷ giá", ông nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm